Trung Quốc bịa đặt ‘chủ quyền không tranh cãi’ với Hoàng Sa

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, mới đây đã có bài bình luận trên trang mạng Eurasia Review. Sau đây là một số nội dung chính trong bài viết:

Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam kéo dài hàng tháng nay đã cho thế giới thấy những hành động hung hăng, khiêu khích của Bắc Kinh, làm mất ổn định trong khu vực, đe dọa đến an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.

Nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan ngại đối với việc Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển Đông. Trong một bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp ở Học viện quân sự West Point, Tổng thống Obama thậm chí gọi vụ việc là một hành động gây hấn ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng cáo buộc Trung Quốc có những hành động gây bất ổn ở Biển Đông và cảnh báo rằng Washington sẽ không tiếp tục bị động nếu trật tự quốc tế bị đe dọa. Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, trong một hội nghị trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Nay Pyi Taw tháng trước, đã xem sự việc này là nguyên nhân gây nên mối quan ngại sâu sắc đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, Bắc Kinh bỏ qua những chỉ trích này và khăng khăng là họ đang tiến hành những hoạt động “thông thường trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.

Bắc Kinh biện minh rằng “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa”, nhưng từ rất nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ thứ 17, các nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền với hai quần đảo này từ khi còn là đất vô chủ. Các Nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình ở Trường Sa và Hoàng Sa một cách hòa bình, liên tục phù hợp với luật pháp quốc tế và không bị quốc gia nào phản đối. Trong thời kỳ Pháp thuộc, từ giữa thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ 20, Pháp đã nhân danh Nhà nước Việt Nam để tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối các yêu sách của các nước liên quan đối với hai quần đảo này.

Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ cho thấy biên giới phía nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam là hết. Ảnh: Vương Anh


Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa cũng như chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khi đó đều lên tiếng phản đối hành động đó của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa. Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là một hành vi phi pháp và không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc với Hoàng Sa. Thực tế là cho đến nay, không có một quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa là không có cơ sở bởi vì những hành động của những cá nhân Trung Quốc, những người tuyên bố là phát hiện ra quần đảo hoặc những người biết về quần đảo này, là không đủ để thiết lập quyền sở hữu theo luật pháp quốc tế. Trung Quốc không có bằng chứng nào cho thất họ nắm quyền sở hữu quần đảo Hoàng Sa trong suốt chiều dài lịch sử của họ. Không có một cuốn sách chính thức nào về lịch sử hoặc bản đồ của Trung Quốc ghi chép quần bảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc cho tới giữa thế kỷ 20. Trong tất cả những văn bản và bản đồ chính thức của Trung Quốc, điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam.

Lý do cho việc Trung Quốc trước đây không quan tâm tới việc giành được lãnh thổ trên biển có liên quan chặt chẽ tới văn hóa và lịch sử của nước này. Trung Quốc là cường quốc lục địa nên họ không quan tâm đến biển. Trong hàng ngàn năm, Trung Quốc luôn xem biển là một nơi của nạn cướp biển và sự đe dọa. Vì vậy, nhiều triều đại ở Trung Quốc, gần đây nhất là nhà Minh và nhà Thanh, tiếp tục cấm các hoạt động trên biển. Chính sách biển nổi tiếng có tên "Hải cấm" (Haijin) của Trung Quốc đã cấm các hoạt động hàng hải và khuyến khích mọi người hoạt động trong đất liền. Một bộ luật cấm biển triệt để dưới thời nhà Minh thậm chí yêu cầu mọi người dân sống dọc bờ biển phải di chuyển vào sâu trong đất liền 40 dặm, để bờ biển trống không. Những người mạo hiểm đi ra biển được xem là làm phản chống lại đất nước và nhà vua.

Trung Quốc thường căn cứ vào Công hàm của cố Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng năm 1958 là chứng cứ cho thấy sự đồng thuận của Việt Nam đối với chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, một sự thật là công hàm đó hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý, đồng thời chỉ thị cho các cơ quan của Việt Nam tôn trọng giới hạn 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.

Cần phải lưu ý rằng, là một nước đóng góp tích cực vào hiệp định Geneva 1954, Trung Quốc phải nhận thức được rằng vào thời gian đó quần đảo Hoàng Sa thuộc quản lý của Việt Nam Cộng hòa. Việc công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với thực tế lúc đó là hai quần đảo này nằm dưới vĩ tuyến 17, thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa và được Pháp chuyển giao trên thực tế vào năm 1956, phù hợp với Hiệp định Geneva năm 1954 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia.


Việt Nam cũng hoàn toàn bác bỏ luận điệu cho rằng chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa nhận được sự công nhận của quốc tế. Hội nghị San Francisco diễn ra từ ngày 5-8/9/1951, với sự tham gia của 51 quốc gia để thảo luận về vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á - Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến. Tại Hội nghị, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu, đại diện Chính phủ Bảo Đại đã long trọng tuyên bố, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam và không có một phản đối nào của Hội nghị về tuyên bố này.

Cho tới nay, không có một văn bản chính thức của bất kỳ một quốc gia nào công khai công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngay cả những nước không liên quan gì đến tranh chấp chủ quyền cũng thể hiện quan điểm không đồng tình. Mỹ không công nhận bất kỳ vùng biển nào không gắn với đất liền và đảo. Vì vậy, Trung Quốc nên thừa nhận rằng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa không thuộc về Bắc Kinh và rút ngay giàn khoan dầu của mình ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hiện nay bởi vì hành động đó là đi ngược lại luật pháp quốc tế.


Vũ Thanh (Theo Eurasia Review)

Chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa từ các chứng cứ lịch sử - Phần 3
Chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa từ các chứng cứ lịch sử - Phần 3

Các tài liệu do Việt Nam nắm giữ khẳng định sự hiểu biết từ lâu đời đối với hai quần đảo. Sự hiểu biết này đã chuyển hóa thành sự chiếm hữu thực sự từ thế kỷ XVIII.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN