Ứng cử viên cực hữu tranh cử Tổng thống Pháp Marine Le Pen. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chiến dịch tranh cử diễn ra căng thẳng, gay cấn với hàng loạt vụ bê bối được phanh phui và sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy đã gây chia rẽ nước Pháp, vốn chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế lại đang phải đối mặt với các thách thức về an ninh và nhập cư. Sự xuất hiện liên tiếp các diễn biến bất ngờ cũng khiến đường đua tới Điện Elysée trở nên khó đoán định mặc dù chỉ còn 3 ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử vòng một.
Trong giai đoạn nước rút hiện nay, 4 ứng cử viên nổi lên tạo thành nhóm dẫn đầu, được thể hiện qua tỷ lệ ủng hộ cao trong các cuộc thăm dò, ở mức từ 18,5%-23,5%. Đó là ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen, cựu Thủ tướng François Fillon, và nhà lãnh đạo của phong trào “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélenchon. Cơ hội lọt vào vòng hai đang được chia đều cho cả 4 người, vì càng gần đến ngày bỏ phiếu, khoảng cách giữa các ứng cử viên này càng được rút ngắn. Khoảng cách giữa người đứng đầu "tốp 4" với người đứng cuối chỉ là 5%, đang khiến mọi dự đoán đều có thể bị đảo ngược và cuộc bầu cử tổng thống năm nay được cho là cuộc đua khó khăn.
Có thể khẳng định tới giờ phút này không ứng cử viên nào giành ưu thế vượt trội, xét dưới các góc độ khác nhau, từ chương trình tranh cử cho đến các yếu tố "nhân thân trong sạch"… Nhân vật từng được đánh giá cao nhất khi mở màn cuộc đua, cựu Thủ tướng Fillon với 30 năm kinh nghiệm trên chính trường cùng chương trình tranh cử được xem là “đúng hướng” với các cải cách có thể thúc đẩy kinh tế Pháp tăng trưởng trở lại, đã bất ngờ bị "gió đổi chiều" vì bê bối biển thủ công quỹ trong vụ "làm giả, hưởng lương thật”.
Những tiết lộ của báo chí liên quan đến việc ông trả lương cho vợ và các con mình với tư cách trợ lý trong thời gian ông là nghị sĩ Quốc hội, dù trên thực tế họ không làm công việc này, đã gây ra “cơn địa chấn” trên chính trường nước Pháp. Từ ứng cử viên dẫn đầu, hình ảnh ông đã bị sứt mẻ, uy tín bị sụt giảm mạnh và cựu Thủ tướng trở thành tâm điểm tấn công của các đối thủ. Bên cạnh đó, ông bị các đối thủ chỉ trích vì những đề xuất cải cách mang tính cực đoan, như cắt giảm 500.000 công chức, giảm hỗ trợ thất nghiệp, tăng tuần làm việc từ 35 giờ lên 39 giờ và tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65 tuổi. Tuy nhiên, ứng cử viên này vẫn nhận được sự hậu thuẫn tuyệt đối của đảng Những người Cộng hòa (LR) cùng những người ủng hộ đảng này, và đây thực sự là "bệ đỡ" để ông tiếp tục đường đua, bất chấp những ý kiến đòi ông rút lui.
Ứng cử viên Marine Le Pen là người luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò và được cho là chắc chắn sẽ lọt vào vòng hai. Những cam kết về một nước Pháp “tự do”, đàm phán lại các hiệp định với Liên minh châu Âu (EU) nhằm khôi phục biên giới và chủ quyền quốc gia, đặt nước Pháp lên trên hết của nữ chính trị gia có quan điểm bài ngoại và hoài nghi châu Âu này đã lôi kéo được một lượng lớn cử tri. Các tầng lớp dân cư có trình độ trung bình hoặc trung bình thấp trong xã hội như công nhân, nông dân, thanh niên thất nghiệp... ủng hộ chủ trương của bà thực hiện chính sách bảo hộ kinh tế và đánh thuế nặng các doanh nghiệp thuê lao động nhập cư để bảo vệ việc làm cho người dân trong nước.
Không chỉ có tỷ lệ ủng hộ cao, tỷ lệ những người khẳng định “chắc chắn” sẽ bỏ phiếu cho bà cũng rất cao, tới 76%, cao nhất so với 3 ứng cử viên hàng đầu còn lại. Tuy nhiên, quan điểm quá cực đoan của nữ chính trị gia này cũng có thể là "con dao hai lưỡi" khiến cử tri quay lưng lại với bà.
Cựu Bộ trưởng Kinh tế, ứng cử viên Macron được nhìn nhận là trẻ trung, năng động và được kỳ vọng là nhân vật có khả năng vực dậy nền kinh tế Pháp. Việc ông thành lập phong trào “Tiến bước” - một cánh trung dung mới, vượt qua ranh giới tả-hữu được cho là góp phần đổi mới nền chính trị nước Pháp. Thời gian qua, ông nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật có ảnh hưởng trên chính trường Pháp như cựu Thủ tướng Manuel Valls, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian, hay nhà lãnh đạo đảng Phong trào Dân chủ (MoDem) François Bayrou. Tuy nhiên, với một bộ phận khác, cho đến nay, ứng cử viên Macron vẫn là một “ẩn số”, một "người tập sự" trong đời sống chính trị do quãng thời gian làm bộ trưởng Kinh tế của ông quá ngắn (2 năm) và ông cũng chưa bao giờ là nghị sĩ Quốc hội.
Ứng cử viên Jean-Luc Melenchon đã có bứt phá ngoạn mục về tỷ lệ ủng hộ khi vào gần cuối chặng đua. Những ý tưởng cao đẹp của ông về bình đẳng xã hội, về quyền công dân với yếu tố người dân ở vị trí trung tâm đã tạo ra sức hút mạnh mẽ. Tuy nhiên, các quan điểm cực tả của ông sẽ rất khó được triển khai trong thực tế. Ngoài ra, theo Viện nghiên cứu kinh tế Montaigne, chương trình tranh cử của ông sẽ dẫn đến việc tăng chi ngân sách khoảng 175-200 tỷ euro, đồng thời làm tỷ lệ nợ công của Pháp tiếp tục tăng nhanh.
Đối với người dân Pháp, những khó khăn kinh tế kéo dài và các vụ tấn công khủng bố thời gian qua khiến họ chỉ quan tâm đến quyền lợi sát sườn như cơ hội việc làm, giảm thuế, tăng sức mua, được đảm bảo an ninh. Những diễn biến bất ngờ của cuộc bầu cử cùng những chỉ trích gay gắt giữa các ứng cử viên khiến họ hết sức bối rối và mất phương hướng, thậm chí không đặt niềm tin vào ứng cử viên nào. Chính vì vậy, khoảng 30% cử tri Pháp tuyên bố chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Do tính chất quyết liệt của cuộc đua nên các ứng cử viên không ngừng công kích nhau, kéo truyền thông và công luận vào "cuộc chiến". Những cuộc "khẩu chiến" trước ngày bỏ phiếu đang khiến cho nước Pháp bị chia rẽ sâu sắc hơn. Trong bối cảnh cuộc bầu cử năm nay ẩn chứa nhiều bất ngờ, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu sẽ là yếu tố làm xoay chuyển cục diện cuộc đua.