Đài RT ngày 14/2 (theo giờ địa phương) cho biết trong một phát biểu cùng ngày với phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, chỉ rõ: “NATO là một tổ chức thù địch với chúng tôi”, “họ đang khẳng định sự thù địch này mỗi ngày và đang cố gắng làm cho sự can dự của họ vào cuộc xung đột xung quanh Ukraine trở nên rõ ràng hơn rất nhiều”.
Theo ông Peskov, các hoạt động của NATO đòi hỏi Moskva phải có "các biện pháp phòng ngừa nhất định".
Ông Peskov lưu ý rằng liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đã chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine và rằng “tất cả cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang hoạt động chống lại Nga”.
Vào ngày 24/2/2022, Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine với lý do cần phải bảo vệ người dân Donbass và bởi Kiev không thực hiện các thỏa thuận Minsk 2014 - 2015.
Kể từ đó, NATO đã cung cấp cho Kiev nhiều loại vũ khí hạng nặng, bao gồm các bệ phóng tên lửa, vũ khí chống tăng, xe bọc thép, pháo và gần đây là xe tăng. Khối quân sự này cũng đã giúp Ukraine huấn luyện quân đội.
Mặc dù vậy, Tổng thư ký NATO Jen Stoltenberg đã tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày 12/2 rằng liên minh này không phải là một bên tham gia vào cuộc xung đột.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg lưu ý là từ năm 2014, NATO đã “thực hiện đợt tăng cường phòng thủ tập thể lớn nhất trong một thế hệ”, triển khai thêm các lực lượng gần biên giới Nga.
Về phần mình, Moskva đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ coi các cứ điểm quân sự ở sườn phía Đông của NATO là một mối đe dọa.
Moskva cũng cảnh báo rằng việc Ukraine được cung cấp thêm nhiều vũ khí nước ngoài sẽ làm leo thang xung đột, nhấn mạnh xe tăng và các loại vũ khí khác do phương Tây cung cấp cho Ukraine sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga.