Biển Đông ổn định là lợi ích chung của các nước

Tuần này, những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông tiếp tục là chủ đề được thu hút sự quan tâm của dư luận khu vực và quốc tế. Đặc biệt, đây cũng là chủ đề chính của Cuộc họp quan chức cấp cao (SOM) Diễn dàn khu vực ASEAN (ARF) cùng các hội nghị liên quan như SOM ASEAN, SOM ASEAN+3 (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), SOM Cấp cao Đông Á (EAS) và Đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 27. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam làm trưởng đoàn, tham dự các sự kiện.

Hâm nóng nghị sự SOM

SOM ARF với sự tham dự của đại diện 27 nước tham gia ARF cùng EU và Ban Thư ký ASEAN. Hội nghị đã tập trung trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, kiểm điểm các hoạt động hợp tác ARF trong năm qua, và bàn việc chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng ARF vào đầu tháng 8/2014.

Trong những vấn đề được trao đổi tại hội nghị, vấn đề Biển Đông được các nước đặc biệt quan tâm. Các nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp và căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông, nhấn mạnh việc phải thực hiện kiềm chế, phê phán mạnh mẽ việc sử dụng những hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC, sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hội nghị SOM ASEAN+3. Ảnh: AFP/TTXVN


Hành động ngang ngược, cố ý vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou-981) và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng đặc biệt được quan tâm tại cuộc họp Đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 27.

Phía Mỹ khẳng định ủng hộ các quan điểm của ASEAN như được thể hiện trong Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5 vừa qua, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng gia tăng, đã ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, và an ninh, an toàn hàng hải của khu vực. Mỹ phản đối các hành động đơn phương, sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng, áp đặt yêu sách chủ quyền lãnh thổ; theo đó, ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc về việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 cùng các thỏa thuận liên quan như DOC và hướng tới COC.

Tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về những vụ việc phức tạp nêu trên và nhấn mạnh việc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC, yêu cầu thực hiện kiềm chế, không được có các hành động làm phương hại hòa bình và ổn định ở khu vực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực.

Theo giới phân tích, tinh thần thống nhất, sự đồng tâm nhất trí này trái ngược với việc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 tại Phnom Penh cách đây hai năm đã không thể ra được tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông. Nhiều chuyên gia cho rằng điều này cho thấy ASEAN, đặc biệt là các nước tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, đã ý thức được sự cần thiết phải thống nhất lập trường chung mạnh mẽ hơn nữa trong phản ứng với các hành động mang tính bá quyền, bành trướng lãnh thổ - lãnh hải của Trung Quốc.

Quốc tế tiếp tục đồng thuận

Trong khi đó, sự hiện diện trái phép của giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tiếp tục vấp phải sự phản đối của các thể chế đa phương và dư luận quốc tế.

Ngày 10/6, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ đã gặp Ngài John Ashe, Chủ tịch Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ (Khóa 68) để tiếp tục trao đổi ý kiến về hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Chủ tịch ĐHĐ John Ashe bày tỏ và chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình đang diễn ra tại Biển Đông, ủng hộ chủ trương của Việt Nam nhằm tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng hiện nay theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Ông cũng cho rằng các bên liên quan không nên có các hành động đơn phương làm căng thẳng gia tăng. Chủ tịch ĐHĐ cho biết văn phòng của ông theo dõi sát sao tình hình và khẳng định ông luôn sẵn sàng hỗ trợ các bên giải quyết tình hình hiện nay.

Đánh giá về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Tiến sĩ Edward Miller, giảng viên về lịch sử quan hệ đối ngoại của Mỹ và lịch sử Việt Nam tại Đại học Dartmouth (bang New Hamshire - Mỹ), cho rằng lợi thế của Việt Nam hiện nay là sự ủng hộ của công luận quốc tế.

Tiến sĩ Edward Miller cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan không vì mục đích kinh tế mà ẩn sau nó là động cơ chính trị. Bắc Kinh đang sử dụng ưu thế vượt trội về quân sự để tìm cách thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Tuy nhiên, cái giá mà họ phải trả là uy tín của nước này trên trường quốc tế.

Tiến sĩ Miller nhấn mạnh: "Về mặt công luận quốc tế, tôi cho rằng sự ủng hộ đang dành cho phía Việt Nam. Nhiều người nhìn vào các hành động của Trung Quốc không chỉ tại Biển Đông mà cả biển Hoa Đông đều thấy rằng Bắc Kinh đang theo đuổi mô hình bành trướng trên biển. Điều đó khiến cộng đồng quốc tế nghi ngờ Trung Quốc. Do đó, lợi thế của Việt Nam là tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để giải quyết xung đột". Ngoài ra, tiến sĩ Miller cũng cho rằng Biển Đông là nơi nhiều nước có lợi ích về thương mại và tự do hàng hải nên Việt Nam có thể tận dụng điều đó để quốc tế hóa vấn đề hiện nay nhằm gia tăng sức ép của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc.

Tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và vùng biển của mình, song kiên trì đối thoại và sử dụng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Phát biểu tại Hội nghị SOM, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, mối quan tâm chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Thứ trưởng kêu gọi các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế tiếp tục phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc, yêu cầu phải triệt để tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS, thực hiện nghiêm túc DOC và sớm tiến tới COC.


Phương Hồ
Một cái nhìn Nga khác về xung đột biển Đông
Một cái nhìn Nga khác về xung đột biển Đông

Tờ báo độc lập “Nước Nga Xô-viết” đăng bài báo “Việt Nam không phải là Crimea” của ông Vladimir Mazyrin, giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN và Việt Nam thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN