2 nỗi lo lớn của Mỹ về Israel

Khi Israel tiếp tục chiến đấu với Hamas, Washington đã đưa ra những yêu cầu mà Tel Aviv không thể đáp ứng. Đối mặt với một cuộc bầu cử khó khăn, Tổng thống Biden và các quan chức hàng đầu trong chính quyền của ông muốn kết thúc xung đột, nhưng Mỹ lại có nguy cơ khuyến khích các đối thủ trong và ngoài khu vực can dự mạnh hơn.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Benjamin Netanyahu, phải, gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại trụ sở quân sự Kirya ở Tel Aviv, ngày 9/1/2024. Ảnh: timesofisrael.com

Theo Thời báo Israel (timesofisrael.com) mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa trở lại Israel lần thứ tư, thứ năm hoặc thứ sáu, tùy thuộc vào việc mọi người coi mục đích chuyến thăm là gì. Nhưng rõ ràng ông Blinken đã trở thành gương mặt đại diện cho sự can dự của chính quyền Biden vào chiến dịch tiêu diệt Hamas ở Dải Gaza của Israel.

Bất chấp sự hỗ trợ liên tục từ Nhà Trắng, chuyến thăm mới nhất của ông Blinken có cảm giác khác. Sự thất vọng của Mỹ đối với chiến dịch quân sự của Israel đã lộ rõ hơn và những bất đồng về các vấn đề cốt lõi là trung tâm của các cuộc thảo luận. Hiện Mỹ có hai nỗi lo lớn nhất về Israel:

Đầu tiên là giao tranh giữa Israel và Hezbollah: Cuộc chiến chống Hezbollah dọc biên giới với Liban tiếp tục leo thang và một cuộc chiến toàn diện với lực lượng dân quân người Shiite hùng mạnh có nhiều khả năng xảy ra hơn bao giờ hết.

Một cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah sẽ không chỉ hủy diệt Liba và khiến Israel phải trả giá đắt mà còn có nguy cơ đẩy Mỹ vào cuộc đối đầu Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này.

Mỹ không muốn có thêm một cuộc chiến tranh Trung Đông nữa và tổng thống của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ đã rút quân ra khỏi khu vực trong nhiều năm. Với các vụ ám sát nhằm vào các thủ lĩnh cấp cao của Hamas và Hezbollah ở Liban gần đây, Israel có lẽ đang quyết liệt hơn Mỹ mong muốn. 

Ở Gaza, vấn đề đáng lo ngại thứ hai giữa Mỹ và Israel: Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn chiến tranh kết thúc và kiên quyết rằng tình hình nhân đạo ở Gaza phải thay đổi đáng kể.

Nhà Trắng muốn dân thường có thể trở về nhà của họ ở phía Bắc Gaza và muốn cuộc chiến dẫn đến một tiến trình chính trị hướng tới một nhà nước Palestine độc lập. Nhưng Thủ tướng Israel Netanyahu và nội các chiến tranh của ông nhìn nhận mọi việc theo hướng khác.

Mặc dù đối với các cơ quan truyền thông nước ngoài, các quan chức cấp cao Israel nói về việc chuyển sang một giai đoạn chiến tranh mới ở phía Bắc Gaza, nhưng bằng tiếng Do Thái, họ lại nói về việc tiếp tục cuộc chiến cho đến khi Hamas bị lật đổ. Những trận chiến thương vong tiếp tục diễn ra ác liệt ở trung tâm Gaza và ở Khan Younis, và Rafah hầu như không bị ảnh hưởng.

Một số nhà lãnh đạo Israel được cho là đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Blinken rằng người Gaza sẽ không quay trở lại phía Bắc cho đến khi Hamas đồng ý với một thỏa thuận con tin khác. Và hiện tại hoàn toàn không có khả năng xem xét việc thành lập một nhà nước Palestine trong công chúng Israel, càng không có khả năng đó trong chính phủ.

Michael Oren, cựu Đại sứ Israel tại Mỹ, cho biết: “Chính quyền Mỹ đưa ra một danh sách dài các kỳ vọng và yêu cầu đối Israel mà theo tôi, rất ít trong số đó có thể được đáp ứng. Tôi không tin rằng quân đội Israel sẽ cho phép một lượng lớn người tị nạn quay trở lại phía Bắc. Chúng tôi chưa thể để họ quay lại được. Họ quay trở lại, Hamas sẽ trà trộn cùng và điều đó sẽ khiến binh sĩ Israel thiệt mạng”.

Ngoài ra, không khó tìm thấy bằng chứng về sự bất đồng trong chuyến thăm mới nhất kéo dài hai ngày của Ngoại trưởng Blinken tới Israel. Trong bản ghi các cuộc họp của ông Blinken do Bộ Ngoại giao ban hành, Ngoại trưởng Mỹ đã không nói về chiến thắng của Israel hay sự tiêu diệt Hamas. Thay vào đó, ông Blinken liên tục nhấn mạnh rằng Mỹ “ủng hộ quyền của Israel trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công ngày 7/10 tái diễn”.

Đáng kinh ngạc hơn, Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu đã từ chối đưa ra thông tin hoặc hình ảnh sau cuộc gặp của ông với Ngoại trưởng Blinken, bằng chứng mạnh mẽ cho thấy các cuộc thảo luận không thân thiện như phía Israel mong muốn.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra những lời khuyến khích về tình hình nhân đạo trong thông báo của mình, nói rằng Bộ trưởng Blinken “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh gây tổn hại thêm cho dân thường và bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự ở Gaza”. Và trong khi ông Blinken đưa ra nhiều tuyên bố liên tục về các con tin và gia đình họ, ông lại không một lần đề cập đến 9 binh sĩ Israel thiệt mạng ngày hôm trước ở Khan Younis.

Chú thích ảnh
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ảnh: AP

Mùa bầu cử

Trong khi Nhà Trắng chắc chắn có những lý do hợp lý để hạn chế quy mô giao tranh, một nguyên nhân phải tính đến thực tế rằng đây là năm bầu cử tổng thống ở Mỹ. Tổng thống Biden đang tụt lại trong các cuộc thăm dò so với đối thủ có khả năng thách thức ông, cựu Tổng thống  Donald Trump.

Chuck Freilich, cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Israel và thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, nói: “Tôi nghĩ điều đó đang trở thành một vấn đề cần cân nhắc. Dù Tổng thống Biden đã chứng tỏ mình là một người bạn tuyệt vời của Israel nhưng giờ đây ông ấy thực sự phải lo lắng về việc tái đắc cử”.

Tổng thống Biden cần mọi phiếu bầu mà ông có thể nhận được và những người cấp tiến, vốn ngay từ đầu chưa bao giờ tin tưởng ông nhiều, rất tức giận về sự ủng hộ vững chắc của ông đối với Israel. Tin tức ở Mỹ càng lan rộng hình ảnh về thường dân Gaza giữa đống đổ nát, và các trường đại học xuất hiện những cuộc biểu tình chống Israel thì Nhà Trắng càng sớm có thể chuyển trọng tâm sang các vấn đề khác.

Chuyên gia Freilich lưu ý rằng có một lý do đặc biệt hơn để Mỹ thúc đẩy chấm dứt giao tranh: “Chúng tôi đồng ý về mục tiêu, nhưng tại thời điểm này, tôi nghĩ họ (Mỹ) không tin rằng chúng tôi có thể đạt được nó, và vì vậy họ đang chuyển sang tính toán xem mọi thứ sẽ như thế nào khi Hamas vẫn tồn tại ở Gaza”.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Nhìn lại 100 ngày xung đột Hamas - Israel
Nhìn lại 100 ngày xung đột Hamas - Israel

Ngày 15/1/2024, cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza, bùng phát hôm 7/10/2023, đã kéo dài 100 ngày, gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản. Điều đáng buồn là giao tranh vẫn đang tiếp diễn, tiếng súng vẫn chưa dừng, bất chấp các nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN