Giới chuyên gia đánh giá năm này tiếp tục là một năm bận rộn với các hoạt động thương mại toàn cầu liên quan tới tranh chấp thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và nhiều đối tác lớn khác, cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các thỏa thuận thương mại tự do (FTA), việc Anh rời EU....
Vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "khơi mào" một cuộc chiến thương mại bằng việc đánh thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép từ EU, Canada và Mexico. EU đã đáp trả bằng hành động kiện vụ việc lên WTO và áp dụng các biện pháp trả đũa thông qua quyết định áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào EU với giá trị lên tới 2,8 tỷ euro. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ đe dọa trả đũa lên các sản phẩm ô tô nhập khẩu từ châu Âu vào Mỹ.
Để giải quyết căng thẳng thương mại với Mỹ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đến Washington trong mùa Hè 2018. Tại đây, ông Juncker đã đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Trump liên quan đến việc giảm bớt căng thẳng thương mại, song vẫn không chấm dứt được các sắc thuế đánh vào mặt hàng thép và nhôm cũng như các mối đe dọa đối với sản phẩm của nền công nghiệp ô tô châu Âu. EU cũng cố gắng cải thiện quan hệ kinh tế với Mỹ bằng việc đề xuất cải cách WTO nhằm làm dịu những lo ngại từ phía Washington. Đề xuất này sẽ được các bên đưa ra đàm phán trong năm 2019.
Bất chấp nhiều nỗ lực, nhất là từ phía EU, quan hệ giữa Mỹ và châu Âu ngày càng trở nên phức tạp. Việc Mỹ áp các biện pháp trừng phạt đối với những thực thể mà nước này cho là đang thiết lập quan hệ kinh tế với Iran cũng gây ảnh hưởng lớn đến các công ty châu Âu hoạt động tại Iran bất chấp những nỗ lực của Brussels nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong khi đó, EU nỗ lực đẩy nhanh các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Kq hối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) trong năm 2019. Bất chấp làn sóng bảo hộ, EU đã ký kết một số thỏa thuận thương mại vào năm 2018 và mở các cuộc đàm phán tiếp theo với các đối tác cùng chí hướng khác như New Zealand hay Australia. FTA giữa EU với Nhật Bản, vừa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2019. Thỏa thuận EU-Việt Nam, được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua hồi tháng 10/2018, dự kiến sẽ được các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu xem xét thông qua trong năm 2019 này.
Một vấn đề không thể bỏ qua chính là thỏa thuận không thể tránh khỏi về việc Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit). Trong tháng 1/2019, mọi con mắt sẽ đổ dồn về Quốc hội Anh, nơi sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu liên quan đến Brexit. Việc ly hôn chính thức sẽ diễn ra vào tháng 3 tới, bất chấp việc 27 nước thành viên EU và London có đạt được thỏa thuận hay không. Cho dù thỏa thuận về Brexit có được các nghị sĩ Anh chấp thuận hay không, Brussels và London được cho là sớm muộn cũng sẽ mở ra các cuộc đàm phán về một thỏa thuận kinh tế.