Theo Bershidsky, Liên minh châu Âu (EU) chưa bao giờ đồng nhất và những xung đột chính chính sách gần đây, nhất là liên quan đến vấn đề nhập cư, khiến EU bị chia làm ba nhóm nước - Bắc, Nam và Đông Âu - ngày càng rõ rệt.
Trong ảnh (từ trái sang phải): Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Thủ tướng CH Séc Bohuslav Sobotka, Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz và Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại cuộc họp báo diễn ra sau cuộc họp của Nhóm "Bộ tứ" tại Prague (CH Séc) ngày 8/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hai nhân vật có ảnh hưởng trên chính trường Đông Âu, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và lãnh đạo đảng cầm quyền Ba Lan Jaroslaw Kaczynski không che giấu ý định về việc hình thành một trục ở phía Đông, bắt đầu cuộc “phản cách mạng văn hóa” trong EU.
Với việc Anh, thành viên thường có quan điểm khác biệt với phần còn lại, đang trong tiến trình rời EU, thì về thực chất EU bao gồm ba nhóm nước. Một nhóm với trung tâm là Đức gồm các quốc gia khu vực phía Bắc Âu, biển Baltic và Benelux (Bỉ, Hà Lan và Luxembourg).
Thủ tướng Đức Angela Merkel không có động thái nào nhằm xây dựng nhóm này nhưng chính sự tương đồng về chính sách kinh tế, thái độ tin tưởng vào chính sách tài khóa thắt chặt và gần đây là quan điểm mở cửa đối với người nhập cư khiến các nước này liên kết với nhau.
Nhóm các nước Nam Âu, cho tới hiện nay được xác định dựa trên việc chia sẻ cách thách thức về kinh tế hơn là tương đồng về chính sách, ngoại trừ mong muốn nới lỏng các quy định của EU về vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách. Hiện các quốc gia này đang nỗ lực nhằm xây dựng một liên minh chính trị trong EU.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã mời lãnh đạo sáu nước thành viên Nam Âu, gồm Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cyprus và Malta tới dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Athens ngày 9/9.
Mặc dù vậy, dường như ông Tsipras khó có thể trở thành nhân vật trung tâm của liên minh với trọng tâm trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ ủng hộ đảng cánh tả Syriza của Thủ tướng Tsipras đang giảm xuống trong các cuộc thăm dò dư luận và nhiều khả năng các lực lượng trung hữu sẽ trở lại cầm quyền trong kỳ bầu cử tới ở Hy Lạp.
Trong khi đó, ảnh hưởng của các nước Đông Âu trong EU ngày càng gia tăng. Các quốc gia hậu Xô viết đã liên kết lại với nhau bởi sự yếu thế về kinh tế và chính trị so với các quốc gia sáng lập EU. Trong cuộc gặp mới đây tại diễn đàn kinh tế Krynica (Ba Lan), ông Orban và ông Kaczynski đã ca ngợi nhau về việc Ba Lan và Hungary đang tăng cường vai trò trong EU, chống lại ảnh hưởng của Đức.
Thủ tướng Hungary tuyên bố với ông Kaczynski: “Các chính trị gia châu Âu thiếu tầm nhìn xa nhưng chúng ta thì không”. Ông Orban cho rằng Brexit chính là cơ hội để tiến hành cuộc “phản cách mạng văn hóa” trong EU, trong khi ông Kaczynski cũng nhất trí và thảo luận về việc triển khai sáng kiến này.
Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc ai sẽ lãnh đạo và nội dung của cuộc “cách mạng” trong việc tăng cường vai trò của chính phủ đối với nền kinh tế, vực dậy các giá trị quốc gia đang bị mai một bởi vấn đề nhập cư… Cả hai đều coi EU là một liên minh về ý thức hệ và sức mạnh, cần được mở rộng thông qua việc kết nạp thêm các nước thành viên, chẳng hạn như Serbia, xây dựng quân đội chung và tăng cường bảo vệ biên giới ngoài.
Tuy nhiên, EU cũng cần phải tăng quyền cho nghị viện của các nước thành viên và Brussels không can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của các nước thành viên. Chính sách này sẽ giúp các nước hậu Xô viết có tiếng nói riêng, mạnh mẽ hơn trong EU. Đây chính là tiếng nói của những người theo khuynh hướng bảo thủ, chủ nghĩa dân tộc đã và đang nổi lên ở Moskva, Kiev và gần đây là các quốc gia Nam Tư cũ (Croatia, Serbia và Bosnia).
Các quốc gia hậu Xô viết trong EU đã mất hai thập kỷ để định hình lại sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Và rõ ràng các nước này đều chia sẻ quan điểm chung, dựa trên các lợi ích quốc gia và truyền thống dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc ở các nước Đông Âu có nhiều khuynh hướng khác nhau.
Ba Lan là quốc gia chống Nga mạnh mẽ trong khi Hungary, Slovakia lại tương đối ủng hộ Moskva. Mặc dù vậy, các quốc gia Đông Âu hậu Xô viết chia sẻ nhiều điểm tương đồng hơn là sự khác biệt. Các nước này đều ủng hộ việc phân quyền trong EU.