Chuyến đi hàn gắn rạn nứt với châu Âu của ông Vương Nghị

Tuần tới, ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – sẽ có chuyến công du tới một vài nước châu Âu như một phần trong nỗ lực hàn gắn mối quan hệ đang trên đà rạn nứt với châu lục bao gồm chủ yếu là các đồng minh với Mỹ.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AFP/TTXVN

Dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vị quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã được mời tới thăm Pháp, Italy, Hungary và Nga từ ngày 14 đến ngày 22/2. Trong chuyến công du, ông Vương Nghị sẽ có một vài ngày tham dự Hội nghị An ninh Munich tổ chức ở miền Nam nước Đức. Trước đó, giới truyền thông đồn đoán ông có thể gặp mặt Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại đây.

“Tại hội nghị an ninh mà một quan chức Trung Quốc đã không tham dự kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện vào năm 2020, ông Vương Nghị sẽ truyền đạt tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững được Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ, làm rõ cam kết tuân thủ của Trung Quốc để phát triển hòa bình và chia sẻ lập trường của Trung Quốc về các vấn đề quốc tế lớn theo chủ đề của hội nghị”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.

Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng Hội nghị Munich mang một ý nghĩa quan trọng vì nó được tổ chức khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sắp tròn dấu mốc một năm cũng như Mỹ đã làm gia tăng đáng kể căng thẳng trên eo biển Đài Loan.

Cui Hongjian, Giám đốc Khoa Nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nhận định: “Thế giới mong muốn được nghe Trung Quốc nói và biết thêm về lập trường của Trung Quốc đối với những vấn đề này”.

Các nhà phân tích lưu ý Bắc Kinh đang ở một vị thế bấp bênh khi nói đến căng thẳng chính trị. Giới quan sát chỉ ra Trung Quốc vừa muốn giao thương và có quan hệ thân thiện với phương Tây cũng như các quốc gia mà Mỹ và các đồng minh cáo buộc là mối đe dọa đối với “trật tự quốc tế” như Iran và Nga. Rõ ràng Bắc Kinh không thể tách rời khỏi một trong hai nhóm. Đó là lý do chính khiến Bắc Kinh không thể thể hiện đứng về bên nào trong cuộc xung đột kéo dài một năm ở Ukraine, không thể chọn giữa Nga và các lực lượng Ukraine được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bơm vũ khí.

Trong chuyến thăm lần này, Bắc Kinh không muốn bỏ lỡ cơ hội làm khăng khít thêm tình bạn với Moskva. Ông Vương Nghị dự kiến ​​thảo luận về việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác đó trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai quốc gia đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Hoa Đông vào tháng 12/2022 và thường tập tập trận chung trong cuộc tập trận Vostok thường niên ở Siberia.

Trong một thông báo vào đầu tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hai quốc gia là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện cho một kỷ nguyên mới và đã duy trì động lực phát triển lành mạnh, ổn định và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, mang lại kết quả tốt đẹp trong thời gian gần đây.

“Trung Quốc sẵn sàng coi chuyến thăm này là cơ hội và hợp tác với Nga để thúc đẩy quan hệ song phương phát triển bền vững theo hướng mà nguyên thủ quốc gia hai nước đã xác định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên và đóng vai trò tích cực đối với hòa bình thế giới”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Chiến lược của các bên khi xung đột Nga - Ukraine bước sang giai đoạn mới
Chiến lược của các bên khi xung đột Nga - Ukraine bước sang giai đoạn mới

Cuộc chiến ở Ukraine dường như đang tiến lên đỉnh của một giai đoạn mới, và mỗi bên đều có chiến lược riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN