Ứng viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc vận động tranh cử ở thành phố miền tây nam Pau ngày 12/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cuộc bầu cử tổng thống Pháp đang trong giai đoạn nước rút. Cả 11 ứng cử viên tham gia cuộc đua vào Điện Elysée đều đang nỗ lực hết mình bằng việc tổ chức nhiều cuộc mít tinh vận động tranh cử tại nhiều địa phương trên toàn nước Pháp, từ thành thị tới nông thôn, tích cực xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhằm tranh thủ thuyết phục cử tri-những người còn do dự, đồng thời công kích những yếu điểm của các đối thủ.
Trong số 11 ứng cử viên, dư luận Pháp quan tâm nhất đến nhóm 4 ứng cử viên dẫn đầu, những người có tỷ lệ ủng hộ sít sao được thể hiện qua các cuộc thăm dò thời gian gần đây.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, cơ hội lọt vào vòng hai đang được chia đều cho cả 4 ứng cử viên trong nhóm dẫn đầu gồm cựu Thủ tướng François Fillon, ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen và nhà lãnh đạo của phong trào “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Melenchon. Cả 4 ứng cử viên đều được đánh giá là “tiềm năng”, chính vì vậy, cuộc đua này được ví như cuộc đua của cỗ xe “tứ mã”.
Vào thời điểm chỉ còn cách ngày bầu cử chưa đầy một tuần, các cuộc thăm dò, khảo sát được tiến hành hàng ngày. Mặc dù tỷ lệ ủng hộ được các hãng đưa ra có chênh lệch đôi chút nhưng xu hướng chung không thay đổi nhiều. Hai ứng cử viên Le Pen và Macron vẫn dẫn trước với tỷ lệ ủng hộ 22%, hai ứng cử viên Jean-Luc Melenchon và François Fillon bám đuổi sít sao với tỷ lệ ủng hộ tương ứng là 20% và 19%. Ứng cử viên tổng thống Pháp của đảng Xã hội (PS) Benoît Hamon bị rớt lại phía sau với khoảng 9-10%.
Một điểm cần lưu ý là càng gần đến ngày bầu cử, khoảng cách giữa các ứng cử viên càng bị rút ngắn. Điều này cho thấy không ứng cử viên nào có lợi thế nổi trội. Mỗi ứng cử viên đều có những điểm mạnh và điểm yếu nhất định. Cựu Thủ tướng Fillon từng được đánh giá cao với 30 năm kinh nghiệm trên chính trường lại bị mất uy tín do vướng vào bê bối tài chính liên quan đến việc trả lương cho vợ mình và các con cho “những công việc không có thật”.
Ứng cử viên Le Pen cũng đang bị điều tra vì lạm dụng công quỹ của Nghị viện châu Âu (EP). Ngày 2/3 vừa qua, bà cũng đã bị tước tư cách thành viên EP vì trước đó đã đăng tải một loạt hình ảnh bạo lực của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng trên mạng xã hội. Nhà lãnh đạo phong trào “Tiến bước” Macron được nhìn nhận là năng động, trẻ trung, nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo.
Ứng cử viên Jean-Luc Melenchon đã có sự vươn lên ấn tượng thời gian qua. Ông đang ngày càng giành được sự yêu mến từ các cử tri cánh tả, những người đã ủng hộ ứng cử viên đảng Xã hội François Hollande 5 năm trước. Tuy nhiên, các quan điểm cực tả của ông được cho là khó được triển khai trong thực tế.
Đã có quá nhiều diễn diễn bất ngờ kể từ đầu chiến dịch tranh cử tổng thống đến nay. Chính vì vậy, chính giới cũng như truyền thông Pháp hết sức thận trọng. Theo giới phân tích, trong chặng đua nước rút, vẫn sẽ có những yếu tố có thể đó làm xoay chuyển cục diện cuộc đua. Đó là cho đến nay, chỉ có 66% số cử tri Pháp tuyên bố tham gia bỏ phiếu, có nghĩa là 34% cử tri sẽ vắng mặt vào ngày 23/4 tới, trong khi tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều (19,6%) vào năm 2012.
Ngoài ra, khoảng 30% cử tri Pháp tuyên bố chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Và trên hết, kết quả các cuộc khảo sát chỉ mang tính tương đối, do còn tùy thuộc vào phương pháp thăm dò, đối tượng, độ tuổi và quan điểm chính trị của những người được hỏi ý kiến. Sự biến động của những yếu tố trên sẽ tác động đến kết quả cuộc bầu cử. Bối cảnh này cho thấy cuộc đua đang diễn ra hết sức gay cấn. Cho đến nay, chưa có gì được quyết định. Cơ hội vẫn được chia đều cho cả 4 ứng cử viên tiềm năng.