'Cú quay đầu' kịch tính của đảng cầm quyền Thuỵ Điển, Phần Lan về phía NATO

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã thúc đẩy một sự thay đổi nhanh chóng trong các đảng cầm quyền ở Thuỵ Điển, Phần Lan vốn phản đối việc tham gia liên minh quốc sự Bắc Đại Tây Dương trong nhiều thập kỷ qua.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson họp báo tại trụ sở Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền ngày 15/5. Ảnh: AFP/Getty Images

Giống như phần lớn các quyết định chính trị lịch sử ở Bắc Âu gần đây, cuối cùng quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan đã thuộc về Đảng Dân chủ Xã hội.

Vào tối 15/5, mọi con mắt đều đổ dồn vào đảng cầm quyền Thụy Điển, khi các nhà lãnh đạo tuyên bố họ sẽ ủng hộ tư cách thành viên NATO, mở đường cho Stockholm nộp đơn chính thức sớm nhất là vào ngày 16/5.

“Chúng tôi những người theo Đảng Dân chủ Xã hội nghĩ rằng điều tốt nhất cho an ninh của Thụy Điển và người dân Thụy Điển là gia nhập NATO”, Thủ tướng kiêm lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Magdalena Andersson phát biểu trong một cuộc họp báo. “Rõ ràng là sự tự do của chúng tôi nằm ngoài các liên minh đã phục vụ tốt cho Thụy Điển, nhưng kết luận của chúng tôi là nó sẽ không còn phục vụ chúng tôi trong tương lai”, bà Andersson nói.

Với quyết định ngày 15/5, Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển đã nối chặt vòng tay của họ với đảng “chị em” Phần Lan, những người cũng đã ủng hộ tư cách thành viên NATO vào ngày 14/5, như sự chứng thực cuối cùng mà giới lãnh đạo đất nước cần để phê duyệt đơn gia nhập liên minh phòng thủ phương Tây.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg - cựu thủ tướng Đảng Dân chủ Xã hội của Na Uy – cam kết sẽ xúc tiến nhanh xem xét các đơn xin gia nhập. “Ý định của tôi là có một quá trình nhanh chóng”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên cùng ngày 15/5.

Việc hai thủ tướng của Đảng Dân chủ Xã hội sẽ dẫn dắt Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO thể hiện một sự thay đổi ngoạn mục trong đường lối của các đảng này trong nhiều thập kỷ qua.

"Cú quay đầu" phối hợp nhịp nhàng

Mới đây vào đầu tháng 3, Thủ tướng Thụy Điển Andersson cho biết việc tham gia NATO sẽ gây mất ổn định an ninh khu vực, trong khi vào tháng 1, người đồng cấp Phần Lan Sanna Marin cho biết bà không mong đợi là quốc gia trở thành thành viên NATO trong thời gian tại nhiệm của mình.

Sau đó Nga đưa quân vào Ukraine.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự quyết đoán chính trị, từng cho phép Đảng Dân chủ Xã hội thống trị nền chính trị Bắc Âu trong phần lớn thế kỷ trước, hai nhà lãnh đạo đã có một “cú quay đầu” phối hợp nhịp nhàng, với tốc độ nhanh ấn tượng.

Sau cuộc họp quan trọng ở Stockholm giữa hai nữ lãnh đạo Marin và Andersson vào ngày 13/4, Thụy Điển và Phần Lan dường như rõ ràng đang cân nhắc nghiêm túc về việc thay đổi lập trường trung lập.

“Tôi nghĩ rằng [quyết định của chúng tôi] sẽ diễn ra khá nhanh, trong vòng vài tuần, không phải trong vài tháng”, nhà lãnh đạo Phần Lan nói trên đường tham gia cuộc họp đó.

Thông qua một lịch trình dày đặc các cuộc họp trong và ngoài nước ngay sau đó, các quan chức Thụy Điển và Phần Lan đã tạo được sự đồng thuận trong các đảng và nghị viện - và với các nhà lãnh đạo NATO khác - rằng tương lai của hai nước sẽ nằm trong NATO.

Trong khi đó, dư luận – vốn cởi mở với tư cách thành viên NATO - tiếp tục ủng hộ việc gia nhập liên minh. Cuộc thăm dò dư luận gần đây ở Thụy Điển cho thấy 48% người Thụy Điển ủng hộ việc gia nhập so với 25% phản đối. Khoảng 60% người Phần Lan muốn tham gia NATO.

Chú thích ảnh
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nắm tay nhau sau khi tổ chức một cuộc họp báo chung tại Brussels vào ngày 24/1/2022.

Rủi ro đối với cả các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển và Phần Lan có thể là sự mất uy tín khi thực hiện một sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách quốc phòng. Giải pháp một phần đến từ các đảng đối lập trung hữu của Thụy Điển và Phần Lan, vốn là những người ủng hộ lâu năm cho tư cách thành viên NATO. Một cuộc tranh luận trên truyền hình giữa các nhà lãnh đạo đảng ở Thụy Điển vào tuần trước diễn ra khá thân tình, trong khi các đảng trong quốc hội Phần Lan cũng thể hiện một mặt trận thống nhất trong suốt các cuộc thảo luận về tư cách thành viên NATO.

Trên các đường phố của Helsinki trong tuần qua, người dân địa phương dường như không quan tâm đến cú lật ngược quan điểm của Đảng Dân chủ Xã hội. Trong một quán cà phê đối diện nhà ga xe lửa trung tâm, một nhân viên pha chế cho biết cô tin tưởng các nhà lãnh đạo của đất nước sẽ có quyết định đúng đắn.

“Chúng tôi vẫn chưa là thành viên NATO cho đến lúc này và mọi thứ dường như đã diễn ra ổn thoả, nhưng nếu chính phủ nói rằng chúng tôi cần tham gia ngay bây giờ, tôi vẫn thấy ổn với điều đó,” cô nói.

Lịch sử khác biệt

Đối với Thụy Điển, thông báo hôm 15/5 của Đảng Dân chủ Xã hội báo trước sự kết thúc của hơn 200 năm đứng ngoài các liên minh quân sự chính thức mà trong thời gian đó đất nước chưa xảy ra một cuộc chiến nào.

Vào đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Thủ tướng Đảng Dân chủ Xã hội nổi tiếng của Thụy Điển Olof Palme đã tìm cách sử dụng vị thế độc lập quân sự của đất nước để chỉ trích cả Moskva và Washington cũng như kêu gọi giải trừ hạt nhân.

Về phần mình, Phần Lan đã cố gắng đạt được sự cân bằng của riêng mình giữa Đông và Tây trong những thập kỷ sau chiến tranh, cảnh giác với xung đột sau khi tham gia hai cuộc chiến tranh với Liên Xô trong giai đoạn 1939-1944.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, cả hai quốc gia đã xích lại gần hơn với NATO, ký kết một thỏa thuận hợp tác có tên Đối tác vì Hòa bình vào năm 1994 và phê chuẩn cái gọi là Thỏa thuận Quốc gia Chủ nhà (HNA) vào năm 2016, cho phép quân đội từ NATO hoạt động dễ dàng hơn trên lãnh thổ Thụy Điển và Phần Lan.

Tuy nhiên, quá trình chuyển từ vai trò đối tác thân thiết của NATO sang các thành viên đầy đủ vẫn sẽ kéo theo những thách thức đối với Stockholm và Helsinki. Moskva cho biết việc hai nước Bắc Âu gia nhập NATO sẽ đe dọa an ninh của Nga và tuyên bố sẽ có các biện pháp đối phó, bao gồm cả đưa vũ khí áp sát hai quốc gia này hơn. Một số thành viên NATO hiện tại, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đưa ra quan ngại.

Bất chấp những điều đó, tại cuộc họp báo ngày 15/5, Thủ tướng Andersson đã khơi gợi tình yêu của người Thụy Điển đối với đất nước khi bà biện minh cho việc chuyển đổi chính sách của đảng mình. “Chúng ta muốn sống trong một đất nước Thụy Điển tự do và dân chủ. Đó là một Thụy Điển đáng để phòng thủ và Thụy Điển sẽ được bảo vệ tốt nhất trong NATO."

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN