Sau nhiều tháng chờ đợi, cuối cùng người dân Afghanistan, cũng như các nước và tổ chức quốc tế vốn từng đổ nhiều sức người, sức của và xương máu tại nước này, đã thở phào nhẹ nhõm khi Ủy ban bầu cử Afghanistan tuyên bố ông Ashraf Ghani trở thành tổng thống tiếp theo của Afghanistan. Tân Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani Ahmadzai. Ảnh: AFP-TTXVN |
Ông Abdullah Abdullah - từng là đối thủ của ông Ghani trong cuộc chạy đua giành chức tổng thống - sẽ đảm nhận vị trí "người điều hành cấp cao" (CEO), một vị trí mới được thiết lập giống như chức Thủ tướng.
Ông Ghani và ông Abdullah đã ký thỏa thuận thành lập chính phủ thống nhất dân tộc dưới sự chứng kiến của Tổng thống sắp mãn nhiệm Hamid Karzai. Theo thỏa thuận, Tổng thống đứng đầu Nội các, song CEO sẽ quản lý việc thực hiện các chính sách của chính phủ của Nội các; chủ trì các cuộc họp thường xuyên của hội đồng các bộ trưởng.
Điều đáng chú ý là tuyên bố của Ủy ban Bầu cử Afghanistan được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Ghani và ông Abdullah ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực.
Hành động này khiến nhiều người Afghanistan coi chính phủ mới dường như là "sản phẩm" của quá trình đàm phán chứ không phải là của kết quả kiểm phiếu thực sự bởi kết quả cuối cùng của tiến trình kiểm phiếu lại không được công bố.
Tuy nhiên, do quá mệt mỏi với những trò gian lận và đe dọa trong bầu cử, cử tri Afghanistan đành chấp nhận kết quả này mà không có đòi hỏi gì hơn.
Hoan hỉ nhất trong tiến trình chuyển giao quyền lực tại Afghanistan có thể là Liên hợp quốc (LHQ), các nước NATO, nhất là Mỹ- những nước đang muốn rút ra khỏi “bãi lầy” Afghanistan một cách ổn thỏa.
Báo cáo với Hội đồng bảo an LHQ về kết quả bầu cử cuối cùng tại Afghanistan, ông Ján Kubiš, Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về Afghanistan nói: “Thành công của cuộc bầu cử hồi tháng 4/2014 tại Afghanistan sẽ mang tính đột phá quan trọng trong việc tăng cường hiến pháp, ổn định chính trị và gây dựng niềm tin của Afghanistan trong tương lai”.
Ứng cử viên Abdullah Abdullah (trái) và ứng cử viên Ashraf Ghani Ahmadzai (phải) tại lễ ký thoả thuận chia sẻ quyền lực. Ảnh: AFP-TTXVN |
Trong khi Nhà Trắng tuyên bố "việc tôn trọng tiến trình dân chủ này" là con đường duy nhất để Afghanistan tiến lên. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ca ngợi hai nhà lãnh đạo mới của Afghanistan và nói rằng thỏa thuận giữa họ góp phần khép lại cuộc khủng hoảng chính trị tại Afghanistan.
Các nhà phân tích cho rằng tiến trình chia sẻ và chuyển giao quyền lực tại Afghanistan có công lớn của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đầu tiên đã ra sức thuyết phục ông Ghani và Abdullah đi tới thống nhất chia sẻ quyền lực trong các chuyến thăm Afghanistan hồi tháng 7 và tháng 8.
Giới chức Mỹ tin ông Ghani sẽ sớm ký một thỏa thuận an ninh sau khi tuyên thệ nhậm chức, theo đó cho phép khoảng 10.000 lính Mỹ tiếp tục ở lại Afghanistan sau năm 2014.
Tương lai mối quan hệ của Afghanistan với NATO, do Mỹ đứng đầu, sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự sau khi ông Karzai từ chối ký kết một hiệp ước an ninh với Washington để đảm bảo quân đội nước ngoài được tiếp tục hiện diện tại Afghanistan sau năm 2014.
Các nhà phân tích tại Ấn Độ cho rằng Afghanistan tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn là điều không thể nghi ngờ. Việc thiết lập một liên minh cầm quyền giữa hai phe phái đối địch là điều không dễ dàng.
Ông Abdullah được sự ủng hộ từ những người Tajiks - nhóm sắc tộc lớn thứ hai tại Afghanistan - và nhiều nhóm sắc tộc khác ở phía Bắc. Trong khi ông Ghani được những bộ tộc người Pashtun ở phía Đông và phía Nam ủng hộ. Do đó, rất có thể sẽ tồn tại hai thế lực trong chính phủ và khó có thể hợp tác.
Tuy nhiên, tiến trình “thiết lập” được Tổng thống và dàn xếp quyền lực bước đầu có vẻ ổn thoả là một nỗ lực quan trọng để củng cố năng lực của nhà nước Afghanistan-sự bảo đảm thiết thực duy nhất để chống làn sóng chống đối có thể từ Taliban, ngăn chặn cuộc chiến tranh điêu tàn trở lại đất nước này.
Minh Lý(P/v TTXVN tại New Delhi)