Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá mục tiêu của Trung Quốc tại Bắc Cực hiện đang nằm ở điểm bùng phát. Trong tháng 1, Trung Quốc ban hành Sách Trắng chính sách Bắc Cực trong đó nêu đề xuất về “con đường tơ lụa địa cực” với chìa khóa then chốt của kế hoạch là sự ủng hộ từ Nga.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp song phương năm 2017. Ảnh: Getty Images |
“Con đường tơ lụa địa cực” được coi là “phụ lục” cho sáng kiến “vành đai, con đường” của Bắc Kinh trong năm 2017. “Vành đai, con đường” bao gồm 6 tuyến đường bộ trải dọc Trung Á và Nam Á kèm theo đường hàng hải qua Ấn Độ Dương và kết thúc ở Kênh đào Suez. Vậy lý do nào khiến Trung Quốc “để mắt” tới Bắc Cực?
Theo quan điểm của Trung Quốc, hiện tượng băng tan tại Bắc Cực do Trái Đất nóng hơn trong thời gian qua sẽ tạo điều kiện để tận dụng tuyến đường biển ở đây cho mục đích thương mại. Hiện tại, hải trình từ Trung Quốc tới châu Âu thường kéo dài 5 tuần, đi qua eo biển Malacca tới Ấn Độ Dương, hướng tới Biển Bắc và đến Kênh đào Suez. Trong khi đó, hải trình đi qua Bắc Cực dự kiến chỉ diễn ra trong vòng 3 tuần.
Bên cạnh đó, Bắc Cực chiếm 30% trữ lượng khí gas tự nhiên và 13% dầu mỏ chưa được khai thác của thế giới. Từ “chưa được khai thác” chính là điểm mấu chốt. Ngoài ra, hãng tin CNBC (Mỹ) cho biết tại Bắc Cực còn tòn tại trữ lượng khoáng sản và kim loại quý phong phú như vàng, bạc, đồng, kim cương, titan...
Nhưng việc tiếp cận được nguồn tài nguyên thiên nhiên này được đánh giá khá khó khăn bởi diện tích rộng lớn và xa xôi của khu vực. Chỉ tính riêng diện tích Vòng Bắc Cực đã lớn gấp đôi kích thước của Trung Quốc. Việc hoạt động tại Bắc Cực cũng mang nhiều trở ngại bởi thời tiết giá lạnh khắc nghiệt gây ảnh hưởng tới máy móc, liên lạc và nhân lực vận hành. Bất chấp những yếu tố này, Bắc Cực vẫn được coi là nguồn tài nguyên tiềm năng đối với nhiều quốc gia.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đánh giá Trung Quốc đã đánh tiếng về chính sách với Bắc Cực từ khá lâu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm tới Moskva trong năm 2017 đã đề cập đến vấn đề này. Từ năm 2004, Trung Quốc đã thành lập một trạm nghiên cứu tại quần đảo Svalbard thuộc Na Uy.
Ngoài ra, Trung Quốc còn “gặt hái” được vị trí quan sát viên trong Hội đồng Bắc Cực trong năm 2013. Hội đồng Bắc Cực được thành lập từ năm 1996 bao gồm 8 quốc gia có đường biên giới với Bắc Cực là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Nga, Mỹ, Iceland và Na Uy.
Nhưng trong những năm gần đây các quốc gia Bắc Âu đã dè dặt hơn trong chào mời đầu tư từ Trung Quốc. Đơn cử như trường hợp năm 2017 khi một công ty Trung Quốc ngỏ ý muốn mua lại một căn cứ quân sự cũ tại Greenland, chính phủ Đan Mạch đã nhanh chóng mua lại công trình này.
Về phần Nga, việc Moskva thân thiện với Bắc Kinh tại Bắc Cực cũng đem lại những lợi ích đặc thù. Trung Quốc đã điều hải quân tới cuộc tập trận chung với Nga ở Biển Baltic năm 2017, động thái này được coi là thể hiện ủng hộ chính trị của Bắc Kinh với lợi ích an ninh của Moskva tại khu vực này. Hiện tại có vài nghìn binh sĩ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang đóng quân tại các quốc gia vùng Baltic.
Nhà máy Yamal LNG. Ảnh: AFP |
Bên cạnh đó, vào đầu tháng 12/2017, một trong những công ty tư nhân lớn nhất của Nga trong lĩnh vực khai thác khí gas tự nhiên là Novatek đã khởi động sản xuất khí thiên nhiên được hóa lỏng tại nhà máy Yamal LNG nằm trên Vòng Bắc Cực với mức ban đầu là 5,5 triệu mét khối mỗi năm. Dự án này là hợp tác chung giữa Novatek của Nga, công ty Pháp Total, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc và Quỹ Con đường Tơ lụa Trung Quốc.
Theo tờ The Diplomat (Nhật Bản), thành công của dự án này rất quan trọng với Nga vì hai lý do chính. Đầu tiên là bởi cạnh tranh gia tăng giữa Nga, Mỹ, Qatar và Australia trong ngành công nghiệp xuất khẩu năng lượng do vậy tăng trưởng xuất khẩu khí thiên nhiên được hóa lỏng đóng vai trò quan trọng đối với Moskva. Thứ hai, dự án nhà máy Yamal LNG thành công cũng là cơ hội để Nga thể hiện rằng mặc dù đang phải chịu các lệnh trừng phạt nhưng Moskva hoàn toàn có thể thay thế phương Tây bằng những đối tác công nghệ và tài chính khác để hoàn thành mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, theo nhận định của các bà Camilla Sørensen và Ekaterina Klimenko tại Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở Stockholm (Thụy Điển), các công ty Nga thực ra không mấy thoải mái với việc cho phép các công ty của Trung Quốc đóng vai trò chính trong những dự án năng lượng của quốc gia này.