Cáo buộc bịt miệng
Sáng sớm 28/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích trên Twitter rằng Google đã tác động gian lận vào kết quả tìm kiếm nhằm gây bất lợi cho ông.
Trong dòng tweet đầu tiên, ông Trump viết: “Kết quả tìm kiếm Google cho “tin tức về Trump” chỉ hiển thị những quan điểm/tin tức của Truyền thông Tin tức Giả mạo. Nói cách khác, họ đã GIAN LẬN với tôi và người khác để gần như mọi tin tức đều TIÊU CỰC. CNN giả mạo có vị trí nổi bật. Truyền thông công bằng và truyền thông của phe Bảo thủ/Cộng hòa bị khóa họng”.
Ông Trump nói tiếp trong một dòng tweet khác, cáo buộc Google và những người khác đang đàn áp tiếng nói của phe Bảo thủ, che giấu thông tin và tin tức tốt. Ông cáo buộc các hãng này kiểm soát những gì chúng ta có thể hoặc không thể nhìn thấy, đồng thời cảnh báo: “Đây là tình hình rất nghiêm trọng và sẽ bị xử lý”.
Không chỉ nhằm vào Google, Tổng thống Trump còn chỉ trích cả Facebook và Twitter, nói rằng các tập đoàn công nghệ khổng lồ này đang tìm cách bịt miệng phe bảo thủ. Ông nói: “Tôi cho rằng họ đối xử với phe Cộng hòa và bảo thủ rất bất công. Điều đó không đúng, điều đó không công bằng, điều đó có thể không hợp pháp”.
Để chứng minh các hãng công nghệ “bịt miệng một phần rất lớn đất nước này”, Tổng thống Trump đã đăng một video nói rằng Google đặt các thông điệp liên bang của ông Barack Obama trên trang chủ, nhưng thông điệp liên bang của ông lại không có vị trí như vậy. Theo ông Trump, khi ưu ái quan điểm của phe tự do, Google, Facebook và Twitter đang “bước đi trên một con đường rất rắc rối và họ phải cẩn thận”.
Các cáo buộc ngày càng gia tăng nhằm vào Facebook, Google và Twitter là cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất bủa vây ngành công nghệ. Trong năm qua, các cáo buộc kiểm duyệt đã khiến một số lãnh đạo công nghệ phải điều trần trước Quốc hội.
Theo khảo sát mới của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông do công ty McLaughlin & Associates thực hiện, 65% người thuộc phe bảo thủ cho rằng các công ty mạng xã hội cố tình kiểm duyệt quyền chính trị.
Người sử dụng đôi khi không còn lựa chọn nào khác. Ông Dan Schnur, giáo sư khoa truyền thông Annenberg thuộc trường Đại học Nam California nói: “Nếu bạn là người ủng hộ tuyệt đối Tổng thống Trump và không thích CNN, bạn có thể chuyển sang kênh Fox. Nhưng bạn còn chuyển kênh nào được nữa khi không muốn dùng Facebook hoặc Google?”
Nếu trong năm trước, cụm từ “tin tức giả mạo” trở nên phổ biến thì bây giờ, cụm từ cửa miệng của phe bảo thủ là “mạng xã hội giả mạo” và “công cụ tìm kiếm giả mạo”. Con trai của Tổng thống Trump, Donald Trump Jr. từng nói rằng nếu có cái gì thuộc phe bảo thủ thay thế được Facebook, ông sẽ kêu gọi người ủng hộ tổng thống chuyển sang.
Vấn đề kiểm duyệt
Trong một tuyên bố, Google bác bỏ quan điểm của Tổng thống Trump: “Công cụ tìm kiếm không được sử dụng để lập nghị trình chính trị và chúng tôi không thiên lệch kết quả theo tư tưởng chính trị nào cả. Hàng năm, chúng tôi đã thực hiện hàng trăm nâng cấp thuật toán để đảm bảo nội dung chất lượng cao hiện lên khi người dùng tìm thông tin. Chúng tôi tiếp tục làm việc để cải thiện công cụ tìm kiếm Google và chúng tôi không bao giờ xếp hạng kết quả tìm kiếm để thao túng tâm lý chính trị”.
Trong không khí chính trị chia rẽ như vậy, các công ty công nghệ tiếp nhận những cáo buộc này một cách nghiêm túc. Facebook đã thuê cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jon Kyl để xem xét xem liệu Facebook có kìm hãm tiếng nói phe bảo thủ hay không. Tổng giám đốc điều hành Twitter, ông Jack Dorsey, cũng đã gặp những người nổi tiếng thuộc phe bảo thủ để nói về vấn đề thiên lệch.
Những biện pháp phòng vệ có thể giúp họ gạt bỏ mối đe dọa bị chỉnh đốn. Trong tuần này, chính quyền Mỹ đã đặt ra khả năng thắt chặt kiểm soát Google khi ngày càng có nhiều đề xuất kiểm soát các hãng công nghệ lớn được đưa ra ở Washington.
Theo bình luận của tờ Independent (Anh), Nhà Trắng không thể làm gì nhiều nếu không có sự hợp tác của Quốc hội, nhưng Tổng thống Trump tỏ ra khôn khéo trong bình thường hóa các ý tưởng chính trị mà trước đây chưa từng được đưa ra thảo luận.
Chính quyền của ông Trump có ý định cân nhắc xem liệu các công cụ tìm kiếm của Google có cần được chính phủ liên bang giám sát hay không. Tuy nhiên, ý định này có vẻ không chắc chắn xét những gì Tổng thống Trump nói: “Chúng tôi chỉ định xem thôi… Không phải chỉnh đốn. Công bằng”.
Tuy nhiên, ngày 30/8, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Orrin Hatch, đã đề nghị Ủy ban Thương mại Liên bang mở lại điều tra chống độc quyền với Google trong mảng tìm kiếm và quảng cáo kỹ thuật số. Ủy ban Thương mại Liên bang đã kết thúc một cuộc điều tra tương tự năm 2013.
Theo tờ Independent, Tổng thống Trump đã khôn khéo khi chọn thời điểm để chỉ trích các tập đoàn công nghệ, đặc biệt là sau khi ông đang trải qua những giai đoạn tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ tổng thống: các cựu phụ tá dính vòng lao lý hay phản ứng về cái chết của thượng nghị sĩ John McCain.
Trong khi đó, thời điểm bị Tổng thống Trump tấn công lại vô cùng bất lợi với các công ty công nghệ. Ngày 5/9, các nghị sĩ Ủy ban Tình báo Thượng viện sẽ chất vấn Tổng giám đốc điều hành Sheryl Sandberg của Facebook và Jack Dorsey của Twitter trong một phiên điều trần về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Tuy nhiên, theo AFP, Tổng thống Trump sẽ đối mặt một nhiệm vụ bất khả thi nếu muốn quản lý Google. Các chuyên gia truyền thông và pháp lý cho biết Google và các công ty Internet được bảo vệ quyền tự do ngôn luận theo hiến pháp như các tờ báo, tức là chính phủ không thể can thiệp vào kết quả tìm kiếm.
Bà Eugene Volokh, giáo sư luật trường Đại học California-Los Angeles, cho biết, Google và các công ty tương tự được bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất. Có rất nhiều trường hợp trong suốt 15 qua có thể xác nhận điều này. Mọi nỗ lực của Tổng thống Trump trong “chỉnh đốn” kết quả công cụ tìm kiếm sẽ vi phạm Tu chính án thứ nhất.
Các nhà phân tích cho rằng có ít bằng chứng cho thấy thuật toán của các công ty trực tuyến dựa trên chính trị và sẽ nguy hiểm nếu tìm cách quản lý cách vận hành công cụ tìm kiếm để làm hài lòng một chính phủ hay phe chính trị nào đó.
Ngay cả khi không có Tu chính án thứ nhất thì ý tưởng quản lý hàng tỷ lượt tìm kiếm Google cũng là nhiệm vụ bất khả thi.