Sự biến mất bí ẩn của ông Putin bỗng trở thành đề tài khai thác béo bở cho giới truyền thông phương Tây và họ đưa ra đủ loại đồn đoán. Sự tái xuất của ông Putin chục ngày sau đó khiến giới truyền thống phương Tây “tẽn tò” trước những “tin vịt” của mình.
Sau cuộc gặp với Thủ tướng Italy của ông Putin, Điện Kremlin đã khẳng định rằng ông Putin tiếp tục chủ trì các cuộc họp chính thức, đồng thời công bố ảnh và video các cuộc họp trên truyền hình quốc gia. Hai trong số đó là bức ảnh chụp ông Putin và tỉnh trưởng khu vực Karelia họp ngày 11/3 và ông Putin gặp mặt đoàn đại biểu nữ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 nhưng giới truyền thông đối lập ở Nga và phương Tây vẫn quả quyết các hình ảnh đó được chụp từ trước.
Ông Putin (phải) tiếp Tổng thống Kyrgyzstan tại St. Petersburg. |
Việc ông Putin đột ngột hoãn chuyến thăm Kazakhstan, hủy cuộc gặp với Thủ tướng Đức và lễ ký kết thỏa thuận liên minh với khu vực ly khai Nam Ossetia dự kiến từ trước đã thổi bùng lên đồn đoán nhà lãnh đạo Nga bị ốm, bị cảm cúm và phải cách ly trong tư dinh ở khu vực Novgorod. Tờ báo Kurier của Áo còn cho biết ông Putin đang được một nhà chuyên khoa chỉnh hình người Áo chữa trị các vấn đề về lưng ở Moskva. Thậm chí có tin đồn ông Puti đã chết.
Một tin đồn nữa là Tổng thống Putin bị lật đổ, bị vô hiệu hóa trong một cuộc đảo chính ngấm ngầm ở Nga. Cựu Đại sứ Israel tại Nga, ôg Zvi Magen nói với tờ Haaretz rằng có dấu hiệu cho thấy ông Putin có thể đã bị lật đổ: “Động thái của quân đội quanh Điện Kremlin cho thấy chính phủ Nga có sự thay đổi hoặc đang có một âm mưu thay đổi chính phủ Nga do các quan chức quân đội hoặc các trùm tài phiệt Nga thực hiện”. Nhiều người còn chỉ đích danh người lật đổ ông Putin là cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev và tả rằng Moskva đang ở trong không khí kinh khủng khi mà một đoàn xe tải lớn đỗ ngay bên ngoài Điện Kremlin. Trên thực tế, số xe tải này là xe phục vụ cho quá trình chuẩn bị kỷ niệm 1 năm bán đảo Crimea về với Nga.
Trong khi đó, tờ báo Bilk và đài RSI của Thụy Sỹ tuyên bố Tổng thống Nga Putin đã tới nước này để thăm bạn gái “tin đồn” Alina Kabayeva – huấn luyện viên thể dục nổi tiếng từng giành huy chương vàng Olympic.
Khi bác bỏ tin đồn về việc Tổng thống Putin bị ốm nặng và bị các tướng lĩnh đảo chính, người phát ngôn của ông Putin chế giễu các nhà báo và dùng tin đồn để đính chính tin đồn: “Các bạn nhìn thấy tổng thống nằm liệt giường và bị các tướng lĩnh khống chế à? Ông ấy vừa mới từ Thụy Sỹ về sau khi thăm bạn gái mới sinh cơ mà”. Khi được hỏi ông Putin có phải đang được bác sĩ chỉnh hình điều trị không, người phát ngôn lại tiếp tục: “Đúng thế, bác sĩ chỉnh hình đang ở cùng các tướng lĩnh”.
Báo chí thế giới tha hồ đồn thổi xung quanh sự vắng mặt bất thường của Tổng thống Nga và sẽ còn nhiều tin đồn nữa nếu như ông Putin không tái xuất sau đó 11 ngày. Nhà lãnh đạo Nga xuất hiện thoải mái và mỉm cười trước ống kính truyền hình trong cuộc gặp với Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev tại cung điện Constantine ở St Petersburg. Phóng viên kênh BBC ở Moskva để ý thấy ông Putin không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy ông từng hoặc đang gặp vấn đề về sức khỏe. Nhân chứng thuyết phục hơn đến từ chính Tổng thống Atambayev. Ông cho biết chính Tổng thống Putin đã lái xe chở ông lòng vòng trong cung điện tới 20 phút trước cuộc họp và ông Putin rất khỏe. Khi được hỏi về các tin đồn bủa vây trong chục ngày qua, ông Putin trả lời: “Cuộc sống sẽ rất nhàm chán nếu thiếu tin đồn”.
Đây không phải là lần đầu tiên và chắc chắn không phải là lần cuối cùng báo chí phương Tây dùng tin đồn để “chiêu đãi” bạn đọc. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, nhiều báo cũng đăng lại các tin đồn cáo buộc Nga đưa quân và vũ khí vào Đông Ukraine. Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng bị báo chí phương Tây đồn bị đảo chính khi ông vắng mặt khá lâu.
Cách hành nghề dựa trên tin đồn không có kiểm chứng, thậm chí tin đồn được lượm lặt trên mạng xã hội, cho thấy truyền thông phương Tây dường như chú trọng tính câu khách hơn là tính chính xác của thông tin.
Thùy Dương