Bốn loại vũ khí mới được Triều Tiên trình làng và thông điệp phía sau

Việc phô diễn bốn loại vũ khí tiên tiến giống như "một lời nhắn nhủ có chủ ý rằng, nếu nỗ lực ngoại giao thất bại, Triều Tiên sẽ chỉ mạnh hơn và nhiều năng lực hơn so với 4 năm trước”.

Chú thích ảnh
Người dân Hàn Quốc xem bản tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên tại Nhà ga Seoul ngày 6/8/2019. Ảnh: Getty Images

Theo trang mạng The Atlantic, đã gần 6 tháng kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội, hai bên vẫn chưa thể đi đến một thoả thuận hạt nhân. Thậm chí, các vòng đàm phán cấp chuyên viên cũng chưa thể nối lại như cam kết.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Triều Tiên đã trình làng không dưới bốn loại vũ khí tiên tiến mới. Qua các tuyên bố và năm vụ thử tên lửa trong vòng một tháng qua, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giới thiệu hai loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn khác nhau, một bệ phóng rocket đa nòng và một tàu ngầm có thể phóng tên lửa hạt nhân từ những vị trí nằm sâu dưới lòng đại dương. Ông Kim Jong-un có nhiều lý do để cho sản xuất các vũ khí mới, từ các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc đến những nỗ lực ngoại giao "lúc tích cực, lúc bế tắc" với Mỹ.

Trong khi đó, giới phân tích lo ngại rằng tốc độ gia tăng của các vụ thử tên lửa và tiết lộ về vũ khí mới đồng nghĩa với cơ hội Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên đang tuột dốc. “Đó là một lời nhắc nhở có chủ ý rằng nếu ngoại giao thất bại, Triều Tiên sẽ chỉ mạnh hơn và nhiều năng lực hơn so với bốn năm trước đây”, trang The Atlantic dẫn lời Martin Lindsey Ford, cựu chuyên gia an ninh châu Á tại Bộ Quốc phòng Mỹ, phát biểu.

Năm 2017, ngay trong năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cho thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), mà trên lý thuyết, có thể mang đầu đạn hạt nhân đến lục địa Mỹ. Sau đó đã có một thời kỳ tạm dừng trong suốt cả năm 2018 khi Triều Tiên bắt đầu các cuộc đàm phán ngoại giao với Hàn Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm vũ khí đã được nối lại vào đầu năm nay, làm gia tăng lo ngại cánh cửa ngoại giao có thể sẽ đóng lại.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 2/2019. Ảnh: Reuters

Sau đây là bốn loại vũ khí mà Triều Tiên mới phô diễn:

1. Tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23

Tháng Năm vừa qua, Triều Tiên lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa KN-23, có tầm bắn khoảng 450km và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Một vũ khí như vậy sẽ đặt phần lớn Hàn Quốc và Nhật Bản vào nguy hiểm vì lãnh thổ hai nước này nằm trọn trong tầm bắn của KN-23.

Tên lửa đạn đạo bay theo hình parabol, tức là có phần lớn quỹ đạo sau khi phóng tuân theo các nguyên tắc đường đạn học. Về lý thuyết, tên lửa đạn đạo bay không điều khiển nên hệ thống phòng thủ tên lửa dễ đánh chặn hơn so với tên lửa hành trình, vốn có thể điều khiển đường bay.

Nhưng KN-23 lại bay thấp hơn hầu hết các tên lửa đạn đạo thông thường và có cánh cho phép nó đổi đường bay, qua đó tăng khả năng đánh trúng mục tiêu và tránh các hệ thống đánh chặn.

“KN-23 là một cơn ác mộng đối với hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực”, ông Vipin Narang, một chuyên gia hạt nhân tại MIT, nói với The Atlantic. Điều khiến tên lửa trở nên nguy hiểm hơn là nó có thể được bắn từ một bệ phóng di động, khiến khả năng dự đoán thời điểm và mục tiêu của nó gần như là không thể.

Chú thích ảnh
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23 trong ảnh vụ phóng thử ngày 25/7/2019. Ảnh: KCNA

Triều Tiên đã thử nghiệm loại tên lửa này bốn lần trong năm nay, và lần gần đây nhất là vào ngày 5/8, tất cả các lần thử đều thành công. Do đó, không thể phủ nhận nguy cơ vũ khí này có thể được Bình Nhưỡng sử dụng để tấn công các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản - và chính lực lượng Mỹ đóng quân ở các quốc gia này – nếu nổ ra chiến tranh.

