Theo kênh CNN ngày 14/1, Mỹ và Anh đang duy trì quyết tâm không kích nhiều mục tiêu ở Yemen để ngăn chặn lực lượng Houthi tấn công các tàu vận tải thương mại ở Biển Đỏ.
Cả Washington và London đều nhiều lần cảnh báo lực lượng Houthi. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng các cuộc tấn công của Houthi đang gây nguy hiểm cho quyền tự do hàng hải ở một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới.
Nhưng các chuyên gia lưu ý các cuộc không kích sẽ có ít tác động đến việc làm suy yếu lực lượng Houthi hoặc ngăn chặn các cuộc tấn công khác, điều mà phong trào này cho biết là nhằm đáp trả cuộc chiến của Israel ở Gaza.
Nhận định với mạng tin Trung Đông Middleeasteye.net, Andreas Krieg, Phó Giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Đại học King's College London, cho rằng liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu được thành lập gần đây để ngăn chặn hành động của Houthi ở Biển Đỏ gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa tránh leo thang và các cuộc tấn công vào Yemen.
Ông Krieg nói: “Anh và Mỹ muốn gửi một thông điệp, nhưng không quá mạnh để gây leo thang ra ngoài cuộc chiến ở Gaza”. Chuyên gia Krieg cho biết điều này sẽ khó đạt được vì không có cách nào tấn công đủ mạnh để phá hủy năng lực quân sự của Houthi.
Theo ông Krieg, lực lượng Houthi hoạt động như một "mạng lưới" khiến họ khó bị ngăn chặn vì không tập trung như các nhóm khác.
“Nếu chúng ta nhìn vào 9 năm qua từ cuộc chiến do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen, có thể thấy khá rõ ràng rằng họ đã thất bại trong việc răn đe lực lượng Houthi”, ông Krieg nói, nhấn mạnh rằng phong trào này có thể chịu áp lực vô thời hạn, như trong 20 năm qua ở Yemen và dưới sức ép của Saudi Arabia.
Hậu quả của cuộc tấn công
Ibrahim Jalal, một học giả tại Viện Trung Đông, cũng tin rằng các cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh sẽ không có tác dụng ngăn chặn Houthi. Theo ông Jalal, mặc dù Mỹ và Anh không tìm cách mở rộng xung đột, nhưng chính hành động này lại đang mở rộng xung đột, đồng thời nhằm mục đích vẽ lại các quy tắc can dự và thiết lập lại quyền lực, sau khi thấy khả năng răn đe hoàn toàn sụp đổ.
Chuyên gia Jalal cũng cho rằng kể từ năm 2004, lực lượng Houthi đã có kinh nghiệm hơn hai thập kỷ trong chiến tranh du kích và tồn tại sau một cuộc chiến tranh khu vực kể từ năm 2015.
Nhà phân tích về Trung Đông trên nói thêm rằng các cuộc tấn công của Mỹ và Anh có thể gây ra một số hậu quả, như gây ra tâm lý sợ hãi trong người dân, tạo ra cho phong trào Houthi một "kẻ thù nước ngoài" nữa và do đó họ nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng ở trong nước trước sự phản đối can thiệp từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, ngoài khả năng đẩy Yemen vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc hơn, chuyên gia Jalal cho rằng lực lượng Houthi có thể lợi dụng tình hình này để huy động lực lượng và tiếp tục các cuộc tấn công trên biển.
Ông Jalal lưu ý thêm, các cuộc tấn công của Houthi cũng có thể được mở rộng nhằm vào những lợi ích của Mỹ trong khu vực, cả vùng Vịnh: “Có nguy cơ cao về các cuộc tấn công đa hướng nhắm vào lợi ích của Mỹ ở Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cũng như các quốc gia có liên quan”.
Về hậu quả kinh tế, các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu ở Yemen ngay sau đó khiến giá dầu tăng vọt trong bối cảnh những lo ngại mới về nguồn cung. Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa New York, giá dầu thô kỳ hạn West Texas Intermediate (WTI) đã tăng tới 4,2% lên trên mức 75 USD/thùng. Dầu Brent cũng tăng 4% lên mức 80 USD/thùng trên sàn giao dịch ICE Futures Europe. Giá các mặt hàng năng lượng khác, trong đó có khí đốt tự nhiên, cũng đã tăng gần 3%.
Tobias Borck, chuyên gia về an ninh Trung Đông tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng (RUSI) có trụ sở tại Anh nhận định, tác động lên giá năng lượng cho đến nay vẫn ở mức vừa phải nhưng sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra tiếp theo.
“Chúng ta cần xác định hành động của 2 bên liên quan ở đây. Một là Houthi, cách họ phản ứng, và bên kia tất nhiên là xem cách Iran phản ứng”, ông Borck nói. Ông lưu ý mặc dù Tehran có lựa chọn mang tính quyết định là đóng cửa hoàn toàn eo biển Hormuz, nhưng họ khó có thể làm như vậy ở giai đoạn này.