Máy bay chiến đấu Tu-22M3 của Nga tại căn cứ không quân Hamedan ở Iran. Ảnh: Tasnim/TTXVN |
Không kích một loạt mục tiêu của các tổ chức khủng bố
Ngày 22/8, Iran cho biết Nga đã ngừng sử dụng căn cứ không quân Hamedan ở nước này để tiến hành các vụ oanh kích nhằm vào một loạt mục tiêu của các tổ chức khủng bố ở Syria.
Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Bahram Qasemi cho biết Nga không có căn cứ ở Iran và không đóng quân tại đây và hoạt động này của Nga tại căn cứ này hiện đã kết thúc.
Trước đó, ngày 16/8, Bộ Quốc phòng Nga thông báo ngay sau khi được chính phủ Iran cho phép sử dụng căn cứ không quân Hamedan để tiến hành các vụ oanh kích nhằm vào một loạt mục tiêu của các tổ chức khủng bố trên lãnh thổ Syria, các máy bay ném bom cường kích Tu-22M3 và tiêm kích Su-34 của Nga đặt tại căn cứ này đã cất cánh và đồng loạt tiến hành không kích nhằm vào sào huyệt của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và tổ chức khủng bố Mặt trận Al-Nusra ở ba tỉnh, thành phố nằm ở phía Bắc và phía Đông Syria gồm Aleppo, Deir Ezzor và Idlib.
Đây là lần đầu tiên quân đội Nga sử dụng căn cứ của một quốc gia ngoài Syria kể từ khi phát động chiến dịch không kích IS và phiến quân để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad hồi tháng 9/2015. Đây cũng là lần đầu tiên Iran cho phép một lực lượng quân sự nước ngoài sử dụng lãnh thổ của mình làm bàn đạp tấn công kể từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Những ngày sau đó, các máy bay tiêm kích Su-34 của Nga đặt tại căn cứ Hamedan đã liên tiếp tiến hành các cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu của các tổ chức khủng bố tại Syria.
Ngày 21/8, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định chiến dịch đã thành công, các vụ oanh kích của không quân Nga đã phá hủy 5 trung tâm chỉ huy, 5 kho chứa vũ khí, đạn dược, nhiên liệu, một số trại huấn luyện của phong trào thánh chiến Jihad gần Aleppo, Deir Ezzor và Idlib, các doanh trại huấn luyện dã chiến lớn của IS thuộc tỉnh Deir Ezzor và tiêu diệt một lượng lớn phiến quân, trong đó có cả các tay súng nước ngoài.
Bước đi hiệu quả
Sự kiện Nga sử dụng căn cứ không quân Hamedan của Iran để tiến hành oanh kích một loạt mục tiêu của các tổ chức khủng bố trên lãnh thổ Syria, được coi là bước chuyển chiến thuật không chỉ mang lại lợi thế lớn cho Moskva trong cuộc chiến chống khủng bố, mà còn góp phần làm thay đổi cục diện ở Trung Đông.
Chiến dịch không kích của Nga chống IS tại Syria theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong gần một năm qua đã đem lại kết quả rõ rệt, giúp Damacus đẩy lùi được lực lượng khủng bố, giành lại nhiều vùng lãnh thổ và có thể "rảnh tay" bắt đầu triển khai các bước đi nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn 5 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.
Vai trò của Nga trong vấn đề Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung ngày càng được khẳng định. Bởi vậy, việc Nga sử dụng căn cứ của Iran tấn công các mục tiêu IS tại Syria một lần nữa cho thấy Moskva đang giữ thế chủ động tại khu vực chiến lược này.
Theo giới phân tích, việc Nga đạt được thỏa thuận với Iran về sử dụng sân bay Hamadan cho các máy bay cất cánh và oanh kích các mục tiêu IS trên lãnh thổ Syria cho phép Moskva giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, qua đó nâng cao đáng kể hiệu quả cuộc chiến chống khủng bố.
Khoảng cách từ sân bay Hamadan đến biên giới Syria chỉ dài khoảng 700 km nên máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Nga có thể vận chuyển tới 22 tấn bom trong mỗi lần xuất kích. Lợi thế về khoảng cách cùng với khả năng chiến đấu được nâng lên giúp Nga dễ dàng và chủ động hơn trong các cuộc tấn công nhằm vào những cơ sở khủng bố ở Syria.
Chiến thuật trên còn là một phần dự án quy mô lớn của Nga nhằm xây dựng một liên minh chống khủng bố tại Syria nói riêng và khu vực nói chung do Moskva đứng đầu. “Cái bắt tay” nồng ấm giữa Moskva và Tehran đang làm thay đổi mạnh mẽ các hoạt động chiến lược tại “chảo lửa” Trung Đông.
Trên thực tế, từ lâu, Nga, Syria, Iran và Iraq đã hợp tác khá chặt chẽ trong một liên minh chống IS thông qua việc chia sẻ thông tin tình báo và an ninh. Theo chuyên gia bình luận quân sự Nga Viktor Litovkin, việc Tehran cho phép Moskva triển khai máy bay chiến đấu trên lãnh thổ nước này không chỉ mang yếu tố quân sự mà còn mang ý nghĩa địa chính trị quan trọng.
Với động thái trên, Tehran đã công khai và chủ động tham gia cuộc chiến chống khủng bố và trở thành đồng minh, là đối tác địa - chính trị quan trọng nhất của Nga trong khu vực, bởi hai nước cùng có nhiều lợi ích chung ở Trung Đông. Việc Nga là nước đầu tiên được sử dụng căn cứ quân sự tại Iran cho thấy sự tin cậy giữa hai nước.
Hơn nữa, sự liên minh Nga - Iran trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria cũng có ý nghĩa quan trọng cả về ngoại giao, củng cố vị thế của cả hai nước này trong cuộc chiến ở Syria cũng như trong các vấn đề khu vực.
Quyết định của Nga ngừng sử dụng căn cứ không quân Hamedan sau một tuần tiến hành oanh kích nhằm vào một loạt mục tiêu của các tổ chức khủng bố ở Syria đã cho thấy bước đi đầy hiệu quả của Moskva. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy chiến dịch chống khủng bố tại Syria đạt hiệu quả hơn, mà còn cho thấy bước tiến mới trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Tehran và Moskva.