Bế tắc hậu bầu cử tổng thống ở Afghanistan dường như đã được "tháo ngòi" sau nỗ lực trung gian của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với việc hai ứng cử viên chấp thuận kiểm tra lại toàn bộ phiếu bầu vòng hai. Tuy nhiên, giải pháp này chưa có gì đảm bảo rằng bình yên sẽ đến với đất nước Nam Á gần như bị phá hoại hoàn toàn sau ba thập niên chiến tranh và hiện vẫn phải đối mặt với sự chống trả quyết liệt trên quy mô lớn của tàn quân Taliban.
Sóng gió đã nổi lên trên chính trường Afghanistan sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống vòng hai được công bố với cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới Ashraf Ghani bất ngờ vượt xa cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah, ứng cử viên sáng giá được nhiều phiếu nhất tại vòng một và rất được kỳ vọng sẽ trở thành tổng thống mới của Afghanistan.
Không chấp nhận kết quả "thua cuộc", ông Abdullah đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ, cáo buộc có gian lận và cho rằng kết quả này đi ngược lại nguyện vọng của đa số người dân. Vị cựu ngoại trưởng này còn đe dọa tự đứng ra thành lập một chính phủ mới khác, khiến tương lai đất nước đầy rối ren Afghanistan càng trở nên mờ mịt bởi nguy cơ xảy ra tiếm quyền.
Ứng cử viên Ghani thu hút được nhiều ủng hộ từ bộ tộc Pashtun ở miền Nam và miền Đông, trong khi những người trung thành với ông Abdullah là người Tajik và các nhóm người Afghanistan khác ở miền Bắc. Điều này cho thấy một kết quả không minh bạch, thiếu thuyết phục có thể đẩy nước này trở lại cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu 1992-1996.
Ngoại trưởng John Kerry (giữa), ông Ashraf Ghani (phải) và ông Abdullah Abdullah (trái) tại cuộc họp báo ở Kabul ngày 12/7. Ảnh: AFP-TTXVN |
Trước những nguy cơ này, Mỹ đã không bỏ rơi Kabul. Ngoại trưởng Kerry đã có chuyến công du vội vàng đến Kabul và thuyết phục được hai ứng cử viên đồng ý thẩm tra tất cả các lá phiếu và tuân thủ kết quả thẩm tra này. Người nào giành chiến thắng sẽ nhậm chức tổng thống và ngay lập tức thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, phải mất vài tuần nữa mới có kết quả thẩm tra và không ai dám chắc họ sẽ giữ lời hứa bởi xung đột sắc tộc, tranh giành quyền lực luôn được xem là "đặc sản" ở đất nước 30 triệu dân này.
Thực tế cho thấy, từ ngay khi cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 kết thúc ngày 14/6, chính trường Afghanistan đã có những dấu hiệu khủng hoảng khi cả hai ứng cử viên đều cáo buộc lẫn nhau gian lận trong quá trình bỏ phiếu. Trong khi ông Ghani cho rằng lực lượng an ninh đã dính líu đến những vi phạm có lợi cho đối thủ, ứng cử viên Abdullah khẳng định một số hòm phiếu đã đầy chặt phiếu bầu một ngày trước khi diễn ra bỏ phiếu. Ông cho rằng đối thủ Ashraf Ghani, Tổng thống sắp mãn nhiệm Hamid Karzai và Ủy ban bầu cử độc lập đều liên quan tới sự gian lận này.
Trong khi kết quả của cuộc bầu cử còn chưa ngã ngũ thì có thể thấy rõ những thách thức mà người kế nhiệm Tổng thống Hamid Karzai phải đối mặt là không hề nhỏ. Đó là vấn đề bảo đảm an ninh, ổn định đất nước, phục hồi kinh tế, củng cố bộ máy cầm quyền cũng như dung hòa lợi ích của các phe phái, sắc tộc trong nước...
Hơn 10 năm cầm quyền của Tổng thống Karzai, Afghanistan vẫn chìm trong nghèo đói, tham nhũng, bạo lực và thường xuyên phụ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài. Trong khi đó, phiến quân Taliban thì không hề ngơi nghỉ cuộc chiến nhằm lật đổ chính quyền và thậm chí giành từng tấc đất với quân chính phủ.
Điều đó cho thấy cuộc chiến chống Taliban trong hơn 10 năm qua đã thất bại và vấn đề bảo đảm an ninh và ổn định đất nước vẫn sẽ là bài toán hóc búa đối với ban lãnh đạo mới của Afghanistan. Bên cạnh đó, một khó khăn khác đối với tân Tổng thống Afghanistan còn là mối quan hệ với Mỹ, vốn đang bị xấu đi nghiêm trọng sau khi Tổng thống Karzai từ chối ký kết Hiệp định An ninh song phương (BSA) với Washington.
Hiện trường vụ đánh bom ở Jalalabad, Afghanistan ngày 12/7. Ảnh: AFP-TTXVN |
BSA cho phép Mỹ duy trì khoảng 10.000 binh sỹ sau khi liên quân do NATO đứng đầu rút hết khỏi Afghanistan vào cuối năm nay. Cả hai ứng cử viên tổng thống Afghanistan đều tuyên bố nếu đắc cử sẽ ký kết một hiệp định như vậy với Mỹ. Tuy nhiên, nếu những tranh cãi hậu bầu cử không được sớm giải quyết và một thỏa thuận với Mỹ không đạt được trước tháng 9 này, sẽ không còn lính Mỹ hay NATO nào đảm bảo an ninh cho các thị trấn hay làng mạc của Afghanistan trước các cuộc tấn công của Taliban. Nhưng nếu ký kịp được một hiệp định với Mỹ thì vị lãnh đạo tương lai của Afghanistan vẫn sẽ với phải đối mặt với Taliban, lực lượng kiên quyết chống lại sự hiện di
ện của bất kỳ lính Mỹ nào trên lãnh thổ nước này sau năm 2014.
Trong khi đó, chính những bất ổn chính trị, bạo lực và thiếu những cải cách cần thiết đang đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế của Afghanistan. Theo báo cáo của IMF, GDP của nước này dự kiến giảm từ mức 3,6% năm 2013 xuống còn 3,2% trong năm nay. Như vậy, bất cứ ai thắng cử, cũng phải đối mặt với thách thức kinh tế rất lớn cũng như áp lực bảo đảm an ninh và trật tự trong nước.
Đầy rẫy khó khăn như vậy, song theo các nhà phân tích, nhiệm vụ trước tiên mà vị tân tổng thống phải giải quyết, đó chính là những mâu thuẫn trong nội bộ chính trị Afghanistan hiện nay. Nếu như ban đầu cuộc bầu cử bầu chọn người kế nhiệm Tổng thống Karzai được đánh giá mang ý nghĩa quan trọng, mang lại hy vọng chuyển giao quyền lực một cách dân chủ lần đầu tiên tại nước này kể từ khi chính quyền Taliban sụp đổ năm 2001, thì nay chính cuộc bầu cử lại đang làm nghiêm trọng thêm những mâu thuẫn trong nội bộ chính trường nước này.
Afghanistan đã phải trải qua hàng chục năm xung đột và bất cứ một cuộc cạnh tranh quyền lực nào cũng sẽ làm xóa nhòa những lời tuyên bố rằng sứ mệnh quân sự và dân sự tốn kém do Mỹ dẫn đầu đã giúp thiết lập một nhà nước thực sự ở Afghanistan. Cạnh tranh quyền lực cũng đe dọa những cam kết viện trợ trị giá hàng tỷ đôla, làm gia tăng sự nổi loạn và bất ổn sắc tộc.... Trong bối cảnh đó, kẻ được lợi nhất có lẽ là Taliban.
Thu Thùy