Khả năng Mỹ trực tiếp tham chiến tại Syria

Dư luận và báo chí quốc tế gần đây đã có nhiều bài viết bàn về khả năng Mỹ và phương Tây trực tiếp đưa quân tới Syria nhằm tìm lại hòa bình cho quốc gia này.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các tính toán này có khả thi hay không, và liệu phương Tây, và nhất là Mỹ có nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến khác, kéo dài và tốn kém, ở Trung Đông hay không.

Giải pháp hiệu quả nhất?

Trang tin "National Interest" (Mỹ) mới đây có bài phân tích với tựa đề: "Mỹ chuẩn bị tham chiến trực tiếp tại Syria?" của tác giả Daniel DePetris, chuyên gia phân tích độc lập. Theo tác giả, Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang tranh luận về một chủ đề được lặp đi lặp lại nhiều lần "Đã đến lúc Mỹ cần can thiệp quân sự để chống lại Chính quyền của ông Bashar al-Assad để cứu giúp phe đối lập tại Syria".

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng nhiệm Mỹ John Kerry tại cuộc họp ở Thụy Sỹ ngày 15/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Vấn đề nằm ở chỗ liệu Quốc hội Mỹ có chấp nhận để Tổng thống Obama tiến hành các hoạt động quân sự như những lời kêu gọi này, hay sẽ lại tiếp tục “khoanh tay đứng nhìn". Theo các chuyên gia pháp luật Mỹ, Tổng Tư lệnh - đồng thời là Tổng thống Mỹ có quyền quyết định các vấn đề liên quan tới lợi ích an ninh quốc gia và triển khai quân đội tới vùng chiến sự theo Đạo luật quyền tiến hành chiến tranh của Mỹ, mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong 60 ngày (có thể mở rộng thêm 30 ngày). 

Nếu sau khoảng thời gian này Nhà Trắng không nhận được sự ủy quyền của Quốc hội thì quân đội Mỹ mới ngừng hoạt động và rút lui khỏi vùng chiến sự. Tuy nhiên, Syria không phải là một cuộc chiến thông thường mà đây là một cuộc xung đột sắc tộc và dân tộc được hỗ trợ, hậu thuẫn bởi nhiều thế lực trong và ngoài khu vực để tối đa hóa ảnh hưởng của họ. Đó là lý do tại sao ông Obama muốn Quốc hội Mỹ cho phép sử dụng vũ lực khi có đủ kết luận rằng kế hoạch không kích và đưa quân vào Syria là giải pháp hiệu quả duy nhất để thuyết phục chế độ cầm quyền tại Syria trở lại bàn đàm phán với các phe phái đối lập, hướng tới một thỏa thuận chia sẻ quyền lực đầy khó khăn nhưng vô cùng quan trọng đối với quốc gia Trung Đông này.

Nhân tố Nga-Thổ

Bình luận của mạng tin "Debka" cho biết ngày 14/10, Tổng thống Obama đã nói với Lầu Năm Góc và giới tướng lĩnh nước này rằng thay vì vũ trang cho các nhóm nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, Washington sẽ quay lại bàn đàm phán với Moskva để hợp tác nhằm chấm dứt sự thù địch trong cuộc chiến Syria. Trên thực tế, ông Obama chưa từng xem xét một cách nghiêm túc việc cung cấp cho lực lượng nổi dậy Syria.

"Debka"cho rằng những lựa chọn cho sự can thiệp nghiêm túc của phương Tây vào cuộc chiến Syria đang nhanh chóng bị thu hẹp vì những lý do sau:

Một là Mỹ không có cách nào để đưa tên lửa tới tay các nhóm nổi dậy Syria, nhất là những nhóm đang chiến đấu ở phía Đông Aleppo. Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (đang kiểm soát 5.000 km2 phía Bắc Syria) đều sẽ không để cho những vũ khí này đến được đích.

Hai là nếu đồng ý với giải pháp này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đơn giản chỉ cần ra lệnh cho quân đội của ông mở một tuyến đường để cung cấp tên lửa cho phe nổi dậy đang bị bao vây ở Aleppo bởi các lực lượng Nga, Syria, Iran và Hezbollah. Tổng thống Erdogan từ chối đưa ra mệnh lệnh đó vì những thỏa thuận quân sự mà ông vừa đạt được với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hồi tuần trước ở Istanbul, gạt bỏ mọi mối lo ngại liên quan tới số phận của những nhóm nổi dậy ở Aleppo.

Ba là nội dung những thỏa thuận giữa hai bên xác nhận "vùng an ninh" Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria sẽ được bảo vệ bằng một vùng cấm bay chung, trừ các máy bay của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bốn là liên minh quân sự của Ankara với Moskva đang nhanh chóng làm xói mòn quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và NATO.

Có thể thấy khi nhiệm kỳ tổng thống sắp kết thúc, ngay cả khi ông Obama có được “cái gật đầu” của Quốc hội Mỹ thì thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga mới đây cũng sẽ khiến cho Mỹ và phương Tây khó có thể tiến hành can thiệp quân sự tại quốc gia này.
TTK
EU không xem xét trừng phạt Nga vì Syria
EU không xem xét trừng phạt Nga vì Syria

EU sẽ không xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng để ngỏ khả năng áp đặt trừng phạt bổ sung đối với chính quyền Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN