Cái giá của lệnh trừng phạt mới chống Nga

Trong vài ngày qua, đồng rúp của Nga lại một lần nữa rớt giá thảm hại, mà một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức thông qua gói biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và có hiệu lực từ ngày 1/8.

 

Tổng thống Mỹ Obama yêu cầu siết chặt trừng phạt Nga.

 

Động thái này diễn ra sau một cuộc họp của đại sứ các nước EU tại Brussels và sự đồng thuận của 28 quốc gia thành viên về hình thức xử phạt. Lệnh trừng phạt Moskva cũng đã đưa cả Mỹ và EU lên một bước trong "cuộc chơi" căng thẳng đang diễn ra ở miền Đông Ukraine, nơi phe ly khai bị cáo buộc bắn hạ chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia mang số hiệu MH17 hôm 17/7 vừa qua.

 

Gói biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng mọi hợp đồng mua bán vũ khí, hạn chế các tổ chức tài chính Nga tiếp cận thị trường vốn EU, cũng như một lệnh cấm vận kinh doanh các giải pháp công nghệ cao được sử dụng trong ngành công nghiệp dầu khí. Một số cá nhân thân cận Tổng thống Vladimir Putin, liên quan sự sáp nhập Crimea vào Nga và tình trạng căng thẳng ở miền Đông Ukraine cũng đã được điền thêm vào danh sách cấm nhập cảnh vào EU và Mỹ. Phương Tây cũng áp đặt cấm vận thương mại vũ khí, hạn chế đầu tư và thương mại với Crimea và Sevastopol. Đình chỉ tài chính hai ngân hàng Sberbank và VTBank. Trong đó Sberbank là ngân hàng mà chính phủ Nga nắm cổ phần chi phối và là người cho vay lớn nhất ở nước này, với hơn 19.000 chi nhánh. Sberbank kiểm soát phần lớn các tài sản ngân hàng và chiếm thị phần bán lẻ lớn nhất tại Nga. Ngân hàng này cũng có các hoạt động đầu tư quan trọng ở châu Âu. Trong khi đó, Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) cũng xem xét lại quan hệ hợp tác song phương giữa Nga và EU. Lệnh trừng phạt dự kiến được áp dụng 1 năm và có thể gia hạn thêm.

 

Trong một tuyên bố mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Nga đưa ra ngay sau đó, Moskva đã khẳng định rằng: "Nga không tham gia vào cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine". Với những biện pháp trừng phạt được thông qua tại Brussels, chính nó đã tạo thêm rào cản cho sự hợp tác trong một lĩnh vực mà cả EU lẫn Nga đều không thể xem nhẹ- đó là năng lượng. Tuyên bố của Nga khẳng định lệnh trừng phạt của phương Tây là "một việc làm vô nghĩa, vô trách nhiệm".

 

Báo chí Nga và phương Tây lúc này cũng đang tập trung khai thác về "bản kế hoạch hòa bình bí mật", nhằm tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng Ukraine, được cho là đã thất bại, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và bà Thủ tướng Đức Angela Merkel còn chưa kịp tìm được tiếng nói chung thì lại xảy ra thảm kịch mang tên MH17, cướp đi sinh mạng gần 300 người vô tội. Hàng loạt điều khoản được đặt ra cho các bên, nhưng thật là "khó nuốt" đối với phương Tây khi họ phải công nhận việc Crimea sáp nhập vào Nga là hợp pháp. Đổi lại, Ukraine sẽ được ổn định và hỗ trợ phát triển, dòng năng lượng chảy sang châu Âu được đảm bảo lâu dài.

 

Theo các nguồn tin tại chỗ, có hai mục tiêu được thương thuyết dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Merkel là ổn định tình hình biên giới Ukraine và hỗ trợ tài chính mạnh mẽ để ổn định nền kinh tế nước này. Thỏa thuận cũng đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng thông qua một cam kết đa phương mới.


Để đổi lại, mà theo đề xuất của bà Merkel, cộng đồng quốc tế sẽ phải công nhận nền độc lập của Crimea và việc nó sáp nhập vào Nga là hoàn toàn hợp pháp. Điều kiện này, theo các nhà phân tích nhận định, rõ ràng là một viên thuốc đắng không phải quốc gia phương Tây nào cũng chấp nhận uống, đặc biệt là đối với Mỹ và Anh.


Trong khi đó, bà Merkel cũng có lý do để đưa ra đề xuất về Crimea, bởi không ai muốn bóng ma của chiến tranh lạnh lại một lần nữa quay trở lại. Và ai biết chắc rằng căng thẳng ngày một leo thang sẽ không kéo theo những thảm kịch kiểu như vụ chiếc máy bay mang số hiệu MH17 bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine.

 

Kịch bản của kế hoạch hòa bình, cho dù được giữ bí mật hết sức, song với những nguồn tin khá thân cận, bước một của kế hoạch này đòi hỏi Nga phải chấm dứt hỗ trợ tài chính, trang bị quân sự cho lực lượng ly khai đang hoạt động ở miền Đông Ukraine, cho dù từ trước đến nay Nga chưa bao giờ công nhận điều đó. Ngoài ra để đổi lấy việc Kiev có nhiều quyền hạn hơn, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ phải cam kết rằng quốc gia này sẽ không thực hiện các nỗ lực nhằm tiến tới gia nhập NATO. Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin sẽ phải chấm dứt các biện pháp can thiệp hoặc ngăn chặn Ukraine thiết lập quan hệ thương mại mới với Liên minh châu Âu (EU). Bước hai của kế hoạch là việc Nga cần xem xét chấp nhận hỗ trợ nhiều tỷ USD cho Ukraine, coi đó như khoản bồi thường việc họ sáp nhập thay vì tiếp tục thuê quân cảng Sevastopol ở Crimea. Bên cạnh đó, Nga cũng có thể hỗ trợ Ukraine gia nhập không gian thuế quan thống nhất, một tổ chức do Nga làm chủ đạo. Ukraine cũng sẽ được đảm bảo một hợp đồng dài hạn với Gazprom về giá và khối lượng khí đốt Moskva cung cấp cho nước này hàng năm.

 

Song thật đáng tiếc kế hoạch hòa bình do bà Merkel đề xuất nói trên hiện vẫn chỉ nằm trên giấy, và nó cũng là kế hoạch hòa bình duy nhất cho đến thời điểm hiện nay. Các cuộc đàm phán đã bị đóng băng kể từ sau thảm kịch MH17 và sự leo thang các biện pháp trừng phạt và trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây.

 

EU và Mỹ dường như không thể kiên nhẫn hơn nữa, khi thống nhất thực hiện một loạt biện pháp mới trừng phạt Nga. Tờ Độc lập của Nga ngày 30/7 ghi nhận rằng Phương Tây sẵn sàng chấp nhận thiệt hại 90 tỷ euro để siết chặt trừng phạt Nga. Về phía Nga cũng sẽ thua thiệt con số tương tự.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lên tiếng nhấn mạnh các đồng minh đã hoàn toàn nhất trí siết chặt biện pháp chống Nga. Một cộng đồng phương Tây có lẽ còn chia rẽ về hậu quả thiệt hơn, nhưng họ nhận thức rất rõ ràng rằng một trật tự thế giới mới có thể được hình thành, nếu họ để Nga được rảnh rang làm theo ý mình. Trong khi đó, Nga cũng hiểu rõ lên tiếng chỉ trích phương Tây lúc này sẽ thật hoài công và thậm chí còn là việc làm thiển cận. Và mặc dù lúc này Nga chưa thực sự tung các quân bài đáp trả, song quyết định cấm nhập khẩu thịt gà từ Mỹ và hoa quả từ Ba Lan với lý do an toàn vệ sinh thực phẩm có lẽ mới chỉ là khúc dạo đầu của một bản hòa ca hoành tráng nhất, mà ông Putin sẽ làm "nhạc trưởng".

 

Dù thế nào, dù các màn trừng phạt và đáp trả lẫn nhau diễn tiến tới đâu, các chuyên gia phân tích quốc tế vẫn phải thừa nhận tình hình hiện nay hết sức nghiêm trọng. Đây không còn là một cuộc đấu tranh chỉ liên quan tới Ukraine, Nga hay phương Tây, mà nó là một trận chiến vì quyền lợi của tất cả các bên. Và có một điều chắc chắn, thiệt hại mà phương Tây và Nga buộc lòng phải chấp nhận sẽ không chỉ dừng lại ở con số 90 tỷ euro mỗi bên.

 

Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga

Cấm vận của Mỹ, EU chống Nga: Vừa ‘đánh’ vừa ‘dò’
Cấm vận của Mỹ, EU chống Nga: Vừa ‘đánh’ vừa ‘dò’

Các lệnh cấm vận mới nhằm vào Nga mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra nhằm mục đích gây hại đến kinh tế Nga. Nhưng những tác động tức thời mà chúng đem lại thì chẳng đáng là bao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN