Trong hơn một tháng qua, kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam đã nỗ lực trao đổi, đối thoại với Trung Quốc nhiều lần, dưới nhiều hình thức và ở các cấp khác nhau; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, rút giàn khoan và các tàu hộ tống để hai bên trao đổi ngay các biện pháp ổn định tình hình và kiểm soát các vấn đề trên biển giữa hai nước. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực và thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc đã không những không dừng lại các hoạt động bất hợp pháp của mình mà còn phản ứng tiêu cực.
Coi thường luật pháp quốc tế
Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho biết: Đến nay, đã có trên 30 cuộc trao đổi các loại. Trên thực địa, các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam luôn hết sức kiềm chế, kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự kiềm chế và cách xử lý của Việt Nam; phê phán những hành động sai trái của Trung Quốc. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực và thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc đã không những không dừng lại các hoạt động bất hợp pháp của mình mà còn phản ứng tiêu cực, có những lời lẽ vu cáo, xuyên tạc, đổ lỗi cho Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, trên thực địa, Trung Quốc đã có hành động leo thang mới: Mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981, di chuyển đến vị trí mới nhưng vẫn nằm sâu 60 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; gia tăng tàu hộ tống các loại, trong đó có nhiều tàu quân sự (tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu săn ngầm, tàu đổ bộ và nhiều máy bay chiến đấu) đến hoạt động ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981.
Tàu Trung Quốc (trái) chủ động đâm va vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Ảnh: Sơn Bách - TTXVN |
Các tàu của Trung Quốc đã tiến hành vây hãm, chủ động tấn công, cố tình đâm va và dùng vòi rồng công suất cao phun vào các tàu dân sự cũng như tàu Cảnh sát biển của Việt Nam đang thực thi pháp luật trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; làm bị thương thêm một số cán bộ kiểm ngư của Việt Nam và gây hư hỏng nhiều tàu, thiết bị của các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt, ngày 26/5, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá số hiệu ĐNa 90152 của Việt Nam đang đánh bắt bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách giàn khoan 17 hải lý. Nghiêm trọng hơn, các tàu của Trung Quốc đã có hành vi vô nhân đạo, ngăn cản các tàu của Việt Nam đến cứu hộ các ngư dân của tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Ngày 1/6, tàu Trung Quốc đâm thủng tàu CSB 2016 của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên vùng biển của Việt Nam. Hành động nêu trên của Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, tự do và an ninh an toàn hàng hải trong khu vực; gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế; gây bất bình trong dư luận và nhân dân Việt Nam.
Kiên quyết đấu tranh
Ngày 4/6, lần thứ 3 Bộ Ngoại giao Việt Nam đã một lần nữa trao Công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc nghiêm túc tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Rút ngay giàn khoan, tàu và các phương tiện liên quan ra khỏi vùng biển của Việt Nam và không để tái diễn các hành vi tương tự. Đồng thời, yêu cầu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp trên biển, cũng như việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, thông qua đàm phán hoặc các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: Sau một tháng, mặc dù các tàu bảo vệ Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động ngăn chặn, cản phá quyết liệt, sẵn sàng đâm va, phun nước; song lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam đã vừa kiềm chế, vừa kiên quyết, kiên trì, thực hiện nghiêm đối sách, chủ động cơ động, vòng tránh trước hành động khiêu khích của các tàu Trung Quốc. Các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam không phun nước hay đâm vào các tàu bảo vệ, tàu cá của Trung Quốc, chỉ phát loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam. Lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tiếp tục đấu tranh kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã có mặt kịp thời tại hiện trường, ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam. Biện pháp chủ yếu là tiếp cận, sử dụng loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các lực lượng bảo vệ khỏi vùng biển Việt Nam. Tiến hành quay phim, chụp ảnh ghi lại các hành động của Trung Quốc trên hiện trường làm bằng chứng, tư liệu để đấu tranh với Trung Quốc trên tất cả các kênh. Các tàu Cảnh sát biển Việt Nam nhiều lần tiếp cận giàn khoan Trung Quốc tổ chức tuyên truyền bằng ba thứ tiếng (Việt Nam, Trung Quốc, Anh) yêu cầu các lực lượng Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế và các cơ quan truyền thông, trong nước và quốc tế với tinh thần công tâm, khách quan, tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc, bảo vệ chính nghĩa và công lý.
V.T