3 thông điệp chiến lược của Israel từ cuộc tấn công vào Iran

Cuộc không kích của Israel vào Iran vừa qua không chỉ là một hành động quân sự mà còn chứa đựng những thông điệp chiến lược gửi tới Tehran, từ việc phá hủy năng lực quân sự của Iran, khẳng định ưu thế quân sự của mình, đến việc đẩy Iran vào một tình thế khó khăn trong các quyết định đối phó.

Chú thích ảnh
Quang cảnh thủ đô Tehran, Iran rạng sáng 26/10/2024 sau các cuộc không kích của Israel. Ảnh: THX/TTXVN

Theo nhận định của Thiếu tướng Israel (đã nghỉ hưu) Tamir Hayman (từng là Trưởng phòng Tình báo của Lực lượng Phòng vệ Israel - IDF từ năm 2018-2021) và hiện là Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) có trụ sở tại Israel ngày 27/10, cuộc không kích của Israel vào Iran cuối tuần qua không chỉ là một đòn tấn công đơn thuần mà còn chứa đựng những thông điệp chiến lược sâu sắc. 

Thứ nhất: Phá hủy năng lực quân sự then chốt của Iran. Israel đã nhắm mục tiêu chính xác vào các cơ sở sản xuất tên lửa đất đối đất - một trong những vũ khí chiến lược quan trọng nhất của Iran. Đáng chú ý, cuộc tấn công còn vô hiệu hóa các hệ thống phòng không do Nga cung cấp cho Iran. Điều này đã làm suy yếu khả năng phòng thủ của Iran. 

Một yếu tố đáng chú ý là trong bối cảnh Nga đang cần giữ lại các hệ thống phòng không để phục vụ cho cuộc chiến tại Ukraine, việc cung cấp thêm cho Iran là không chắc chắn. Vấn đề trên đặt Iran vào tình thế khó khăn hơn khi hệ thống phòng không bị suy yếu và không thể nhanh chóng bổ sung, càng khiến họ dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công từ Israel.

Thứ hai: Khẳng định ưu thế quân sự. So sánh kết quả hai cuộc tấn công gần đây cho thấy rõ sự chênh lệch về năng lực quân sự giữa hai bên. Trong khi Israel đạt được mọi mục tiêu đề ra, Iran lại không thành công trong việc đánh trúng các mục tiêu quan trọng của Tel Aviv.

Điều này một phần nhờ vào hệ thống phòng thủ hiện đại của Israel cùng sự hỗ trợ từ Mỹ. Với số lượng máy bay đánh chặn đủ lớn, Israel tự tin có thể đối phó với các cuộc tấn công tiếp theo từ phía Iran.

Thứ ba: Đặt Iran vào thế khó. Quy mô của cuộc tấn công đã đặt nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei trước một lựa chọn khó khăn. Một mặt, việc không có phản ứng sẽ thể hiện điểm yếu nghiêm trọng. Mặt khác, nếu tiếp tục đáp trả, Iran phải đối mặt với hai thách thức lớn:

Về mặt tác chiến, nguồn cung tên lửa của Iran đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi các cơ sở sản xuất bị phá hủy hoặc hư hại. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì một chiến dịch kéo dài.

Về mặt chiến lược, Iran phải tính đến khả năng Israel sẽ mở rộng mục tiêu tấn công, bao gồm cả các cơ sở năng lượng và hạt nhân - điều mà Tehran không mong muốn.

Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi Hezbollah - lực lượng thân Iran quan trọng ở Liban - đang suy yếu và không còn khả năng kiềm chế Israel như trước. Thêm vào đó, cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Mỹ có thể tạo điều kiện cho Tổng thống Joe Biden có nhiều không gian hơn trong việc hành động và định hình di sản của mình. Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của cả Iran và Israel.

Thiết tướng Hayman kết luận, thông qua cuộc không kích này, Israel không chỉ thể hiện ưu thế quân sự mà còn đặt Iran vào tình thế buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng mọi động thái tiếp theo.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo inss.org.il)
'Xương sống' ngành công nghiệp tên lửa Iran bị phá hủy bởi cuộc tấn công của Israel?
'Xương sống' ngành công nghiệp tên lửa Iran bị phá hủy bởi cuộc tấn công của Israel?

Cuộc không kích của Israel vào Iran mới đây đã nhắm vào các cơ sở sản xuất nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo, được cho là gây tổn thất nghiêm trọng đến năng lực quân sự của Tehran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN