Bà Lâm Thị Phương Thanh và Đoàn cán bộ làm việc với lãnh đạo Hội Người Việt Nam. Ảnh: Ngọc Mai/Phóng viên TTXVN tại Séc |
Từ ngày 21 đến 23/11 Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do bà Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ở thăm CH Séc để tìm hiểu mô hình thành công của cộng đồng người Việt.
Đoàn có buổi làm việc với cán bộ Đại sứ quán, ban lãnh đạo Hội Người Việt Nam, Chi Hội Người Việt Nam tại thành phố Karlovy Vary, thăm Niệm Phật đường Vĩnh Nghiêm và Trung tâm thương mại Sapa ở thủ đô Praha. Đại sứ Trương Mạnh Sơn tham gia các hoạt động chính của Đoàn.
Đoàn công tác Tuyên giáo – Dân vận đặc biệt quan tâm tới nền tảng tạo nên sự thành công của cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc với nòng cốt là Hội Người Việt Nam. Trong buổi làm việc với Đoàn công tác, ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc khóa 5, cho biết: Trong suốt 17 năm hoạt động Hội đã áp dụng “chu trình ngược” để cộng đồng đạt được hai mục đích chính là hội nhập sâu và có đóng góp vào xã hội nước sở tại, đồng thời giữ gìn văn hóa, truyền thống dân tộc và hướng về quê hương, đất nước.
Vế thứ nhất của “chu trình ngược” được áp dụng cho thế hệ đầu tiên của cộng đồng người Việt tại CH Séc, đó là học ngôn ngữ, tìm hiểu văn hóa – tập tục, pháp luật mô hình kinh doanh của nước sở tại. Hội Người Việt Nam kêu gọi, khuyến khích và giúp đỡ bà con học tiếng Séc, tổ chức các buổi tư vấn về pháp luật, tìm kiếm các dự án của nhà nước và tổ chức phi chính phủ tài trợ cho việc hội nhập, trong đó có việc dạy ngôn ngữ bản địa miễn phí.
Hội thiết lập các mối quan hệ thân thiện với chính quyền nước sở tại ở các cấp, xây dựng hình ảnh một cộng đồng người Việt chăm chỉ, có ý chí vượt khó trong con mắt người dân bản địa. Mặt khác, Hội cũng tận dụng chính sách “cùng chung sống với các cộng đồng nhập cư” mà chính quyền Séc hướng tới công dân của mình.
Bắt đầu từ các trường học, bắt đầu từ các nhóm nhỏ bạn bè, Hội Người Việt Nam khuyến khích các học sinh người Việt giới thiệu về đất nước, về nền văn hóa của dân tộc mình. Người Séc bắt đầu hiểu hơn về Việt Nam qua chính con em của họ.
Dần dần cộng đồng Việt Nam tham gia các liên hoan văn hóa dân tộc thiểu số có quy mô lớn do chính quyền các cấp ở Séc tổ chức. Đến nay các lễ hôi đa sắc màu tại các địa phương với sự tham gia tích cực của bà con người Việt đã trở thành truyền thống hằng năm và có hiệu quả thiết thực trong việc gắn kết các cộng đồng dân tộc ở Séc.
Bà Lâm Thị Phương Thanh và Đoàn cán bộ thăm Trung tâm thương mại Sapa. Ảnh: Ngọc Mai/Phóng viên TTXVN tại Séc |
Vế thứ hai của “chu trình ngược” được áp dụng cho thế hệ thứ hai, thứ ba của cộng đồng người Việt. Con em người Việt đi học ở trường Séc nên ngôn ngữ - văn hóa – lịch sử nước bản địa không còn là điều xa lạ. Thế hệ thứ hai, thứ ba làm tốt việc hội nhập, đạt kết quả cao trong học tập, trong các lĩnh vực nghệ thuật – thể thao, được xã hội Séc đánh giá là “tấm gương về hội nhập” cho tất cả các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Séc.
Tuy nhiên, việc duy trì ngôn ngữ và văn hóa dân tộc lại trở thành vấn đề đáng quan tâm. Hội Người Việt Nam cùng với các chi hội cơ sở và các hội thành viên luôn luôn nhắc nhở các bậc ông bà, bố mẹ chú ý dạy tiếng Việt và phong tục, tập quán của tổ tiên cho con cháu mình, mở các trung tâm dạy tiếng Việt miễn phí.
Việc tổ chức Tết Trung Thu, Tết Thiếu nhi, Tết cổ truyền, lễ Vu Lan, đại lễ Phật Đản, cùng các hội thi văn nghệ, thể thao, các trại Hè về nguồn… chính là tạo cơ hội để các bạn trẻ người Việt gặp gỡ nhau, nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, học hát những bài dân ca Việt Nam, tiếp cận với văn hóa, tập quán của tổ tông. Trong việc bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa – tín ngưỡng Việt có công lớn của Hội Phụ nữ, Hội Phật tử cùng các chi hội của mình ở địa phương.
Bà Lâm Thị Phương Thanh đánh giá cộng đồng người Việt ở Séc với 65.000 thành viên “chưa phải đông nhất” so với các cộng đồng người Việt trên thế giới nhưng là “một trong những mô hình thành công nhất”.
Bà hy vọng rằng với những phương hướng, kế hoạch được đề ra từ năm 2017 đến năm 2020 Hội Người Việt Nam sẽ đưa cộng đồng người Việt ở Séc tới gần hơn nữa mục tiêu đặt ra ngày từ ngày đầu thành lập – hội nhập sâu (vào xã hội bản địa) và bảo tồn tốt (ngôn ngữ, văn hóa dân tộc).