Thái Lan là một trong những nước thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu ở Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ qua, chiếm khoảng 10% lượng vốn FDI của khu vực.
Tuy nhiên, tình hình chính trị bất ổn kéo dài từ cuối năm 2013 đã gây thiệt hại đáng kể cho môi trường đầu tư của nước này. Mới đây, chính quyền quân sự Thái Lan đã thông qua một chiến lược mới cho giai đoạn 2015 - 2021 nhằm khôi phục vị thế của Thái Lan trong hoạt động thu hút FDI.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Thái Lan từ lâu đã là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ nguồn cung cấp năng lượng ổn định và chính sách kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Thái Lan cũng có lực lượng lao động được đào tạo tốt hơn so với các nước láng giềng như Myanmar, Lào và Campuchia, trong khi quy mô của nền kinh tế Thái Lan lớn gấp 5 lần so với ba nền kinh tế này cộng lại. Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Thái Lan ở vị trí thứ 18 trong tổng số 189 nước xét về môi trường kinh doanh thuận lợi, trên cả các nước công nghiệp phát triển như Đức và Nhật Bản.
Trên thực tế, nguồn vốn FDI mới chỉ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan trong thời gian gần đây. Trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1996 - 1997, Thái Lan chỉ thu hút được nguồn vốn FDI tương đương với 11% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, con số này đã tăng lên 48%. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Thái Lan cũng tăng mạnh, từ mức tương đương 1% GDP năm 1995 lên 15% vào năm 2013.
Bất ổn trong nước ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư của Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tình hình chính trị trong nước hiếm khi ảnh hưởng lớn đến triển vọng thu hút FDI của Thái Lan. Tuy nhiên, biến động chính trường có thể ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn đến hoạt động đầu tư so với trước đây vì Thái Lan hiện nay phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn FDI so với đầu thập kỷ 1990.
Trung tâm phân tích kinh tế (EIU) cho rằng nhu cầu ở trong nước sẽ phải phục hồi trước khi dòng FDI tăng trở lại. Chi tiêu tiêu dùng đã tăng đáng kể từ hồi tháng 5/2014, song vốn đầu tư vẫn chưa theo kịp với xu thế này. Lượng vốn FDI thấp là nguyên nhân chính khiến GDP nước này giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm 2013 cũng như nửa đầu năm 2014.
Chính quyền quân sự Thái Lan cũng nhận thức rất rõ về nguy cơ trì trệ kinh tế của nước này. Nhiều người cho rằng sự tồn tại của chính phủ phụ thuộc vào quá trình phục hồi của nền kinh tế và các nhà lãnh đạo Thái Lan đang nỗ lực thuyết phục các nhà đầu tư rằng họ sẽ mang lại sự ổn định chính trị và tiếp tục thực hiện các chính sách trước đây. Kể từ sau khi cuộc đảo chính xảy ra, Ủy ban đầu tư Thái Lan (BOI) cũng đã phê duyệt nhiều dự án đầu tư trị giá hàng tỷ USD, nhưng rất ít dự án trong số này được khởi động và chắc chắn cần phải có thêm thời gian trước khi những dự án này mang lại tác động đối với nền kinh tế.
Giữa tháng 8 vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã công bố một chiến lược đầu tư mới cho giai đoạn 2015 - 2021 nhằm thu hút thêm các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao cũng như các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái. Chính phủ Thái Lan cũng đang nỗ lực tăng ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, hiện chỉ chiếm khoảng 0,4% GDP (mức trung bình trên thế giới là 2%). BOI cho biết nước này sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và phân phối hàng nông sản, khai khoáng, công nghiệp nhẹ, chế tạo máy và thiết bị vận tải, thiết bị điện và điện tử, hóa chất, sản xuất nhựa và giấy, dịch vụ và cơ sở hạ tầng.
Trong báo cáo đánh giá về môi trường đầu tư của các nước trên toàn cầu, WB đánh giá cao những nỗ lực của Thái Lan trong việc cung cấp điện và bảo vệ các nhà đầu tư, xử lý các giấy phép xây dựng và thực hiện các hợp đồng. Các chính sách của chính phủ quân sự có thể tiếp tục duy trì những ưu thế này để hỗ trợ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, kết quả sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình cải cách, các ưu đãi đầu tư cũng như sự phục hồi của nhu cầu trong nước và nỗ lực của chính phủ trong việc đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Huy Hiệp (Theo EIU)