Sự đối đầu giữa Israel và phong trào Hamas tại dải Gaza một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý khi leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang nguy hiểm và đẫm máu, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt sự thù địch giữa hai bên.
Căng thẳng leo thang
Trong tuần qua, các nhóm chiến binh ở Gaza đã bắn gần 1.000 quả rocket vào Israel, trong đó có các cơ sở hạ tầng trọng điểm như sân bay, cơ sở hạt nhân và các thành phố lớn. Israel đáp trả với hơn 1.500 đợt không kích, khiến gần 200 người Palestine thiệt mạng và hơn 1.100 người bị thương. Cuộc xung đột ngày càng tiến gần đến giai đoạn nguy hiểm nhất khi Israel huy động tới 40.000 quân để sẵn sàng cho một cuộc chiến trên bộ tại Gaza. Các sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tiến trình hòa bình được Mỹ bảo trợ đổ vỡ do Israel không thực hiện cam kết về trao trả tù nhân Palestine và hai phái đối địch Fatah - Hamas vừa thành lập chính phủ thống nhất dân tộc.
Xe quân sự Israel tại khu vực miền nam, gần biên giới với dải Gaza ngày 16/7. Ảnh: THX/TTXVN |
Bạo lực chưa bao giờ chấm dứt tại vùng đất này với việc các nhóm chiến binh ở Gaza thường xuyên bắn rocket vào Israel dẫn đến các cuộc không kích trả đũa của Tel Aviv và các cuộc trấn áp những tổ chức cơ sở của Hamas tại khu Bờ Tây. Tuy nhiên, căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm sau khi ba thiếu niên Israel bị bắt cóc và sát hại tại Bờ Tây hồi tháng trước. Chính phủ Israel đã lập tức đổ lỗi cho Hamas về sự kiện này, đồng thời tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn bắt giữ hàng trăm người Palestine, phá hủy và lục soát nhiều nhà cửa ở Bờ Tây và không kích nhiều mục tiêu tại Gaza. Những hành động trấn áp mạnh tay của Israel đã dẫn đến những lo ngại về một cuộc nổi dậy lần thứ ba của người Palestine khi nhiều cuộc biểu tình nổ ra cùng các cuộc đối đầu với lực lượng cảnh sát Israel, trong khi các nhóm chiến binh ở Gaza cũng đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng rocket.
Một lý do khác có thể dẫn đến căng thẳng leo thang là thông qua hành động gia tăng các vụ bắn rocket, Hamas muốn đặt điều kiện để nới lỏng thế bao vây, phong tỏa đang khiến cho nền kinh tế của dải đất này trở nên kiệt quệ. Sau khi mất đi đồng minh quan trọng do sự sụp đổ của chính quyền của tổ chức "Anh em Hồi giáo" tại Ai Cập, phong trào Hamas bị đẩy vào tình cảnh hết sức khó khăn khi chính quyền mới ở Cairo cùng với Israel siết chặt an ninh các đường biên giới với dải Gaza, cắt đứt nguồn thu kinh tế quan trọng của phong trào này. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Hamas chấp thuận thỏa thuận hòa giải với phong trào Fatah nhằm tìm lối thoát cho nền kinh tế và đặt dấu chấm hết cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, việc chính phủ thống nhất Palestine không chấp nhận trả lương cho khoảng 40.000 viên chức Hamas tại Gaza có thể đã buộc phong trào này phải tìm kiếm giải pháp khác thông qua hành động quân sự.
Trong khi đó, chiến dịch quân sự "Bảo vệ Biên giới" của Israel không chỉ nhằm mục đích trả đũa và ngăn chặn các vụ bắn rocket mà còn nhằm triệt tiêu hoàn toàn khả năng quân sự của Hamas, hòng làm suy yếu hoặc lật đổ chính quyền của phong trào kiểm soát vùng đất này. Ban lãnh đạo Israel thậm chí không đặt ra một giải pháp ngoại giao khi bắt đầu chiến dịch chống Gaza. Một số quan chức cấp cao Israel liên tiếp kêu gọi và gây sức ép với chính phủ để thôn tính hoặc tái chiếm dải Gaza khiến cho nguy cơ về một cuộc chiến trên bộ đẫm máu luôn thường trực. Lý do khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu còn do dự chưa quyết định mở mặt trận mới trên bộ một phần vì lo ngại những tổn thất của binh sĩ sẽ tác động xấu tới kết quả của chiến dịch chống Gaza cũng như uy tín của ông.
Nỗ lực trung gian không đạt kết quả
Trước tình hình này, cộng đồng quốc tế đã lên án các hành động quân sự gây thương vong cho dân thường, đồng thời gây sức ép để hai bên chấm dứt sự thù địch. Tuy nhiên, các nỗ lực làm trung gian của các nước trong khu vực cho một thỏa thuận ngừng bắn đã không đạt kết quả do khoảng cách giữa hai bên còn quá xa. Đề xuất mới đây nhất của Ai Cập về một lệnh ngừng bắn ngày 15/7 đã thất bại do Hamas không chấp thuận với lý do sáng kiến của Cairo không đáp ứng những đòi hỏi của phong trào này như mở các cửa khẩu biên giới với Gaza và trả tự do cho các thành viên Hamas bị Israel bắt giữ trong chiến dịch ở khu Bờ Tây mới đây.
Bất kể cuộc đối đầu quân sự này kết thúc như thế nào thì kết quả của cuộc chiến được cho là sẽ không khác nhiều so với những cuộc xung đột trước đây giữa Israel và Hamas, nghĩa là không có kẻ thắng và người thua rõ rệt. Nạn nhân duy nhất trong cuộc chiến này chính là thường dân vô tội. Trong trường hợp Israel quyết định xâm chiếm dải Gaza để loại bỏ Hamas và thay thế bằng phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, nhà lãnh đạo Palestine cũng khó có thể hưởng niềm vui chiến thắng, nhất là khi chiến dịch của Israel gây thương vong lớn cho dân thường Palestine.
Tình hình hiện nay buộc hai bên phải tìm một lối thoát thông qua sự trung gian của cộng đồng quốc tế nhằm giảm sự leo thang trước mắt và giải quyết các vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột để tìm ra một giải pháp lâu dài, cho dù đây là một mục tiêu khó có thể đạt được trong điều kiện hiện nay. Nếu không có sự thay đổi căn bản về quan điểm, Israel và Palestine khó có thể tìm được tiếng nói chung và tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ vẫn bị mắc kẹt trong giải pháp hai nhà nước.
Bùi Hoàn (P/v TTXVN tại Israel)