Thủ tướng Anh Theresa May (phải) và cựu Ngoại trưởng Boris Johnson (giữa), cựu Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 9/7 trở thành một ngày bận rộn đối với các nhà cái cá cược tại Anh khi họ phải liên tục điều chỉnh tỷ lệ cá cược về khả năng “xứ sở sương mù” sẽ có một thủ tướng mới ngay trong năm nay. Sau
khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tiếp bước Bộ trưởng
Brexit David Davis và một quốc vụ khanh khác nộp đơn từ
chức, hãng cá cược Ladbrokes đánh giá việc Thủ tướng Anh sớm mất chức là “rất có thể sẽ xảy ra”.
Trong vòng 1 năm qua, bà May đã mất 4 thành viên quan trọng trong
nội các vì các lý do khác nhau. Cũng không ít lần những mâu thuẫn và
chia rẽ trong nội bộ chính phủ Anh, chủ yếu liên quan chủ đề nước Anh
rời Liên minh châu Âu (EU) làm lung lay “chiếc ghế” thủ tướng của bà
May. Nhưng sự ra đi của hai cái tên nổi bật và chủ chốt trong chính phủ
là Ngoại trưởng Boris Johnson và Bộ trưởng Brexit David Davis mới thực
sự đặt ra thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng May từ khi nhậm chức tới
nay.
Điều đáng nói là cuộc khủng hoảng này xảy ra chỉ 2 ngày sau khi bà
May tưởng chừng như lấp đầy được sự bất đồng và chia rẽ trong nội các
với sự nhất trí của toàn bộ 23 thành viên đối với kế hoạch Brexit trong
cuộc họp tại Chequers, khu dinh thự nông thôn của Thủ tướng Anh.
Giống
như lời châm biếm của thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn khi bà May phát biểu trước Hạ viện Anh chiều 9/7 về
sự “nhất trí” của nội các với kế hoạch Brexit của mình, rằng sở dĩ các
thành viên nội các đồng ý ký vào bản kế hoạch vì “nếu phản đối và từ
chức ngay lúc ấy thì lại không còn xe riêng để quay về London, trong khi
những chuyến xe bus cuối cùng từ Chequers về thủ đô đều đã hết”.
Những lời đồn đoán đang xuất hiện nhiều hơn về một cuộc “nổi loạn”
nhằm thách thức vai trò lãnh đạo của bà May, khi con số tối thiểu 48
đơn kiến nghị từ các nghị sĩ Bảo thủ để tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất
tín nhiệm đối với Thủ tướng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực chỉ
trong một vài ngày tới.
Mọi chuyện có vẻ đang theo chiều hướng giống câu
chuyện như hồi tháng 11 năm ngoái, khi vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm
Thủ tướng May cũng được đặt ra do bất đồng trong nội bộ đảng cầm quyền
về Dự luật rút khỏi EU. Bởi vậy, ngay cả khi bà May vượt qua được các
cuộc bỏ phiếu này thì người ta cũng cho rằng mục tiêu thông qua được dự
luật Brexit tại Hạ viện sẽ là một “nhiệm vụ bất khả thi” khi các thành
viên chính phủ từ chức “về hùa” với nhóm nghị sĩ không có chức vụ trong
nội các ra mặt chống đối mọi đề xuất của Thủ tướng mà họ cho là “nhượng
bộ quá nhiều đối với châu Âu”, “dần biến Anh thành thuộc địa của EU”.
Tuy nhiên, như một câu ngạn ngữ Anh, “đám mây nào cũng có viền
bạc”, sự ra đi của hai nhân vật ủng hộ Brexit cứng rắn là Boris Johnson
và David Davis tưởng chừng như có thể khiến Chính phủ Anh “lung lay” dữ
dội, thì trong thực tế lại có khả năng càng củng cố thêm chiếc ghế Thủ
tướng của bà May, và cùng với đó là triển vọng một Brexit “mềm” có thể
thuyết phục được EU.
Điều quan trọng nhất là cán cân lực lượng giữa phe “ở lại và “ra
đi" khỏi EU tại Quốc hội Anh vẫn không hề thay đổi. Phe ủng hộ Brexit
coi như đã có thêm 3 nghị sĩ chống châu Âu, nhưng chiếm đa số tại Hạ
viện vẫn là các nghị sĩ có quan điểm ủng hộ EU, kể cả tính trong số 310
nghị sĩ của đảng Bảo thủ. Phe nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ Brexit cứng rắn có
thể huy động đủ người để khởi động một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm,
nhưng triển vọng họ giành thắng lợi là không cao.
Trên thực tế, hầu hết
các nghị sĩ Bảo thủ đều không quá mặn mà với việc bị cuốn vào một cuộc
tranh chấp quyền lực nội bộ trong thời điểm này, nhất là việc bà May ra
đi có thể mở đường cho tham vọng quyền lực của một nhân vật đầy tranh
cãi như ông Boris Johnson.
Sau cuộc họp cải tổ nội các tối 9/7, Chính phủ mới của bà May coi
như bao gồm hầu hết là các gương mặt và tên tuổi có tư tưởng thân châu
Âu, hoặc ít nhất cũng là cam kết nhất trí tôn trọng kế hoạch Brexit
“mềm” được thông qua tại Chequers ngày 6/7. Trong đó, cả 4 vị trí quan
trọng nhất trong nội các, gồm Thủ tướng Theresa May, Bộ trưởng Tài chính
Philip Hammond, tân Ngoại trưởng Jeremy Hunt và Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid đều
là những nhân vật từng vận động để Anh ở lại EU trước cuộc trưng cầu dân
ý về Brexit.
Trong bối cảnh phe ủng hộ “Brexit cứng” đang mất dần toàn
bộ ảnh hưởng của mình trong nội các, không có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ
có một “làn sóng” các thành viên chính phủ nối bước nhau từ chức trong
những ngày tới cho đến khi nào bà May đồng ý xem xét lại kế hoạch Brexit
như những lời đe dọa ban đầu. Tại Chequers cuối tuần trước, cái “uy”
của Thủ tướng Anh đã khiến toàn bộ nội các của bà phải đồng ý nhất trí
với kế hoạch Brexit.
Tại Hạ viện Anh, dù không được sự ủng hộ của đa số, bà May vẫn lần
lượt vượt qua mọi cuộc bỏ phiếu cho các đề xuất của chính phủ về
Brexit. Đề xuất mới nhất trong kế hoạch Brexit của bà về “một bộ quy tắc
chung về hàng hóa” với châu Âu là nguyên nhân chính cho cuộc khủng
hoảng hiện nay, nhưng “là cần thiết để thúc đẩy đàm phán với châu Âu”.
Ngay cả khi ý tưởng mới nhất này có bị Quốc hội bác bỏ, bà May nhiều khả
năng vẫn sẽ tìm được giải pháp với tính cách kiên trì và bền bỉ của
mình.
Có vẻ không nhiều người dân Anh mặn mà với việc bỏ tiền ra cá cược
cho khả năng bà May sẽ phải ra đi trong năm nay, bất chấp cuộc khủng
hoảng đang đe dọa nội các của bà. Người dân Anh đã bị thuyết phục rằng
bà May sẽ đấu tranh đến cùng để giữ vững vị trí thủ tướng cho đến khi
hoàn thành “sứ mệnh Brexit”. Tỷ lệ ủng hộ bà trong công chúng đã tăng
mạnh từ đầu năm đến nay, và ngày càng vượt xa lãnh đạo Công đảng Jeremy
Corbyn. Rất có thể lần này, nữ Thủ tướng Anh lại xoay chuyển được tình
thế tương tự như cuộc khủng hoảng nội các hồi cuối năm ngoái.
Khi đó,
với việc Anh đạt được thỏa thuận kết thúc giai đoạn 1 đàm phán để bước
vào giai đoạn 2 với EU, các lực lượng chống đối, bất đồng quan điểm với
Thủ tướng May trong đảng Bảo thủ đều thừa nhận nước Anh cần vai trò
“thuyền trưởng” của bà ít nhất là từ nay đến hết tháng 3/2019, thời điểm
Anh chính thức "chia tay" EU.
Dự kiến trong tuần này, Thủ tướng Anh sẽ khởi động một loạt các nỗ
lực ngoại giao cấp cao với các nhà lãnh đạo EU để thuyết phục họ về kế
hoạch Brexit của Chính phủ Anh. Triển vọng phá vỡ bế tắc giữa Anh và EU
có thể sẽ thuận lợi hơn sau khi nội các Anh không còn hai gương mặt ủng
hộ Brexit cứng rắn. Điều quan trọng nhất là EU cũng phải nhận ra rằng bà
May đã mạo hiểm cả ghế thủ tướng và chính phủ của mình để đưa ra những
nhượng bộ quan trọng.
Trong bối cảnh EU ngày càng lo ngại về nguy cơ của
một kịch bản Brexit không đạt được thỏa thuận do những rủi ro chính trị
nội bộ của nước Anh, bà May là Thủ tướng Anh tốt nhất mà EU có thể
trông đợi.