Ngày 3/6, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam công bố cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông”. Đây là những tư liệu có giá trị khoa học và pháp lý, khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Khẳng định nhất quán lịch sử chủ quyền
Bằng việc khảo sát toàn bộ kho sách Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cộng với việc sưu tầm, nghiên cứu những tài liệu ở những tỉnh thành khác trên cả nước, từ năm 2009 đến 2012, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã triển khai đề tài Thư mục Hán Nôm về biển, đảo VN. Bản thảo dày 3.000 trang với nhiều tư liệu được tuyển chọn về nội dung biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đã được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiệm thu.
Lần công bố này, Viện Nghiên cứu Hán Nôm bước đầu lựa chọn một số tư liệu Hán Nôm ghi chép về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông từ đề tài trên.
Theo PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, thành viên nhóm biên soạn, tất cả những tư liệu có được từ: bản đồ, địa chí, lịch sử, văn bản hành chính, tạp văn và nhiều loại tài liệu khác thể hiện nhất quán sự quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông trong lịch sử. Đây là những tư liệu lịch sử có giá trị khoa học, làm căn cứ pháp lý xác định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.
Bằng chứng về sự quản lý Nhà nước trong các triều đại phong kiến
Cũng theo PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, những tư liệu Hán Nôm cho thấy nhà nước phong kiến Việt Nam luôn có ý thức bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông trong suốt chiều dài của lịch sử. Hai quần đảo này từ lâu đã là nơi sinh sống và khai thác sản vật của cư dân Việt Nam. Hàng năm, Nhà nước phái người ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ về mang trình tấu lên triều đình.
Điều này ghi rõ trong bộ sử “Đại Nam thực lục” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, ghi lại giai đoạn lịch sử 300 năm, từ khi Nguyễn Hoàng xưng chúa ở Đàng trong (1558) đến năm Đồng Khánh thứ 3 (1888). Theo những ghi chép, vua Gia Long khi thiết lập vương triều Nguyễn, đã tiếp tục công việc của các chúa Nguyễn là phái người đi thăm dò đường biển ra Hoàng Sa, tiếp tục đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ để khẳng định chủ quyền của VN đối với quần đảo này.
Điều đặc biệt là, cũng vào thời điểm đó, tàu thuyền của Ma Cao nhà Thanh có bản đồ Hoàng Sa đã đem trình vua Gia Long mà không trình bản quốc. Điều này cho thấy, trong quan niệm và nhận thức của họ, quần đảo Hoàng Sa là của Đại Nam bấy giờ.
Hiện bộ ván khắc Đại Nam thực lục đang lưu giữ trong kho Mộc bản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 (Đà Lạt), được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2009, thuộc Chương trình Ký ức thế giới. Văn bản in đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Cộng hòa Pháp.
Bên cạnh đó, nhà nước phong kiến Việt Nam cũng thành lập đội hải thuyền mang tên Hoàng Sa, Bắc Hải để quản lý Hoàng Sa; xây dựng miếu và đặt bia trên đảo. Điều này được ghi rõ trong “Đại Nam thực lục”: “Nhà vua bảo Bộ Công rằng: một dải xứ Hoàng Sa thuộc địa phận vùng biển Quảng Ngãi xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông sâu, gần đây thuyền buôn thường bị gặp nạn. Nay nên chuẩn bị tàu thuyền đến sang năm cử người ra đó dựng đền lập bia, trồng nhiều cây cối”.
Việc giáo dục cũng chú trọng đến khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Từ năm 1881, trong sách “Khải đồng huyết ước” dạy về các kiến thức xã hội, lịch sử, địa lý,… đã có bản đồ ghi Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hay cuốn “Tu thân luân lý khoa”, nội dung về cách cư xử giữa vua tôi, chồng vợ, bạn bè,.. nhưng trong phần viết về địa dư tỉnh Quảng Ngãi cũng ghi rõ Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Như vậy, những tư liệu Hán Nôm đều thể hiện những căn cứ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển khác ở Biển Đông. Cuốn sách này sẽ được chuyển tới các cơ quan truyền thông, các tỉnh thành phục vụ công tác thông tin tuyền truyền. Dự kiến cuốn tư liệu này sẽ xuất bản bằng tiếng Anh để giới thiệu ra thế giới. Hiện tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiếp tục nhận được nhiều tài liệu khác từ các đối tác và sẽ tiếp tục nghiên cứu và công bố.
Một số tư liệu Hán Nôm khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam: Qua các bản đồ: Các bản đồ có trong cuốn Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, Toản tập Thiên Nam địa đồ, Thiên hạ bản đồ, … Qua các bộ sử, địa chí, hội điển: Đại Việt sử ký tục biên, Phủ biên tạp lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Lịch triều hiến trương loại chí, Hoàng Việt dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Việt sử cương giám khảo lược,… Các tập thơ, văn, tạp văn: Mân hành tạp vịnh, Đông hành thi thuyết,.. Các tập văn bản hành chính: Châu bản triều Nguyễn,.. Một số văn bản mới phát hiện: Tại đình làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế có niên đại Cảnh Hưng thứ 20 (1959); ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) năm Minh Mệnh thứ 15. Trong các tập công văn, chiếu, tấu, biểu,… cũng tìm thấy khá nhiều đoạn văn viết hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông thuộc chủ quyền của VN. |
Hoàng Linh