Khúc quanh trước khi Yarlung Zangbo từ phía Trung Quốc chảy vào Ấn Độ và trở thành dòng Brahmaputra. |
Theo tờ Deccan Herald, ông Raveesh Kumar – người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) - cho biết: Trong năm nay, Ấn Độ chưa hề nhận được dữ liệu thủy văn từ phía Trung Quốc.
Con sông Yarlung Zangbo được gọi là Brahmaputra sau khi chảy vào Ấn Độ. Hai quốc gia này đã ký một bản ghi nhớ về các tuyến sông chảy qua biên giới hai nước vào năm 2013. Kể từ đó, Ấn Độ luôn nhận được báo cáo dữ liệu thủy văn từ các tuyến sông chảy từ phương bắc xuống.
Hiện vẫn chưa có bất kỳ cơ quan chính phủ nào của Trung Quốc giải thích về lí do ngừng chia sẻ thông tin, song giới quan sát Trung Quốc chỉ ra rằng nguyên do xuất phát căng thẳng đang leo thang từng ngày tại Cao nguyên Doklam. Cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Cao nguyên Doklam bùng phát trong gần 2 tháng qua, và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Hu Zhiyong – một nghiên cứu viên làm việc trong Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội Thượng Hải – giải thích Trung Quốc sẽ không đồng ý nối lại hợp tác bình thường về việc chia sẻ dữ liệu thủy văn với Ấn Độ, trừ trường hợp Ấn Độ đồng thuận rút quân khỏi Cao nguyên Doklam.
Với độ cao trung bình 4.500m, Yarlung Zangbo được coi là con sông cao nhất thế giới. Nó bắt nguồn từ vùng đóng băng phía bắc dãy núi Himalayas, trải dài 2.057 km qua tây nam Tây Tạng, chạy qua Ấn Độ và Bangladesh và cuối cùng đổ ra Ấn Độ Dương qua Vịnh Bengal. Nhánh trên của sông Yarlung Zangbo nằm ở vị trí vùng Tây Tạng phía tây nam Trung Quốc. Trung Quốc nhất trí chia sẻ dữ liệu thủy văn với Ấn Độ nhằm giúp quốc gia này ngăn chặn được các thảm họa liên quan đến thủy văn như lũ lụt, hạn hán cũng như mở ra hợp tác phát triển và khai thác tài nguyên thủy văn.
Các chuyên gia cho biết sông Yarlung Zangbo là nguồn nước thiết yếu cho Ấn Độ và Bangladesh vì người dân địa phương ở đây sử dụng sông cho các hoạt động thủy điện, thủy lợi và đánh bắt cá.
Theo các chuyên gia môi trường, bằng việc giấu nhẹm thông tin thủy văn, Trung Quốc đang tìm cách tạo ra một "quả bom nước" dội lên Ấn Độ, đe dọa một triệu mạng sống tại quốc gia này. Theo trang mạng topyaps, Trung Quốc đã xây dựng một số con đập ngang các con sông chảy qua lãnh thổ vào Ấn Độ. Nếu như Bắc Kinh đột ngột cùng một lúc mở cửa đập, điều này sẽ gây ra mối hiểm họa nghiêm trọng cho người dân Ấn Độ, có thể cướp đi vô số mạng người mà không cần phải động đến một phát đạn.
Một trong những mối đe dọa mà Ấn Độ phải đối mặt là ba dòng sông chính của nước này đều chảy từ Tây Tạng xuống, và nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Con sông lớn nhất - Brahmaputra - cũng đã bị phía Trung Quốc xây dựng đập trên đó. Nếu như Trung Quốc mở cửa xả nước tại các con đập trên sông Brahmaputra, toàn bộ khu vực phía Đông Ấn Độ sẽ bị nước lũ nhấn chìm chỉ trong vài giờ đồng hồ.
Trong khi đó, với hai con sông còn lại, là Sutlej và Indus, Trung Quốc đã nhân cơ hội xây một số con đập ở trên thượng nguồn phía Tây Tạng. Một lần nữa nếu như Bắc Kinh xả lũ, toàn bộ phía Bắc Ấn Độ sẽ gặp nguy.
Chuyên gia quốc phòng Anil Gupta nêu quan điểm, nếu Trung Quốc kích hoạt một "cuộc chiến nước" bằng cách xả lũ các đập, Ấn Độ sẽ phải hứng chịu một vụ "bom nước" mà hậu quả khốc liệt không kém gì một vụ nổ hạt nhân.
Trong khi đó, chuyên gia chiến lược người Ấn Độ Brahma Chellani nhận xét trong bối cảnh cuộc xung đột ở Cao nguyên Doklam bước sang tháng thứ 3, với việc không cung cấp dữ liệu thủy văn cho Ấn Độ, Trung Quốc đang bắt đầu dùng đây là một thứ vũ khí chính trị để kìm hãm sức mạnh của Ấn Độ.