Xâm chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao nhà” theo đường biên giới biển hình lưỡi bò; khẳng định, tranh giành chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tiến tới chiếm đóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa bằng vũ lực... là chủ trương chiến lược nhất quán và không thay đổi của Trung Quốc.
Bản đồ The Peoples of China, do National Geographic Society ấn hành tại Washington (Hoa Kỳ), năm 1980. (Trần Thắng - Việt kiều tại Mỹ sưu tầm và tặng). |
1. Sau thời gian dài “bế quan tỏa cảng”, từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc bắt đầu dòm ngó và tranh chấp Biển Đông, bước đầu là khu vực biển đảo phía Bắc, đến giữa thế kỷ hình thành yêu sách trên toàn bộ Biển Đông với các mốc lớn:
- Năm 1909 ra Hoàng Sa.
- Năm 1948 vẽ yêu sách “lưỡi bò” (chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông) đồng thời ra chiếm giữ nhóm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình ở Trường Sa;
- Năm 1956, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đóng giữ phần phía Đông của Hoàng Sa, Đài Loan tái chiếm giữ đảo Ba Bình ở Trường Sa;
- Năm 1958 Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố chính thức yêu sách chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa;
- Năm 1974 chiếm phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa;
- Năm 1988 đánh chiếm một số điểm trên quần đảo Trường Sa;
- Năm 1995 đánh chiếm thêm Vành Khăn, phía Đông-Nam quần đảo Trường Sa.
Từ những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu xây dựng và triển khai chiến lược biển mới, đẩy mạnh sự kiểm soát và khai thác các vùng biển gần và vươn ra các đại dương. Năm 1995, Trung Quốc đưa ra “Chiến lược khai thác biển” với mục tiêu biến Trung Quốc thành một cường quốc thế giới về biển; có khả năng kiểm soát và khống chế đường biển, khai thác tài nguyên biển. Về khai thác tài nguyên, Trung Quốc chủ trương “Khai thác biển xa trước, biển gần sau, biển có tranh chấp trước, biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sau”, “ngoại giao đi trước, hải quân đi sau”, “văn công, vũ vệ”; phân hóa, chia rẽ ASEAN, tranh thủ và hạn chế Mỹ, Nhật. Hướng chính ra biển của Trung Quốc là Biển Đông nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, các nước lớn không còn căn cứ quân sự và các nước nhỏ liên quan đều yếu về quân sự.
2. Để thực hiện chiến lược biển của mình, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã ráo riết tính toán triển khai nhiều biện pháp đối nội và đối ngoại, trên bàn đàm phán và trên thực địa để khẳng định chủ quyền của mình:
a. Đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền biển, giáo dục ý thức "quốc gia hải dương", khẳng định các yêu sách chủ quyền biển. Báo chí Trung Quốc đăng một cách có hệ thống các bài viết kích động dư luận, vu cáo các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, chiếm đoạt tài nguyên biển của Trung Quốc. Trung Quốc đã nhiều lần xuất bản các loại bản đồ, ấn phẩm, tổ chức thi quốc tế và cung cấp bản đồ trên internet liên quan đến chủ quyền biển của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã tích cực thu thập các loại tài liệu, xây dựng các chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Trung Quốc. Lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc đã nhiều lần trực tiếp tham gia vào các hoạt động tuyên truyền này.
b. Trung Quốc khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò", theo đó đòi hỏi chủ quyền hai quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa) và “Nam Sa” (Trường Sa) và “vùng đặc quyền kinh tế" và "thềm lục địa riêng" của hai quần đảo này. Trung Quốc vận dụng quy chế quốc gia quần đảo của Công ước Luật Biển năm 1982 để vạch đường cơ sở quần đảo cho quần đảo Hoàng Sa, tuyên bố sẽ vạch tiếp cho Trường Sa, để từ đó đòi hai quần đảo này cũng có vùng "đặc quyền kinh tế" và "thềm lục địa" riêng, tạo bộ mặt pháp lý hợp thức hơn cho yêu sách chủ quyền.
c. Ráo riết tiến hành công tác xây dựng pháp luật về biển để làm cơ sở pháp lý triển khai chiến lược biển.
d. Ra sức tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là không quân và hải quân (tàu sân bay, tàu ngầm, tàu khu trục tên lửa, máy bay SU 27, SU 30, tiếp dầu trên không, tổ chức tập trận hải quân với Nga). Trong nhiều vụ việc, Trung Quốc không ngần ngại sử dụng lực lượng quân sự trong việc giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng. Trên Biển Đông, Trung Quốc đã ba lần sử dụng vũ lực để chiếm đóng thêm các đảo mới.
e. Củng cố và mở rộng các vị trí đã chiếm đóng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã xây dựng cảng, đường băng sân bay dài trên 2.500 mét ở Hoàng Sa và biến Hoàng Sa trở thành căn cứ hải, lục, không quân và tàu ngầm mạnh, trong thời gian ngắn đã xây dựng các bãi cạn và bãi ngầm mà họ chiếm đóng ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo và căn cứ vững chắc. Trung Quốc cũng luôn để ngỏ khả năng mở rộng chiếm đóng mới, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra khảo sát tìm kiếm thăm dò tài nguyên; sử dụng lực lượng quân sự mạnh để hỗ trợ, bảo vệ hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trên biển, phát triển trang thiết bị cảnh giới biển và công nghệ khai thác biển sâu.
g. Thực hiện chính sách vừa lôi kéo, vừa chia rẽ các nước ASEAN, dùng nước này ép nước kia; hạn chế vai trò và ảnh hưởng của các nước lớn khác như Mỹ, Nhật; tập trung mũi nhọn sức ép vào Việt Nam, cho Việt Nam là đối tượng chính, áp dụng thủ thuật "ngoại giao cấp cao”, “đại cục quan hệ”, “trả đũa mạnh” để hạn chế phản ứng của Việt Nam. Khi ký và tham gia vào Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với ASEAN, Trung Quốc đã cố gắng đưa vào các bổ sung để bảo đảm không gây cản trở đến việc thực hiện ý đồ "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc, cản trở quá trình xây dựng Bộ Luật ứng xử (COC), không để ASEAN đoàn kết với nhau trong diễn đàn DOC chống Trung Quốc, tìm cách gạt bỏ chủ đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của ARF, phong trào không liên kết. Đối với các nước trong khu vực, Trung Quốc dùng viện trợ kinh tế, lợi dụng khó khăn về năng lượng và sự giảm sút ảnh hưởng của Mỹ để lôi kéo, ký thỏa thuận song phương, gây sức ép, phân hóa...
h. Kiên trì vận động và thúc ép mạnh mẽ các nước trong khu vực thực hiện chủ trương "Gác tranh chấp, cùng khai thác".
3. Khả năng xảy ra xung đột vũ trang do Trung Quốc gây ra để thực hiện chủ trương chiến lược của mình trong Biển Đông là hoàn toàn có căn cứ, được chứng minh trong quá trình lịch sử. Khả năng này có trở thành hiện thực được hay không, vào thời điểm nào và ở qui mô như thế nào là phụ thuộc vào cán cân sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị… của các nước có liên quan trong khu vực và quốc tế. Trước mắt, chủ trương của Trung Quốc là từng bước tăng cường, mở rộng khả năng kiểm soát, khống chế và tranh giành lợi ích tài nguyên ở Biển Đông, dùng vị thế ở Biển Đông để răn đe các nước trong khu vực, phá thế bao vây, cô lập cửa Mỹ, Nhật… Tuy nhiên, trong vòng 5 - 10 năm tới, Trung Quốc cũng rất cần môi trường quốc tế hòa bình, ổn định để thực hiện chiến lược “trỗi dậy hòa bình”, “chấn hưng Trung Hoa”. Vì vậy, Trung Quốc phải cân nhắc, tính toán đến lợi ích và phản ứng của các cường quốc có liên quan và tác động của sách lược duy trì quan hệ chính trị, hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng.
Hiện nay, Trung Quốc đang tính toán các bước đi thực tế, cụ thể để triển khai chiến lược biển của mình. Trước mắt, họ ráo riết triển khai các hoạt động kiểm soát, thăm dò, khai thác tài nguyên trên Biển Đông. Trên phương diện tuyên truyền, ngoại giao, pháp lý, Trung Quốc đề xuất và tô vẽ cho sách lược “gác tranh chấp, cùng khai thác”.
Có thể nói, đây là một đòn hiểm độc, là cái bẫy pháp lý mà Trung Quốc giăng ra để giành lấy sự mặc nhiên thừa nhận cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như đối với hầu hết Biển Đông, nếu các nước ủng hộ hoặc chấp nhận, dù chỉ là về nguyên tắc.
4. Trung Quốc cho rằng ASEAN cũng là một nhân tố bị chia rẽ và hướng nội và Trung Quốc có tầm ảnh hưởng rất lớn ở Đông Nam Á bởi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, các thỏa thuận thương mại tự do và khả năng đổi hướng các cuộc thảo luận của ASEAN thông qua Campuchia, Lào, Philippines…
Trung Quốc chủ trương: “Trên hết, chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy các quan hệ song phương đặc biệt và bác bỏ các nỗ lực của ASEAN thương lượng như một thực thể duy nhất trong bất cứ vấn đề gì, trừ các thỏa thuận kinh tế”.
Việt Nam là đối tượng chính, là rào cản chủ yếu đối với chiến lược biển đầy tham vọng của Trung Quốc trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai. Trong lịch sử tranh chấp Biển Đông. Việt Nam là quốc gia duy nhất phải đối đầu với các cuộc xâm chiếm bằng vũ lực của Trung Quốc. Sớm muộn, Việt Nam cũng sẽ phải đương đầu với các cuộc tranh cướp biển, đảo do phía Trung Quốc rắp tâm thực hiện, nhưng có thể dưới hình thức, quy mô khác trước. Để làm suy yếu Việt Nam một mặt, họ tìm cách cô lập và chia rẽ Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế có liên quan đến Biển Đông, bằng sách lược cổ truyền “chia để trị”, kiên quyết phản đối phương thức đàm phán đa phương, khăng khăng chỉ đàm phán song phương với từng nước, không chấp nhận một cơ chế giải quyết tranh chấp nào hiện đang được cộng đồng quốc tế thừa nhận và sử dụng một cách phổ biến…. Mặt khác, họ thường xuyên hàng năm đưa ra các lệnh, quyết định hành chính nhằm hạn chế hoặc cấm hoạt động dân sự, quân sự… của người và phương tiện trong một số khu vực Biển Đông nhằm thử nghiệm quyền lực của mình và cũng nhằm tạo ra “bằng chứng” cho việc thực hiện âm mưu giành sự công nhận trên thực tế yêu sách của họ trong Biển Đông.
TS Trần Công Trục