Bên cạnh lợi ích "đưa nước Mỹ giàu có trở lại" như Tổng thống Trump tuyên bố, thì những tác động về kinh tế, trong đó có nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại do các biện pháp áp thuế trả đũa, là điều nằm trong dự tính của ông chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, sẽ có những hệ lụy xã hội cùng những ảnh hưởng phi kinh tế, đặc biệt đối với "quyền lực mềm" của Mỹ, là điều cần được cân nhắc.
Cảng hàng hóa Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Thuế cao không chỉ nhắm vào đối thủ cạnh tranh chiến lược Trung Quốc (thêm 34%), mà còn là “tiếng sét ngang tai” với cả các đồng minh như Hàn Quốc (25%), Nhật Bản (24%), các nước châu Âu và những đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Ngay cả những hòn đảo không có người ở gần Nam cực cũng bị áp thuế, khiến Thủ tướng Australia Anthony Albanese phải thốt lên rằng “không nơi nào trên Trái Đất an toàn” trước "cơn bão" thuế của Tổng thống Mỹ.
Ngay sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng vô tiền khoáng hậu, lãnh đạo nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ lo ngại động thái này sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương và hợp tác quốc tế. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đăng dòng trạng thái: "Tình bạn đồng nghĩa với quan hệ đối tác. Quan hệ đối tác bao gồm thuế quan tương ứng”. Tương tự, Thủ tướng Australia Anthony Albanese tuyên bố "Đây không phải là hành động của một người bạn" và sẽ làm thay đổi nhận thức về mối quan hệ song phương Australia-Mỹ.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni gọi các biện pháp của ông Donald Trump là "sai lầm", còn Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen bình luận: "Không có ai thắng, mà tất cả đều thua". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ quyết định áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chưa phù hợp với thực tế hợp tác kinh tế - thương mại cùng có lợi giữa hai nước, không phản ánh đúng tinh thần quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế - thương mại song phương và lợi ích của người dân, doanh nghiệp hai nước.
Theo giới phân tích, tăng thuế đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ sẽ phải mua hàng đắt hơn nhiều so với trước, song đây không hoàn toàn chỉ là vấn đề kinh tế. Giá hàng hóa tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội. Thuế nặng đánh vào các nhóm hàng như thực phẩm chế biến, dệt may, da giày – vốn là những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu thiết yếu của người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp và trung bình. Khi những nhu cầu cơ bản về “cái ăn, cái mặc” ngày càng khó được đáp ứng, những mầm mống bất ổn xã hội có khả năng xuất hiện, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn ẩn chứa những dấu hiệu bất ổn.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, Mỹ từng áp hạn ngạch nhập khẩu và tăng thuế quan với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản với cáo buộc họ phá hoại ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ. Mặc dù nước đi này của Washington đã thực sự khiến một số công ty Nhật Bản như Nissan và Toyota chuyển địa điểm sản xuất sang Mỹ, song giá ô tô, kể cả những loại sản xuất ở Mỹ, tăng cao chóng mặt. Điều này kéo tụt nhu cầu - thật ra là khả năng - mua sắm ô tô mới của người dân Mỹ, khiến nhiều công ty Mỹ phải thu hẹp quy mô và hơn 60.000 người mất việc làm.
Trong khi chưa có dấu hiệu tích cực nào về khả năng giải quyết được những vấn đề trong nước, chính sách thuế quan gây sốc đang dẫn tới những hoài nghi về vai trò dẫn dắt của Mỹ trong hệ thống thương mại toàn cầu. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, "chiếc ô an ninh" và sự ủng hộ của Mỹ đối với thương mại tự do, loại bỏ các rào cản thương mại đã góp phần giúp thế giới đạt được những thành quả kinh tế quan trọng. Suốt nhiều thập niên, vị trí chủ chốt của Mỹ trong các cơ chế thương mại đa phương, như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã tạo dựng hình ảnh về một đối tác luôn sẵn sàng hỗ trợ, nhất quán và minh bạch. Nhưng động thái đánh thuế đột ngột của chính quyền Washington, bất kể là đồng minh hay đối thủ, đang làm lung lay hình ảnh ấy, đẩy thế giới đứng trước nguy cơ đổ vỡ trật tự thương mại tự do toàn cầu mà chính Mỹ đã tiên phong xây dựng.
Nhiều chuyên gia cho rằng thuế quan được Tổng thống Trump sử dụng cho 3 mục tiêu chính: giảm tình trạng mà ông gọi là “không công bằng” về thương mại; tăng ngân sách liên bang; làm công cụ đàm phán. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định thuế quan cao có thể là con dao hai lưỡi: giúp Mỹ đạt được các thỏa thuận có lợi hơn về kinh tế nhưng lại làm xói mòn quyền lực mềm và tầm ảnh hưởng của nước này ở những địa bàn chiến lược như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với chính sách thương mại đơn phương, nước Mỹ có thể đang cô lập chính mình khỏi cấu trúc kinh tế đang phát triển nhanh ở khu vực này.
Thuế quan của Mỹ cũng khiến việc đa dạng hóa quan hệ kinh tế và chính trị trở nên cấp thiết. Nhiều đối tác thân thiết của Mỹ đang tìm kiếm mối quan hệ đối tác thương mại thay thế. Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét lại các mối quan hệ thương mại toàn cầu mục tiêu, tìm cách mở ra các cơ hội thị trường mới ở châu Á, Trung Đông... Một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan tìm đường gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) tìm cách xích lại gần hơn với các nền kinh tế trong và ngoài khu vực. Điều này có thể là động lực thúc đẩy các thỏa thuận đa phương như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc đình trệ lâu nay. Thuế cao có thể khiến Mỹ phải đứng ngoài cuộc chơi. Cách tiếp cận của Nhà Trắng vô hình trung lại củng cố một trật tự thương mại mới mà trong đó vai trò của Mỹ giảm sút nghiêm trọng.
Từ trong nước, chính sách thuế quan mới cũng vấp phải sự phản đối khi bang California công khai chỉ trích và khẳng định sẽ tự tìm cách mở rộng thương mại với các đối tác nước ngoài. Ngay trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ cũng thiếu sự nhất quán trong cách tiếp cận thuế đối ứng. Trong khi Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng đàm phán thuế với các quốc gia “nếu họ đưa ra điều gì đó phi thường”, thì Cố vấn Thương mại hàng đầu của ông Peter Navarro lại khẳng định đây không phải là vấn đề có thể đàm phán, mà là “tình trạng khẩn cấp quốc gia”. Những thông điệp trái ngược phát đi từ Washington không chỉ làm nản lòng các đối tác, mà quan trọng hơn là gây đổ vỡ lòng tin - thứ tài sản vô hình nhưng vô giá trong quan hệ quốc tế.
Trên thực tế, quan hệ thương mại luôn là tiền đề quan trọng để thúc đẩy hợp tác chính trị, đồng thời có thể trở thành đòn bẩy giúp gia tăng vị thế và tầm ảnh hưởng của nước này với nước khác, thậm chí với khu vực khác. Lịch sử cho thấy nước Mỹ đã nhiều lần sử dụng hợp tác thương mại như một cầu nối cho mối quan hệ đối tác và phục vụ các mục tiêu chiến lược của mình. Trước đây, Mỹ đã thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một phần trong chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương. Không đơn thuần là một thỏa thuận về thương mại, TPP được thiết kế như một công cụ để củng cố tầm ảnh hưởng, thiết lập luật chơi mới trong khu vực mà Mỹ có nhiều lợi ích chiến lược.
Thế nhưng giờ đây, chính sách thuế đối ứng có vẻ đang đẩy Mỹ ra xa quỹ đạo hợp tác. Nước Mỹ có thể vẫn là nền kinh tế số một, nhưng vị thế dẫn dắt không chỉ dựa trên sự giàu có, mà còn dựa trên uy tín, khả năng tạo dựng lòng tin và tầm ảnh hưởng. Trong một thế giới ràng buộc lẫn nhau về thương mại, việc dựng lên các hàng rào thuế quan tùy tiện chẳng khác nào tự tay phá bỏ những nhịp cầu nối và trở lại với chủ nghĩa biệt lập, nhất là khi thuế quan cũng là một công cụ của cạnh tranh địa chính trị.
Những hậu quả địa chính trị có thể nhận thấy được, việc áp dụng thuế quan đơn phương thiếu cân nhắc có nguy cơ đẩy cả những đồng minh lâu năm ra xa, làm suy yếu lòng tin và làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ tại nhiều khu vực. Đó là bài toán lợi-hại cần cân nhắc khi Mỹ áp thuế đối ứng. Một cách tiếp cận thương mại hợp lý hơn, dựa trên quan hệ đối tác, với các điều khoản cân bằng lợi ích kinh tế và các cân nhắc về địa chính trị, hài hòa lợi ích của các bên, có thể là giải pháp tối ưu.