Hôm 27/7, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự thảo luật cho phép nhanh chóng áp đặt các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga và các công ty đầu tư vào các dự án năng lượng ở Nga. Dự luật này đang chờ sự phê chuẩn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước đó hai ngày, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật này với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối. Dự luật ban đầu nhắm tới trừng phạt Triều Tiên, tuy nhiên do sự yêu cầu của Thượng viện Mỹ nên dự luật đã được bổ sung thêm các điều khoản trừng phạt Nga và Iran. Ngoài đưa ra các biện pháp trừng phạt, dự luật cũng đặt thêm điều kiện nhằm ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nới lỏng lệnh cấm vận nào của Nhà trắng cũng cần phải được sự cho phép của Quốc hội Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. |
Dự thảo lệnh cấm vận của Mỹ hướng tới các ngành quân sự, tình báo, khai khoáng, công nghiệp vận tải biển và đường sắt của Nga, đồng thời hạn chế việc làm ăn với các ngân hàng và công ty năng lượng Nga.
Vào hôm 28/7, Nhà trắng Mỹ tuyên bố Tổng thống Trump sẽ ký dự thảo trên thành luật. Các chuyên gia lý giải rằng Quốc hội Mỹ đã “còng tay” Tổng thống Trump về vấn đề này. Quốc hội Mỹ đã nhanh chóng thông qua hai dự luật với tỷ lệ phiếu ủng hộ áp đảo, 419-3 ở Hạ viện và 98-2 ở Thượng viện. Do vậy, Tổng thống Trump buộc phải ký thông qua dự luật để tránh rơi vào tình huống xấu hổ là chính những người của đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu để chống lại quyết định của Tổng thống nhằm thông qua dự luật.
Bình luận về sự kiện này, nhà phân tích chính trị Alexei Fenenko, phó giáo sư tại Khoa Chính trị Thế giới thuộc Đại học Quốc gia Moskva, cho biết: “Văn hóa Mỹ là ‘văn hóa súng đạn’. Nếu anh không đáp trả, anh là kẻ thất bại. Nga đã hết sức kiềm chế có lẽ nhằm chờ đợi Mỹ sẽ chấm dứt với các biện pháp trừng phạt nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên phản ứng của Nga dường như chỉ kích thích Mỹ”.
“Không cần thiết để đáp trả chỉ về mặt kinh tế. Nga có thể đòi ‘một cái giá không thể chấp nhận’: Mỗi và từng lệnh cấm vận tương đương với chấm dứt một thỏa thuận về giải trừ quân bị”, chuyên gia Fenenko giải thích.
Ông Fenenko trích dẫn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) như một ví dụ, hiệp ước này cấm tất cả hoạt động nổ hạt nhân vì mục đích dân sự hoặc quân sự, tại tất cả các môi trường và từ hiệp ước này đã tạo cơ chế để thành lập hệ thống giám sát quốc tế nhằm phát hiện bất kỳ dấu hiệu nổ hạt nhân nào dưới lòng đất, trên biển hoặc trong khí quyển.
Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD vào hệ thống giám sát này. Trong trường hợp Nga rút khỏi thỏa thuận CTBT và chấm dứt hoàn toàn việc hợp tác với Mỹ về vấn đề hạt nhân, hàng tỷ USD của Mỹ đã tiêu vào hệ thống sẽ tan thành mây khói.
Nhà phân tích cũng khuyến nghị, Nga có thể ngăn chặn việc phân phối uranium làm giàu ở mức độ thấp của mình cho Mỹ, lượng uranium này đang sử dụng ở ít nhất 1/3 số nhà máy điện hạt nhân của Mỹ.
Ngoài ra, Nga có thể đóng cửa hoàn toàn không phận để ngăn chặn các chuyến bay chở hàng hóa của NATO tới Afghanistan, chuyên gia Fenenko kết luận.
Trong các bình luận trước đó về vấn đề này, người đứng đầu Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân văn Moscow Nikolai Platoshkin cũng đưa ra khuyến nghị về việc làm thế nào Nga có thể đáp trả lại lệnh cấm vận mới của Mỹ.
“Bản thân dự thảo luật trừng phạt chứa đựng một gợi ý. Ở mục thứ 237 chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt trong luật không làm cản trở hoạt động của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA). Do đó, chúng ta hãy loại họ khỏi không gian. Nga có thể ngừng vận chuyển các phi hành gia Mỹ tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Họ có thể cưỡi ngựa lên đó”, ông Platoshkin bình luận trong một chương trình bàn tròn tại Nga.
Cũng theo ông Platoshkin, Nga có thể rút tiền đã đầu tư tại Mỹ. “Tại sao không đặt tiền của chúng ta vào trái phiếu Đức?” ông nói. Thêm vào đó, ông cho rằng Nga cần chấm dứt việc xuất khẩu phân bón sang Mỹ nếu các lệnh cấm vận được thông qua.
“Nga có thể chuẩn bị một báo cáo về nơi giới chóp bu tài phiệt Mỹ thích cất giấu tiền. Nếu nhìn kỹ danh sách của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về 10 nhân vật trốn thuế hàng đầu, trong đó chẳng có người Nga nào nhưng toàn là người Mỹ. Cơ quan thuế của Nga có thể giúp các đồng nghiệp tại Mỹ”, ông Platoshkin cho hay.