Nội dung văn bản trên không được công bố, song căn cứ vào những gì các đại diện đàm phán của hai bên thông báo, Ukraine đã đề xuất quy chế trung lập cho nước này để đổi lấy việc đảm bảo an ninh.
Ông Oleksandr Chaly, thành viên phái đoàn Ukrainne, cho biết Ukraine đồng ý duy trì quy chế trung lập và phi hạt nhân hóa với điều kiện được đảm bảo an ninh, mà việc bảo đảm an ninh này "về nội dung và hình thức" phải tương tự như Điều 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, vốn quy định rằng "một cuộc tiến công quân sự chống một hoặc nhiều nước NATO sẽ được coi là một cuộc tiến công chống tất cả các nước thành viên”. Theo ông, điều này liên quan đến sự hỗ trợ quân sự và thậm chí cả việc thiết lập vùng cấm bay sau 3 ngày tham vấn để giải quyết vấn đề về mặt ngoại giao.
Phía Ukraine nói rõ đề xuất trên đồng nghĩa với việc Kiev sẽ không tham gia các liên minh quân sự hay cho phép đặt các căn cứ quân sự tại nước này. Tuy nhiên, các cuộc tập trận quân sự sẽ vẫn được phép diễn ra tại Ukraine với các quốc gia “bảo đảm an ninh”. Theo đề xuất trên, các quốc gia này có khả năng gồm các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (trong đó có Nga) cùng Đức, Israel, Italy, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada. Nghị sĩ David Arakhamia, đứng đầu nhóm nghị sĩ đảng cầm quyền trong Quốc hội Ukraine, thành viên đoàn đàm phán của nước này, nêu rõ những bảo đảm an ninh trên sẽ không áp dụng ở Crimea và Donbass.
Phía Kiev cũng yêu cầu các nước "bảo đảm an ninh" không cản trở và hỗ trợ tiến trình Ukraine có thể gia nhập Liên minh châu Âu “càng sớm càng tốt”. Các đề xuất cũng bao gồm thời gian tham vấn giữa hai bên trong 15 năm về tình trạng của bán đảo Crimea, vốn sáp nhập vào Nga từ năm 2014. Các đề xuất này sẽ chỉ có hiệu lực khi Nga và Ukraine đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn.
Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinski cho biết đề xuất của Ukraine cũng bao gồm việc không sử dụng vũ lực để “thu hồi” Crimea và Sevastopol, cũng như điều khoản về việc Kiev sẽ không sản xuất và triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Đại diện Nga Vladimir Medinski đánh giá cuộc đàm phán tại Istanbul mang tính xây dựng, trong đó ông nhắc tới những bước đi để "tiến về" phía đối phương, có thể hiểu là sự nhượng bộ nhất định để quan điểm của hai bên có thể "xích lại gần nhau hơn", khiến khả năng đạt được thỏa hiệp gia tăng. Về phía Nga, ông Vladimir Medinski cho biết Moskva đã thực hiện 2 bước nhằm giảm căng thẳng, cả về chính trị và quân sự. Bước một là về khả năng tiến hành cuộc gặp giữa nguyên thủ Nga và Ukraine, như đề xuất của Tổng thống Ukraine, theo đó, thay vì tuyên bố một cuộc gặp như vậy chỉ được tổ chức sau khi quan chức cấp ngoại giao hai nước ký được một thỏa thuận, thì nay Moskva cho rằng hai bên có thể tiến hành hai hoạt động này đồng thời.
Bước thứ hai, là việc Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố giảm đáng kể hoạt động quân sự ở gần Kiev và Chernihiv, được cho là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán. Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinski nói rằng phía Nga chờ đợi “động thái tương tự của Ukraine”, đồng thời cho rằng việc Ukraine đưa ra đề xuất bằng văn bản cũng là một bước đi tích cực, bởi đây là lần đầu tiên Kiev làm rõ chính sách và đề xuất của mình bằng văn bản cụ thể.
Về phía Ukraine, rõ ràng đề xuất về "trạng thái trung lập", đồng nghĩa với việc không gia nhập NATO, đáp ứng được các yêu cầu của Nga trên bàn đàm phán. Kiev dường như cũng có sự nhượng bộ trong vấn đề Crimea khi chấp nhận tham vấn về tình trạng của bán đảo này, cũng như đàm phán để giải quyết xung đột liên quan tới vùng Donbass, bởi trong các vòng đàm phán hồi đầu tháng 3, thành viên đoàn đàm phán Ukraine David Akhramiya từng tuyên bố Kiev và Moskva có thể đạt được thỏa thuận về tất cả các vấn đề, “ngoại trừ tình trạng của Crimea và Donbass”. Phát biểu sau cuộc đàm phán ngày 29/3 ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông David Akhramiya cho rằng vòng đàm phán với Nga ngày 29/3 đã đạt đủ tiến triển để tạo điều kiện cho cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước.
Kết quả vòng đàm phán ở Istanbul đã phát đi tín hiệu tích cực về khả năng đạt được nhượng bộ giữa hai bên nhằm chấm dứt xung đột. Trước đó, sau 4 vòng đàm phán, hai bên hầu như đạt được rất ít tiến triển. Liên hợp quốc cũng bày tỏ hy vọng những tiến triển đạt được tại vòng đàm phán ở Istanbul sẽ được hai bên sớm "cụ thể hóa" bằng những thỏa thuận và hành động cụ thể.
Theo trưởng đoàn đàm phán Nga, Moskva sẽ xem xét các đề xuất của Kiev và sẽ có câu trả lời. Tuy nhiên, ông nhận định việc đạt được một thỏa thuận được cả hai bên chấp nhận sẽ là một chặng đường dài. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 30/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng việc Ukraine lần đầu tiên đưa ra đề xuất cụ thể bằng văn bản là một kết quả tích cực, song chưa có đột phát lớn trong cuộc đàm phán tại Istanbul, đồng thời khẳng định hiện vẫn còn nhiều việc cần làm
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hoài nghi về cam kết của Nga cắt giảm các hoạt động quân sự ở một số khu vực tại Ukraine. Bộ Quốc phòng Ukraine nói rằng đây "có thể là một sự luân chuyển của các đơn vị riêng lẻ và nhằm mục đích đánh lạc hướng". Mỹ và phương Tây cũng đưa ra những tuyên bố không tin tưởng vào cam kết của Nga.
Trong bối cảnh sự giằng co giữa hai bên về những điều kiện tiên quyết trên bàn thương lượng khiến các vòng đàm phán trước gần như bế tắc, thì vòng đàm phán ở Istanbul rõ ràng là một bước tiến tuy nhỏ song quan trọng. Ít nhất, kết quả vòng đàm phán cho thấy hai bên có thể nhượng bộ để đạt được thỏa hiệp. Đồng thời, cuộc gặp tại Istanbul cũng chứng minh đàm phán là con đường tối ưu để giải quyết xung đột. Tuy nhiên, để tạo được đột phá trên bàn đàm phán, ngoài thiện chí, hai bên còn cần rất nhiều bước đi nữa để thúc đẩy xây dựng lòng tin, cùng với nỗ lực trung gian của cộng đồng quốc tế.