Điện Kremlin hoan nghênh đề xuất đàm phán của Ukraine, song chưa thấy tín hiệu đột phá

Ngày 30/3, Điện Kremlin hoan nghênh đề xuất đàm phán của Ukraine, song chưa thấy tín hiệu đột phá nào.

Chú thích ảnh
Điện Kremlin tại thủ đô Moskva. Ảnh: Russia Beyond

Theo Interfax, một ngày sau khi vòng đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine khép lại tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hoan nghênh việc Kiev đưa ra các đề xuất bằng văn bản để tiến tới chấm dứt cuộc xung đột hiện nay, song Điện Kremlin chưa thấy tín hiệu khởi sắc nào.

Đây là phản ứng chính thức của Điện Kremlin về kết quả vòng đàm phán hòa bình ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trước báo giới, ông Dmitry Peskov nói rằng Nga không nhận thấy bất kỳ điều hứa hẹn nào hay thấy điểm gì đó giống như bước đột phá, khẳng định vẫn còn một lộ trình dài ở phía trước.  

Đài Sputnik cho biết Người phát ngôn Dmitry Peskov nhấn mạnh bán đảo Crimea là của Nga và qui chế của Crimea không phải vấn đề để đàm phán với Ukraine. Ông nêu rõ: “Crimea là một phần của Liên bang Nga, và theo với Hiến pháp Nga, chúng tôi không thể thảo luận với bất kỳ ai về qui chế của các vùng lãnh thổ Nga”.

Ông Peskov cũng từ chối bình luận về vấn đề các quốc gia có thể đóng vai trò là người bảo đảm an ninh của Ukraine, gợi ý các phóng viên liên hệ với "đồng nghiệp" của ông, Trợ lý tổng thống kiêm Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky để biết thêm thông tin.

Tuyên bố của Thư ký báo chí Điện Kremlin được đưa ra sau khi Nga và Ukraine vừa có cuộc đàm phán được đánh giá là mang tính xây dựng ở Istanbul. Truyền thông nhà nước Nga ngày 29/3 đưa tin Bộ Quốc phòng nước này đã quyết định giảm qui mô chiến dịch tại các hướng Kiev và Chernigov, đồng thời rút quân khỏi một số mặt trận.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin tuyên bố quyết định này của Moskva nhằm góp phần gia tăng hy vọng cho cuộc đàm phán hòa bình hiện nay giữa Nga và Ukraine. Ông Fomin nói: “Các cuộc đàm phán chuẩn bị cho một thỏa thuận về tính trung lập và tình trạng phi hạt nhân của Ukraine, cũng như về việc đảm bảo an ninh cho Ukraine, đang diễn ra thực tế… Để tăng cường tin tưởng lẫn nhau, tạo điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán tiếp theo và đạt được mục tiêu cuối cùng là nhất trí ký thỏa thuận, một quyết định đã được đưa ra nhằm giảm mạnh hoạt động quân sự trên các hướng Kiev và Chernigov".

Chú thích ảnh
Quang cảnh phòng đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29/3/2022. Ảnh: RT

Theo kênh RT, quan chức phái đoàn đàm phán Nga đánh giá các đề phía Ukraine đưa ra tại bàn đàm phán lần này là bước đi tích cực hướng tới việc đạt được thỏa hiệp. Theo trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết hai bên đã có cuộc thảo luận có ý nghĩa và các đề xuất của Ukraine trong ngày đàm phán đầu tiên sẽ được trình lên Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Quan chức này cũng đề cập đến khả năng có cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, một khi hai bên thống nhất được hiệp ước hòa bình.

Cụ thể, phái đoàn Ukraine đã đưa ra các đề xuất sau bằng văn bản để hai bên cùng thảo luận:

- Nga sẽ không phản đối Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU)

- Ukraine sẽ từ bỏ mọi ý định lấy lại Crimea và vùng Donbass bằng vũ lực quân sự

- Ukraine sẽ không tìm cách sở hữu các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân.

- Ukraine đề xuất một danh sách các nước cung cấp bảo trợ an ninh cho mình, trong đó các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như Đức, Canada, Ba Lan, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu được đảm bảo an ninh, Ukraine sẽ trở thành quốc gia trung lập.

- Đề xuất của Ukraine về đảm bảo an ninh từ cộng đồng quốc tế không bao gồm các vùng lãnh thổ Donbass và Crimea.

- Ukraine sẽ không tham gia các liên minh quân sự hay cho phép đặt các căn cứ quân sự nước ngoài tại nước này.

Các đề xuất cũng sẽ bao gồm thời gian tham vấn giữa hai bên trong 15 năm về tình trạng của bán đảo Crimea, vốn được Nga sáp nhập hồi năm 2014. Các đề xuất này sẽ chỉ có hiệu lực khi Nga và Ukraine đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn.

Ông Oleksander Chaly, thành viên đoàn đàm phán của Ukraine, nói rõ nếu Ukraine cố gắng thực hiện đầy đủ những điều khoản chủ chốt này, nước này sẽ có thể giải quyết thực trạng hiện nay như một quốc gia phi hạt nhân và không thuộc khối nào trong một định dạng trung lập vĩnh viễn.

Cũng trong ngày 29/3, các lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy đã có cuộc điện đàm về kết quả vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu với báo giới tại Washington sau cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các bên đồng thuận "sẽ chờ xem" các động thái tiếp theo của Nga và Ukraine.

Theo tuyên bố của Nhà Trắng, các lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy trong cuộc điện đàm nói trên đã nhất trí chưa dỡ bỏ các trừng phạt kinh tế đối với Nga và sẽ tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Lãnh đạo Mỹ, EU thảo luận về kết quả đàm phán Nga – Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ
Lãnh đạo Mỹ, EU thảo luận về kết quả đàm phán Nga – Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 29/3, các lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy đã có cuộc điện đàm về kết quả vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN