Hầu hết các quốc gia đều cam kết sẽ nỗ lực để hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C cũng đã được thông qua.
Đặc phái viên khí hậu của LHQ Christiana Figueres nhớ lại thời điểm các bên thông qua thỏa thuận vào tối 12/12/2015, khoảng 5.000 con người trong phòng họp gần như đều nhảy lên một cách hân hoan, có cả nước mắt, nụ cười và những tràng pháo tay giòn giã. Bà chưa từng chứng kiến một không khí náo nhiệt đến thế, đặc biệt là trong một cuộc họp gồm những chính trị gia hoặc những nhân vật có tầm ảnh hưởng luôn thể hiện hình ảnh nghiêm túc nơi công cộng. Sau 5 năm, dù không nhiều tiến bộ như mong đợi, nữ chính trị gia người Costa Rica này vẫn tin tưởng vào cơ hội sẽ đạt được mục tiêu hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu.
Vế đầu tiên mà bà Christiana Figueres nhắc tới chính là từ thực tiễn rằng tình hình triển khai hiệp định dường như vẫn "giậm chân tại chỗ". Các chuyên gia đánh giá những cam kết mà các nước đưa ra trong Hiệp định Paris là chưa đủ mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu khí hậu. Chưa dừng lại ở đó. Khả năng thực hiện được mục tiêu này càng trở nên xa vời sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nền kinh tế số một thế giới ra khỏi thỏa thuận và hầu hết các bên vẫn chưa thể kích hoạt những cam kết đưa ra. Nhiều ý kiến giờ đây nhận định các mục tiêu được đề ra trong hiệp định sẽ bị bỏ lỡ.
Chưa kể 5 năm qua, tình trạng ô nhiễm khí thải carbon vẫn gia tăng, các mức nhiệt qua thời gian cũng chạm những ngưỡng cao mới, những kỷ lục về nhiệt độ xuất hiện với mật độ ngày càng dày. Ngược lại với kỳ vọng, 5 năm sau khi hiệp định được ký kết, giới khoa học vẫn phải cảnh báo nhiều hơn về tính cấp bách của vấn đề trong khi ngày càng nhiều cuộc biểu tình do hàng triệu người trẻ tuổi tổ chức để kêu gọi hành động quyết liệt vì tương lai khí hậu.
Mới đây, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá bất chấp những dữ liệu thực tiễn và quan điểm ngày càng gay gắt từ cộng đồng, các chính phủ dường như vẫn khá dè dặt trong các chính sách về khí hậu. Ông chỉ ra nền nhiệt Trái Đất đã tăng 1,2 độ so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp và những hình thái thời tiết cực đoan chưa từng có tiền lệ cũng đã xảy ra ở mọi vùng, mọi châu lục. Đó là những vụ cháy rừng khốc liệt ở California (Mỹ) hay Australia và số lượng các trận bão hình thành trên Đại Tây Dương lập kỷ lục mới.
Một vấn đề còn tồn tại khác là theo cơ chế của Hiệp định Paris, sau mỗi 5 năm, các quốc gia phải nâng mức cam kết cắt giảm khí thải hay chính là các điều khoản về Mức đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Tuy nhiên, khi hạn chót đầu tiên sắp tới vào ngày 31/12, chưa đến 20 quốc gia trong nhóm phát thải khoảng 5% khí thải toàn cầu nộp được kế hoạch NDC mới.
Ngoài ra, các bên tham gia hiệp định vẫn chưa thể thống nhất được cơ chế để đáp ứng mong muốn của nhóm 48 quốc gia chịu nguy cơ cao nhất của biến đổi khí hậu, như nâng mục tiêu lên (kiềm chế nền nhiệt chỉ tăng khoảng 1,5 độ C) và các quốc gia giàu cam kết ủng hộ 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ nhóm các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Ở điểm này, chuyên gia khí hậu Corine Le Quere cho rằng về lý thuyết, thế giới có thể đạt được cả hai mục tiêu là kiềm chế mức nhiệt tăng ở ngưỡng 1,5 độ C và hỗ trợ các quốc gia dễ tổn thương nhất, nhưng đó là khi tất cả các quốc gia đều phải đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050. Xét về khía cạnh kinh tế và chính trị, điều này rất khó xảy ra.
Trong khi đó, vế thứ hai trong câu nói của đặc phái viên Christiana Figueres cũng xuất phát từ những tia hy vọng nhen nhóm trên thực tế khi nhận thức và hành động toàn cầu về khí hậu đang gia tăng. Điều không thể phủ nhận là thế giới đã đạt được những tiến bộ dù còn rất nhỏ so với kỳ vọng sau khi có Hiệp định Paris.
Trước hết, hiệp định đã góp phần hạn chế những tác động có thể đã xảy ra nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Trước khi hiệp định được thông qua, LHQ dự báo thế giới đang trên đà tiến tới mức nhiệt tăng từ 4 đến 6 độ C vào cuối thế kỷ này. Sau khi các nước tham gia hiệp định Paris và ký cam kết NDC, mức nhiệt tăng đến cuối thể kỷ được dự báo giảm xuống 3,7 độ. Dù LHQ cho rằng đây vẫn là mức “quá nhiều và không thể chấp nhận được”, nhưng về mặt con số cũng đã có sự cải thiện.
Cùng với đó, năm 2020 đã có nhiều nền kinh tế lớn cam kết đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon với những mốc thời gian cụ thể. Theo tổ chức nghiên cứu độc lập Climate Action Tracker, việc Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và Trung Quốc đặt mục tiêu vào năm 2060, nền nhiệt Trái Đất sẽ tăng ở mức 2,1 độ C vào cuối thế kỷ. Các chính phủ cũng ngày càng nhận thức rõ cần phải tăng cường các đạo luật và chính sách hướng tới mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2030 hoặc 2050. Tới nay, tổng cộng 77 quốc gia, 10 vùng và hơn 100 thành phố đã cam kết mục tiêu trung hòa khí carbon trước năm 2050. Trong khi đó, Surinam và Bhutan đã đạt những mục tiêu này.
Những tiến bộ thực tiễn khác cần nhắc tới chính là việc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã tạo ra Chỉ số chuyển đổi năng lượng để giúp các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp xác định hướng đi để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi năng lượng. Các quốc gia như Thụy Điển, Anh và Pháp đã làm rất tốt kế hoạch cắt giảm các chi nhánh năng lượng, tăng cam kết chính trị để theo đuổi những mục tiêu tham vọng về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Nhiều tập đoàn toàn cầu cũng đã tuyên bố các mục tiêu trung hòa khí carbon như Amazon, Google, Apple, Cenovus Energy, TELUS và Maple Leaf Foods.
Đáng mừng hơn, giới trẻ toàn cầu cũng đã nhận ra nguy cơ bất bình đẳng khi thế hệ tương lai phải gánh chịu những hậu quả ngày càng tồi tệ của tình trạng biến đổi khí hậu bắt nguồn từ hành động của thế hệ hiện nay. Khoảng 70% số người trẻ tuổi trên thế giới nhận định tốc độ chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch hiện đang trì trệ hoặc quá chậm và họ sẵn sàng chi trả kinh phí để thúc đẩy quá trình này hoặc thậm chí là thực hiện những thay đổi lối sống cần thiết. Các phong trào biểu tình do giới trẻ phát động trong những năm qua đã liên tiếp tạo tiếng vang lớn và góp thêm những tiếng nói quan trọng để thúc đẩy hành động vì khí hậu, trong đó phải kể đến phong trào “Thứ Sáu vì tương lai” của nữ sinh Thụy Điển Greta Thunberg đã tạo hiệu ứng toàn cầu.
Có thể nói, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã đoàn kết thế giới cùng hướng về một mục tiêu là hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu. Nhưng ngày càng nhiều người lo ngại cánh cửa cơ hội đạt mục tiêu đang khép dần và 5 năm tới là thời gian quyết định, đòi hỏi các quốc gia đưa ra chính sách, hành động có ý nghĩa và hiệu quả thực tiễn.
Một báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố năm 2019 cho thấy cánh cửa để thế giới thực hiện những thay đổi quan trọng và kiềm chế mức nhiệt tăng ở 2 độ C đang ngày càng thu hẹp. Quỹ phát thải carbon - lượng khí thải mà các quốc gia còn có thể thải ra đến khi thế giới đạt mức nhiệt tăng 2 độ C - chỉ còn kéo dài đến năm 2028. Quãng thời gian này có thể sẽ được nới rộng với điều kiện các quốc gia phải đưa ra được những kế hoạch phi carbon hóa nền kinh tế một cách cẩn trọng, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.
Theo LHQ, để đạt mục tiêu giữ mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C, trong thập niên này, mỗi năm thế giới cần giảm được 7,6% khí thải. Cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 "vô tình" giúp thế giới đạt chỉ tiêu giảm khoảng 7% khí phát thải trong năm 2020 so với năm 2019. Tuy nhiên, LHQ lo ngại việc các quốc gia tăng chi tiêu cho những lĩnh vực phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để thúc đẩy phục hồi sẽ khiến xu hướng này bị đảo ngược, thậm chí xấu đi và giới chuyên gia lo ngại khí thải tăng trở lại trong những năm tới là điều khó tránh.
Để thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris, cần những thay đổi lớn hơn trong mọi lĩnh vực từ lối sống, cách sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và công nghệ. Rõ ràng, thế giới cần hành động khẩn cấp, kết hợp công nghệ mới (sạch và tái tạo), sử dụng năng lượng hiệu quả và thay đổi cơ bản về mặt xã hội. Bên cạnh đó, nguyên tắc cần ghi nhớ là một chính sách đơn độc không thể giúp giải bài toán biến đổi khí hậu, mà thế giới cần một hệ thống hoặc một bộ chính sách nhất quán.
Quan trọng hơn cả, yếu tố thời gian sẽ góp phần lớn quyết định thành bại của cuộc chiến này. Thư ký điều hành của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa từng kêu gọi các quốc gia hành động với lời cảnh báo rằng thế giới không biết khi nào là quá muộn, khi nào là điểm không thể quay đầu. Điều duy nhất chúng ta có thể biết là ngay lúc này, ngay ngày hôm nay, chúng ta đang còn cơ hội.