Theo bình luận của Matija Šerić, nhà phân tích người Croatia chuyên về địa chính trị và chính sách đối ngoại trên mạng tin Eurasiareview.com ngày 4/3, hôm 14/2, các phương tiện truyền thông đã bất ngờ đưa tin về việc Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba thông qua phái đoàn nước này tại Liên hợp quốc. Tại New York, đại sứ Cuba và Hàn Quốc tại Liên hợp quốc đã trao đổi công hàm ngoại giao và do đó quan hệ ngoại giao chính thức được thiết lập.
“Quyết định thiết lập quan hệ chính thức giữa hai nước được đưa ra phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, phù hợp với tinh thần và quy tắc được xác lập trong Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao”, phái đoàn ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố, sau khi xác nhận rằng đại sứ quán sẽ được mở ở cả hai nước.
Tin tức về việc nối lại quan hệ giữa Seoul và Havana là một diễn biến chính trị gây chấn động khi xét đến mối quan hệ hữu nghị giữa Cuba và Triều Tiên kể từ Cách mạng Cuba năm 1959 cho đến nay. Như vậy, Cuba đã trở thành quốc gia thứ 193 trên thế giới mà Hàn Quốc thiết lập kênh liên lạc ngoại giao chính thức. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Cuba, Syria vẫn là thành viên duy nhất của Liên hợp quốc không có quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc.
Nỗ lực khôi phục quan hệ Hàn Quốc - Cuba
Ý định làm tan băng mối quan hệ đóng băng giữa Cuba và Hàn Quốc không phải là mới. Xem xét kỹ hơn trong chính sách đối ngoại của Seoul, chúng ta sẽ thấy trong gần một phần tư thế kỷ, các nhà ngoại giao Hàn Quốc đã tìm cách vực dậy mối quan hệ với Cuba kể từ khi Tổng thống Kim Dae-jung nắm quyền. Trong nhiệm kỳ của ông vào năm 1999, Hàn Quốc đã ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về sự cần thiết dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Cuba và điều này vẫn tiếp tục trong nhiều năm tiếp theo.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se vào tháng 6/2016, trong chuyến thăm chính thức Cuba dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Caribe (ASC), đã bày tỏ ý định của Seoul thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba. Sau đó, ông Yun đã gặp Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez trong một cuộc thảo luận riêng. Tuy nhiên, phía Cuba kiên quyết từ chối thiết lập quan hệ với Hàn Quốc vì không muốn làm "tổn thương" mối quan hệ với Triều Tiên.
Với Cuba, rõ ràng, việc nối lại quan hệ giữa Seoul và Havana là một sáng kiến chung - lợi ích song trùng. Một mặt, nền kinh tế Cuba vẫn gặp khó khăn: Cuba đã rơi vào khủng hoảng kinh tế kể từ khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận thương mại vào năm 1960 và vẫn còn hiệu lực, nhưng tình hình này đặc biệt trầm trọng trong 5 năm qua.
Do đó, Cuba coi Hàn Quốc là đối tác tiềm năng có thể giúp đỡ mình vì quốc gia Đông Bắc Á này là nền kinh tế phát triển. Hàn Quốc là cường quốc kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á và cường quốc kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới. Hàn Quốc có thể cung cấp cho Cuba hầu hết mọi sản phẩm từ thực phẩm đến công nghệ tinh vi nhất. Tất nhiên, câu hỏi đặt ra là Mỹ sẽ phản ứng ra sao và có ủng hộ Hàn Quốc ký những thỏa thuận thương mại lớn hơn với Cuba hay không.
Với Hàn Quốc, nước này muốn cải thiện vị thế và uy tín của mình trên thế giới vốn đã cao chủ yếu nhờ vào thành công kinh tế với các tập đoàn khổng lồ như Samsung, LG, Kia, Huyndai, SK Hynix, đồng thời mở rộng thị trường cho họ. Trong những năm qua, Hàn Quốc muốn tự coi mình là một nhân tố của an ninh, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Nỗ lực này luôn tồn tại trong các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc, nhưng nó đã có động lực mạnh mẽ hơn kể từ khi Tổng thống Yoon Suk Yeol lên nắm quyền vào năm 2022. Ông Yoon muốn Hàn Quốc trở thành một nhân tố toàn cầu mạnh mẽ hơn. Hàn Quốc thực sự có thể đóng một vai trò quan trọng trên toàn cầu bằng cách góp phần định hình quan hệ quốc tế, khuyến khích các quốc gia tuân thủ các quy tắc quốc tế được công nhận và làm trung gian giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Mỹ và các đối tác ở châu Á và châu Âu đã hoan nghênh những nỗ lực ngoại giao, kinh tế và chiến lược rộng lớn hơn của chính quyền Tổng thống Yoon vượt ra ngoài châu Á. Việc thiết lập quan hệ Hàn Quốc-Cuba thể hiện đỉnh cao nỗ lực ngoại giao của Seoul nhằm củng cố vị thế của mình ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe. Cuba là quốc gia duy nhất ở khu vực Nam Mỹ và Caribe không có quan hệ chính thức với Seoul.
Sau khi thiết lập quan hệ với Havana, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố họ kỳ vọng quan hệ chính thức với Cuba sẽ là một “bước ngoặt quan trọng” trong nỗ lực tăng cường quan hệ với Trung và Nam Mỹ. Hàn Quốc lưu ý rằng Cuba là một quốc gia quan trọng ở Mỹ Latinh vì nước này có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia và các cơ quan ngoại giao-lãnh sự tại hơn 100 quốc gia, khiến Cuba trở thành quốc gia quan trọng ở Mỹ Latinh. Quá trình tăng cường mối quan hệ của Hàn Quốc với Mỹ Latinh được thể hiện rõ nhất trên các lĩnh vực giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân ngày càng phát triển trên khắp Thái Bình Dương.
Phù hợp với tầm nhìn của Tổng thống Yoon về Hàn Quốc như một quốc gia có tầm quan trọng toàn cầu, các công ty Hàn Quốc, một khi quan hệ ngoại giao được thiết lập, sẽ có thể hiện diện ở Cuba. Hàn Quốc cũng đã có mặt ở Cuba trước đây và có ảnh hưởng nhất định thông qua du lịch cũng như cộng đồng người Hàn Quốc tại đây. Khoảng 1.100 người gốc Hàn hiện đang sống ở Cuba. Trong thời kỳ trước đại dịch COVID-19, trung bình có 14.000 người Hàn Quốc đến thăm quốc đảo này mỗi năm.
Lim Soosuk, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, cho biết việc mở rộng quan hệ với Cuba sẽ mang lại cơ hội kinh doanh mới cho các công ty Hàn Quốc và tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ nước này cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho công dân của mình tại quốc gia đó. Ông Lim kết luận: “Trong tương lai, chính phủ của chúng tôi sẽ tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận sâu hơn với chính phủ Cuba để thúc đẩy tình hữu nghị”.