Sau 18 ngày thương lượng căng thẳng tại Viena (Áo) với các thời hạn chót liên tục bị đẩy lùi, ngày 14/7/2015 đã đi vào lịch sử khi Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện, qua đó cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran để đổi lấy việc nhà nước Cộng hòa Hồi giáo này hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi suốt gần 13 năm qua. Thỏa thuận thể hiện thắng lợi của ý chí chính trị mạnh mẽ và nỗ lực không ngừng của tất cả các bên liên quan, nhất là của các giới chức ngoại giao.
Toàn cảnh cuộc đàm phán. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thỏa thuận lịch sử gồm một lộ trình đồ sộ mang tính nguyên tắc cao có tác dụng giám sát hoạt động hạt nhân của Iran trong nhiều năm tới để đảm bảo Tehran không phát triển vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận gồm ba nội dung trụ cột: Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân trong ít nhất một thập kỷ; quốc tế dỡ bỏ cấm vận chống Iran; tăng cường các biện pháp kiểm soát chương trình hạt nhân của Tehran. Thỏa thuận không buộc Iran phải phá bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, vốn là yêu sách được đưa ra trong các cuộc thương lượng ban đầu do châu Âu khởi xướng từ 2003-2005, thay vào đó, chỉ tập trung giám sát, hạn chế và kiểm soát chặt chẽ hơn các cơ sở hạ tầng với mục đích ngăn chặn Tehran tái khởi động cuộc chạy đua bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân.
Theo thỏa thuận, Iran sẽ cho phép thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, cụ thể là cho phép các thanh sát viên Liên hợp quốc tới giám sát các cơ sở quân sự. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt có thể bị khôi phục trong 65 ngày nếu Iran vi phạm thỏa thuận đã thống nhất với 6 cường quốc; lệnh cấm vận vũ khí của LHQ sẽ tiếp tục duy trì trong 5 năm, trong khi các lệnh trừng phạt về tên lửa đạn đạo đối với Iran sẽ kéo dài thêm 8 năm.
Có thể nói thỏa thuận vừa đạt được đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa Tehran với các quốc gia phương Tây, hạn chế những nghi ngại về chương trình hạt nhân hơn một thập kỷ qua của nước này, đồng thời mang lại cơ hội phát triển cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của Iran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố thỏa thuận sẽ mở ra "những chân trời mới" trong quan hệ giữa Iran và phương Tây, trong khi Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif coi đây là "thời khắc lịch sử". Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cho rằng thỏa thuận là "tia hy vọng cho toàn thế giới, mở ra một chương mới trong các mối quan hệ quốc tế và cho thấy các biện pháp ngoại giao và hợp tác có thể giúp vượt qua những căng thẳng và đối đầu kéo dài nhiều thập kỷ".
Chương trình hạt nhân của Iran từ lâu đã được coi là một trong những vấn đề phức tạp nhất trong lịch sử đương đại. Trên thực tế, thỏa thuận vừa đạt được không chỉ đơn thuần là kết quả của các cuộc đàm phán những ngày gần đây mà là sản phẩm của cả chặng đua marathon kéo dài suốt 13 năm qua. Từ tháng 8/2002, trang đầu tiên của hồ sơ về chương trình hạt nhân của Iran bắt đầu xuất hiện với việc các lò phản ứng hạt nhân bí mật tại các thành phố Natan và Arak ở miền Trung Iran bị phát hiện. Cũng từ đó, quá trình đàm phán giữa Iran với các nước phương Tây kéo dài hơn 12 năm với không ít lần đổ vỡ, thậm chí có lúc tới sát bờ vực chiến tranh. Những biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Iran được áp đặt từ tháng 12/2006 càng khiến quá trình đàm phán lâm vào bế tắc.
Sở dĩ quá trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran kéo dài và đầy cam go, quyết liệt, trước hết là bởi sự thiếu tin tưởng từ cả hai phía. Đặc biệt, sự thù địch giữa hai đối tác chính là Mỹ và Iran tồn tại từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 càng làm trầm trọng thêm những cách nhìn khác biệt về mục đích của chương trình hạt nhân. Các nước phương Tây luôn cho rằng chương trình hạt nhân của Iran là nhằm hướng tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi Tehran luôn khẳng định chỉ nhằm mục đích dân sự. Hơn nữa, bản thân tính phức tạp và nhạy cảm của vấn đề đàm phán càng khiến cho quá trình thương lượng thêm gian truân. Kết quả các đợt thanh sát của LHQ tại các cơ sở hạt nhân của Iran cho thấy giới hạn mong manh giữa khái niệm “dân sự” và “quân sự”. Ngoài ra, quan điểm thù địch của Israel và một số nước trong khu vực đối với Iran cũng khiến đàm phán giữa P5+1 với Iran thêm phức tạp.
Tuy nhiên, sự thay đổi của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong cách tiếp cận vấn đề hạt nhân của Iran, đặc biệt là sau khi tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani - người theo đuổi đường lối ôn hòa, đắc cử hồi tháng 6/2013 - đã mang lại những kết quả tích cực cho tiến trình đàm phán. Nếu thỏa thuận tạm thời đạt được ngày 24/11/2013 có ý nghĩa như là “cú hích” quan trọng, thì thỏa thuận khung đạt được hồi tháng 4 vừa qua tại Thụy Sĩ đã "mở toang cánh cửa hy vọng" cho thỏa thuận cuối cùng ngày 14/7/2015.
Trong ngắn hạn, thỏa thuận chắc chắn sẽ tạo ra ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường năng lượng thế giới, do những hạn chế xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ được dỡ bỏ. Trong quá trình đàm phán, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đã công khai ám chỉ điều này khi nói về triển vọng sau khi đạt được thỏa thuận.
Rõ ràng, thỏa thuận cuối cùng giữa Iran và nhóm P5+1 mang lại hy vọng cho việc giải quyết các "điểm nóng" khác trên thế giới bằng giải pháp ngoại giao. Giới phân tích cho rằng thỏa thuận mới có thể tạo ra nhiều thay đổi địa chiến lược, tuy nhiên mức độ như thế nào thì chưa rõ ràng. Giống như các thỏa thuận giải trừ vũ khí khác, thỏa thuận Vienna tập trung vào một khía cạnh rất hẹp nhưng liên quan đến tất cả các vấn đề giữa Iran và phần còn lại của thế giới. Iran là một nhân tố quan trọng, cường quốc có vai trò không thể bỏ qua ở Trung Đông. Vì thế, thỏa thuận có thể tạo ra bước ngoặt đầu tiên mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Mỹ, vốn đã bị cắt đứt từ năm 1980 sau cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, từ đó mở ra một chương hợp tác mới, công khai giữa hai nước để giải quyết các cuộc khủng hoảng Iraq và Syria.