2. Tàu ngầm có thể phóng tên lửa hạt nhân

Trong tháng 7, Bình Nhưỡng đã công bố ba tấm ảnh cho thấy Chủ tịch Kim Jong-un đang đứng trước một chiếc tàu ngầm khổng lồ bên trong một xưởng đóng tàu. Các chuyên gia cho biết tàu ngầm này đủ lớn để có thể mang theo tên lửa hạt nhân, cho phép nhà lãnh đạo Triều Tiên ra lệnh tấn công hạt nhân từ các địa điểm dưới nước không xác định.

Mặc dù không có bức ảnh nào chứng minh chắc chắn con tàu có thể phóng tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân – vì chúng đã bị cúp (crop) để không thể nhìn thấy phần trên nơi bố trí ống phóng tên lửa. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Triều Tiên có lẽ chỉ quan tâm đến việc phát triển tàu ngầm nếu nó có khả năng hạt nhân.

Chú thích ảnh
Một trong ba bức ảnh do Triều Tiên công bố, ghi lại cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un đứng cạnh chiếc tàu ngầm khổng lồ đang được đóng. Ảnh: KCNA/Reuters

Các chuyên gia cũng tin rằng tàu ngầm trong loạt ảnh nói trên vẫn là một nguyên mẫu chưa được thử nghiệm và đang được chế tạo, tuy nhiên nó cũng cho thấy Triều Tiên đang dần cải thiện khả năng đe dọa Mỹ và đồng minh từ các địa điểm khó phát hiện hơn.

Điều này có nghĩa là trong kịch bản khó xảy ra khi Mỹ và Triều Tiên rơi vào chiến tranh hạt nhân, Washington sẽ khó khăn hơn nếu muốn phá hủy được tàu ngầm trước khi nó phóng vũ khí hạt nhân vào Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc thậm chí tới Mỹ.

3. Hệ thống phóng rocket đa nòng cỡ lớn

Hai tuần trước, ngày 2/8, Triều Tiên tuyên bố rằng họ đã hai lần thử nghiệm một hệ thống phóng loạt rocket (hoả tiễn) mới, cả hai đều mang lại cho Chủ tịch Kim Jong-un “sự hài lòng tuyệt vời”, theo Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA).

Chú thích ảnh
Ông Kim Jong-un trực tiếp chỉ đạo vụ phóng thử hệ thống phóng tên lửa đa nòng cỡ lớn mới do Triều Tiên vừa chế tạo - Ảnh: Rodong Shinmun
Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Triều Tiên thị sát bệ phóng tên lửa đa nòng mới, đã được xoá nhoà trong bức ảnh do tờ Rodong Shinmun công bố. 

Không có gì ngạc nhiên tại sao loại vũ khí này có khả năng phóng rocket đi sâu khoảng 250km vào lãnh thổ Hàn Quốc, xa hơn khoảng 60kmm so với một hệ thống cũ.

Khả năng này sẽ cho phép Triều Tiên tấn công sâu hơn vào lãnh thổ nước láng giềng phía Nam, đẩy các lực lượng quân đội và vũ khí của đối phương vào rủi ro lớn hơn

Thậm chí kịch bản còn tồi tệ hơn: Các tên lửa được phóng từ hệ thống trên dường như có cánh ở phần mũi, cho thấy rằng chúng thực sự có thể hoạt động giống như tên lửa có dẫn đường. Nếu đúng là vậy thì Triều Tiên có khả năng bắn ra hàng loạt hoả tiễn giống như tên lửa, gần như chắc chắn trúng mục tiêu ngay bên kia biên giới với Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng đã nỗ lực che giấu một số chi tiết cụ thể của hệ thống rocket đa nòng mới nói trên. Trong một đoạn video, được truyền thông Triều Tiên công bố và được trang tin độc lập NK News đăng tải ngày 1/8, cho thấy hình ảnh cuộc thử nghiệm nhưng chỉ xuất hiện từng phần bộ phận của vũ khí. Điều đó có thể chỉ ra rằng nó vẫn chưa được hoàn thiện, hoặc đơn giản là Triều Tiên không muốn các đối thủ biết nhiều về vũ khí mới của họ.

4. Một tên lửa tầm ngắm chưa được xác định

Ngày 11/8 vừa qua, Triều Tiên cho biết họ đã thử nghiệm một tên lửa tầm ngắn hoàn toàn mới. Theo các phương tiện truyền thông nhà nước, Chủ tịch Kim Jong-un đã trực tiếp thị sát cuộc thử nghiệm.

Chú thích ảnh
Hình ảnh vụ phóng tên lửa tầm ngắn mới của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về loại vũ khí được cho là mới này, mặc dù các chuyên gia có lưu ý một vài điều quan trọng. Trước hết, nó được phóng từ một bệ phóng di động, khiến nó khó bị theo dõi. Thứ hai, nó sử dụng nhiên liệu rắn, có nghĩa là không mất nhiều thời gian khởi động và do đó có thể được bắn nhanh hơn. Thứ ba, tên lửa này có tầm bắn 400km hoặc xa hơn, chỉ ngắn hơn một chút so với tên lửa KN-23.

