Stephen Biegun – nhà ngoại giao cấp cao dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên – đang được Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc bổ nhiệm vào vị trí đại sứ tại Nga bị khuyết sau khi ông Jon Huntsman tuyên bố từ chức hồi tuần trước.
Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc từ chức của Đại sứ Mỹ tại Moskva, ông Jon Huntsman, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 3/10 sau 2 năm tại vị, trong bối cảnh xuất hiện nhiều tin đồn ông từ chức để lên kế hoạch tranh cử vị trí thống đốc bang Utah.
Ngày 6/8, Đại sứ Jon Huntsman đã gửi thư từ chức cho Tổng thống Trump, bày tỏ hy vọng có đủ thời gian cho người kế nhiệm được đề cử và thông qua, đồng thời cam kết trong việc tạo điều kiện cho việc thay thế được diễn ra suôn sẻ, đảm bảo các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ được giữ đúng trọng tâm.
Theo hai nguồn tin nắm rõ các cuộc thảo luận nội bộ trong Nhà Trắng, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên – ông Biegun – rất có thể là ứng viên tiềm năng mà Tổng thống Trump lựa chọn. Hiện nhà ngoại giao Biegun và Bộ Ngoại giao đều chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố phản hồi nào về thông tin đăng trên các báo.
Reuters nhận định nếu ông Biegun - cũng một chuyên gia về Nga - được bổ nhiệm vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Moskva, động thái này sẽ để lại lỗ hổng đáng kể trong nỗ lực của Washington nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, vốn trì hoãn lâu nay bất chấp cam kết mà lãnh đạo hai nước đạt được tại các cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore và Khi phi quân sự liên Triều (DMZ).
Trước đó, Đặc phái viên Biegun được coi là một trong những trợ thủ đắc lực của Tổng thống Trump, góp phần xây dựng các cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều. Trong cuộc gặp vào cuối tháng 6 tại khu phi quân sự Panmunjom ngăn cách hai miền Triều Tiên, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un nhất trí nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có lịch trình nào được công bố.
Ngày 10/8, Tổng thống Trump cho biết người đồng cấp Triều Tiên nói với ông ấy rằng quốc gia Đông Bắc Á này sẵn sàng đối thoại và ngưng các vụ phóng thử tên lửa gần đây ngay khi Mỹ-Hàn chấm dứt tập trận chung.
Cùng ngày, Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu triển khai tập trận chủ yếu tập trung vào hoạt động mô phỏng trên máy tính kéo dài 10 ngày – một hình thức thay thế các cuộc tập trận quy mô lớn thường niên trước đây khiến đàm phán Bình Nhưỡng và Washington gặp bế tắc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 7/8 cho biết ông hy vọng các cuộc đàm phán cấp chuyên viên sẽ triển khai trong những tuần tới.
Trước khi nhận vị trí Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, ông Biegun là Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ quốc tế của tập đoàn ô tô Ford. Ông có hàng chục năm kinh nghiệm làm một nhân viên quốc hội và là trợ lý chính sách đối ngoại của Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush.
Nhà ngoại giao 56 tuổi từng tốt nghiệp ngành khoa học chính trị và ngôn ngữ Nga tại Đại học Michigan và là Giám đốc Viện Cộng hòa Quốc tế tại Moscow từ 1992-1994. Ông cũng nằm trong hội đồng quản trị của Tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Phát triển kinh tế và luật pháp Mỹ-Nga.