Trong hàng loạt các thách thức mà phương Tây phải đối mặt có một điều luôn bị lờ đi: Thói nghiện nói những lời hùng biện vô nghĩa.
Theo bà Ana Palacio, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha, nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và là thành viên của Hội đồng Nhà nước Tây Ban Nha, từ câu “thần chú” trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Obama: “Lãnh đạo từ phía sau” (leading from behind) tới một biến thể gần đây của Đức: “Lãnh đạo từ trung tâm” (leading from the center), những cụm từ chung chung như vậy đã trở nên phổ biến trong chính sách đối ngoại của chính phủ các nước phương Tây.
Tất nhiên, tính bất ổn và không thể dự báo cố hữu trong những vấn đề quốc tế khiến cho các chính trị gia ngày càng có xu hướng nói kiểu lập lờ/nước đôi. Và hiện nay, với môi trường địa chính trị ngày càng phức tạp và khó dự báo hơn, các nhà lãnh đạo phương Tây ít có động cơ đề trình bày các vấn đề một cách rõ ràng, vốn là những yêu cầu để giúp hoạch định ra các chính sách hiệu quả. Thật không may, kết quả này lại tạo ra một tình huống tồi tệ.
Tổng thống Mỹ Obama từng đưa ra "giới hạn đỏ" về vấn đề sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, nhưng sau đó đã không hành động mạnh mẽ khi giới hạn này bị vượt qua. Ảnh: B.I |
Những tuyên bố chiến lược đóng một vai trò quan trọng trong việc báo hiệu phương hướng và mục đích của một quốc gia đối với kẻ thù, đồng minh, dân chúng và các cơ quan chính phủ của họ. Nếu những tuyên bố này được diễn giải một cách chung chung, tác động của chúng bị yếu đi đáng kể.
Điều này không có nghĩa là không có sự mơ hồ trong các vấn đề quốc tế. Lịch sử đã cho thấy có nhiều giai đoạn khi mà sự mơ hồ chiến lược có thể mang lại lợi ích. Ví dụ, một số sử gia cho rằng, năm 1950, quyết định của Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Dean Acheson loại Hàn Quốc ra khỏi “vành đai phòng thủ” của Mỹ đã gửi một tín hiệu tới CHDCND Triều Tiên và Liên Xô rằng Washington có lẽ sẽ không bảo vệ Seoul trước bất kỳ một cuộc tấn công nào.
Vấn đề mà sự mơ hồ đặt ra ngày hôm nay là không có một chiến lược cụ thể. Hãy xem xét nguyên lý cơ bản trong chính sách đối ngoại của ông Obama – cái được gọi là “Học thuyết Obama” – mà ông đã đưa ra gần đây sau khi thỏa thuận khung giữa Iran và nhóm P5+1 về vấn đề hạt nhân của Tehran được ký kết. “Chúng tôi sẽ can dự, nhưng trong khả năng của chúng tôi”, ông Obama tuyên bố.
Nhìn bề ngoài, tuyên bố đó có vẻ hợp lý, nhưng nó đặt ra cho chúng ta nhiều nghi vấn hơn là câu trả lời. Tín hiệu mà ông Obama thực sự muốn truyền tải ở đây là gì? Trong quan điểm của ông, những ranh giới để Mỹ can dự là gì? Với điều kiện nào thì Mỹ sử dụng khả năng của mình?
Gần 70 năm trước, George Orwell, một phóng viên và là nhà bình luận nổi tiếng người Anh, đã nghiên cứu về xu hướng của sự mơ hồ, và ông đã đưa ra một lời giải thích khá đơn giản rằng “bài viết và phát biểu chính trị phần lớn là nhằm bảo vệ điều không thể bảo vệ được”. Nói cách khác, ngôn ngữ không rõ ràng là cần thiết để gây khó hiểu cho những thực tế vô vị. Như Orwell lưu ý, "kẻ thù lớn của ngôn ngữ rõ ràng là sự không thành thật".
Cho đến nay, nhận định trên của Orwell về cơ bản vẫn còn nguyên giá trị, nhưng có một số khác biệt so với trước đây: Các chính trị gia hay sử dụng ngôn từ mơ hồ hơn vì những chính sách của họ về cơ bản là khó bảo vệ hơn. Trong khi có vô số lý do cho sự dè dặt này, trong quan hệ quốc tế, có 2 nguyên nhân nổi bật.
Tính bất ổn và không thể dự báo cố hữu trong những vấn đề quốc tế khiến cho các chính trị gia ngày càng có xu hướng nói nước đôi? |
Đầu tiên là bầu không khí chính trị cường điệu có tính toán trong các nền dân chủ phương Tây. Thêm vào đó là sự không chắc chắn trong nội tại của các vấn đề đối ngoại của họ. Lý do thứ hai và cơ bản hơn: những cảm giác suy tàn về mục đích và niềm tin vốn đặc trưng cho nền dân chủ phương Tây ngày nay. Ngoài ra, những thách thức xã hội nội bộ, vấn đề đang đào sâu nghi vấn về mô hình tự do của phương Tây, đã làm tăng sự dè dặt của các chính trị gia.
Các nhà lãnh đạo phương Tây có lẽ thấy rằng họ không cần thiết phải nói rõ ràng. Tóm lại, những tuyên bố mạnh mẽ sẽ không là gì cả nếu các nhà lãnh đạo không thực hiện được; tệ hơn, chúng phá hủy độ tin cậy về những tuyên bố trong tương lai của người nói.
Tổng thống Mỹ Obama đã rút ra bài học này một cách khó khăn, khi ông đã vạch ra một "giới hạn đỏ" chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học của Syria và sau đó không hành động một cách mạnh mẽ, khi một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học xuất hiện tại quốc gia đó. Học thuyết Obama không thể có giá trị nếu Washington không sẵn sàng sử dụng các khả năng mà tổng thống Mỹ đã cam kết sẽ bảo vệ.
Thói quen đưa ra những lời hùng biện nhạt nhẽo là một điều rất khó thay đổi. Ông Orwell từng cảnh báo về nguy cơ của nó trong việc làm suy yếu khả năng của một người đối với tư tưởng quan trọng, bởi vì "mỗi cụm từ như vậy có thể làm mất cảm giác một phần bộ não của một người".
Nhưng, khi sự cân bằng quyền lực toàn cầu chuyển về phía Đông và phía Nam, phương Tây phải làm những điều cần thiết để duy trì sự ảnh hưởng của mình. Điều đó có nghĩa là phương Tây phải đưa ra một quan điểm rõ ràng, mạnh mẽ và tin cậy về các thách thức chiến lược mà họ phải đối mặt.
Công Thuận (Theo P.S)