Xem video hình ảnh tổng hợp các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên (Nguồn: SCMP)

Các chuyên gia không chắc chắn tại sao Triều Tiên lại cần hai loại tên lửa tầm ngắn vì chúng thực hiện cùng một nhiệm vụ. Một giả thuyết cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã khuyến khích các nhóm riêng biệt phát triển vũ khí mới và cả hai đều thành công.

Dù lý do là gì đi nữa, kết quả của các cuộc thử vũ khí cho thấy những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm dỡ bỏ kho vũ khí của Triều Tiên đang gặp trở ngại lớn. Câu hỏi đặt ra là với những màn thị uy sức mạnh vừa qua, Triều Tiên đang muốn phát đi thông điệp gì?

Theo các chuyên gia, có ba lý do để Triều Tiên phô diễn sức mạnh quân sự.

Thứ nhất, Tổng thống Trump tiếp tục nói rằng ông thấy bình thường khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm ngắn, miễn là Bình Nhưỡng không kích nổ vũ khí hạt nhân hoặc thử tên lửa có thể tấn công Mỹ. “Tôi không có vấn đề gì. Đây là những tên lửa tầm ngắn”, ông Trump nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng hôm 1/8 về các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên đã nghe rất rõ thông điệp đó. “Ngay cả tổng thống Mỹ cũng đưa ra một nhận xét có hiệu lực công nhận quyền tự vệ của một quốc gia có chủ quyền, nói rằng đó là một vụ thử tên lửa nhỏ mà rất nhiều quốc gia thực hiện”, ông Kwon Jong Gun, người phụ trách các vấn đề Mỹ tại Bộ Ngoại giao Triều Tiên viết trong một bài báo gần đây cho KCNA.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chứng kiến vụ thử vũ khí mới, trong bức ảnh do KCNA công bố ngày 11/8.

Thứ hai, Triều Tiên thể hiện phản ứng tức giận với Seoul và Washington. Tuyên bố từ một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên hồi đầu tháng này đã chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc xung quanh việc tổ chức tập trận quân sự chung. “Bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại của chúng tôi, chính quyền Mỹ và Hàn Quốc cuối cùng đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự nhắm vào CHDCND Triều Tiên”, người phát ngôn trên cho biết. Bình Nhưỡng coi các cuộc tập trận là sự chuẩn bị cho chiến tranh và có lẽ là tiền đề của một cuộc xâm lược.

Thứ ba, nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn ông Trump biết rằng thời gian để thực hiện một thỏa thuận hạt nhân sắp hết. Hai nước đã bế tắc trong nhiều tháng vì một vấn đề cốt lõi: Bình Nhưỡng muốn Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt trước khi họ từ bỏ một số vũ khí của mình, còn Tổng thống Trump lại muốn Chủ tịch Kim Jong-un phải từ bỏ gần như toàn bộ kho hạt nhân, trước khi Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Kết quả là hai bên kẹt trong bế tắc.

Bằng cách phô diễn vũ khí mới, ông Kim Jong-un một phần tìm cách gây sức ép buộc ông Trump trao cho Triều Tiên những gì họ muốn. “Từ lâu Triều TIên đã có vị thế đàm phán mạnh hơn”, ông Mintaro Oba, người từng phụ trách các vấn đề Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét. “Chiến dịch gây áp lực của Triều Tiên xoay quanh việc sử dụng thời gian, công nghệ tiên tiến, và khai thác các điểm khác biệt từ Mỹ và Hàn Quốc để đồng thời khiến chương trình hạt nhân Triều Tiên có vẻ mạnh hơn, và tạo ra cảm giác cấp bách đằng sau việc đạt được một thoả thuận”.

Tuy nhiên, ông Oba lưu ý rằng hành động phô diễn sức mạnh quân sự trong thời gian Mỹ - Hàn tập trận là một phần trong chiến thuật của Triều Tiên. Vì vậy, nó cũng không hoàn toàn chỉ ra rằng chính sách ngoại giao hạt nhân của Tổng thống Trump đang thất bại.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Triều Tiên thăng quân hàm cho 103 nhà khoa học tham gia phát triển vũ khí mới
Triều Tiên thăng quân hàm cho 103 nhà khoa học tham gia phát triển vũ khí mới

Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn truyền thông Nhà trước Triều Tiên ngày 13/8 đưa tin Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thăng quân hàm cho các nhà khoa học có những đóng góp phát triển các vũ khí mới và củng cố nền quốc phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN