Sau 11 năm đàm phán gian truân và 18 ngày thương lượng nước rút căng thẳng tại thủ đô Vienna (Áo), ngày 14/7, Iran và nhóm P5+1 (bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã đạt một thỏa thuận "lịch sử", được đánh giá sẽ làm thay đổi toàn bộ khu vực Trung Đông.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại cuộc đàm phán hạt nhân ở Viên. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo thỏa thuận, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc (LHQ) áp đặt lên nhà nước Hồi giáo này sẽ được dỡ bỏ, đổi lại Tehran chấp nhận hạn chế chương trình phát triển hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm mục đích chế tạo bom.
Theo thỏa thuận hạt nhân cuối cùng giữa Iran và các cường quốc, Iran sẽ cho phép việc thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, cụ thể là cho phép các thanh sát viên Liên hợp quốc tới giám sát các cơ sở quân sự. Lệnh trừng phạt có thể khôi phục trong 65 ngày nếu Iran vi phạm thỏa thuận đã được thống nhất với 6 cường quốc thế giới, bên cạnh đó lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc tiếp tục duy trì trong 5 năm và lệnh cấm Iran mua công nghệ đạn đạo sẽ duy trì trong 8 năm nữa. Thỏa thuận giữa Iran và P5+1 sẽ chính thức có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi Hội đồng bảo an LHQ ra nghị quyết chấp thuận thỏa thuận này.
Phía Iran đánh giá đây là một thỏa thuận tốt. Hãng thông tấn IRNA của Iran cho biết nước này vẫn tiếp tục hoạt động làm giàu urani tại các nhà máy lớn, đồng thời tiếp tục chương trình nghiên cứu và phát triển các máy ly tâm chính nhưng dưới dự giám sát chặt chẽ của LHQ.
Cũng trong khuôn khổ đàm phán, Giám đốc Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cho biết IAEA đã ký với Iran một lộ trình nhằm giải quyết hết các vấn đề tồn tại từ nay cho đến cuối năm 2015. Tuy nhiên, việc thanh sát cơ sở quân sự Parchin của Iran sẽ nằm trong một thỏa thuận khác.
Ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1 được công bố, thị trường dầu mỏ thế giới đã phản ứng tích cực. Tại New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ đã lập tức giảm 1,2 USD/thùng.