Giờ đây, sau khi trải qua rất nhiều sóng gió trong làm ăn, sinh sống tại LB Nga, họ đã trở thành những thành viên chủ chốt trong gia đình, gắn bó mật thiết với sứ sở Bạch Dương. Mặc dù vậy, trong nhân cách của họ vẫn còn nguyên những phẩm chất người lính, được họ trân trọng nhắc đến một cách tự hào.
Đến với chợ Sadovod, trung tâm thương mại khổng lồ có đông đảo người Việt Nam làm ăn ở Moskva. Khu chợ này đang nhộn nhịp vào thời điểm chuẩn bị đón năm mới và giáng sinh theo lịch chính thống của Nga với cây thông noel và những chùm đèn nhấp nháy huyền ảo.
Những người cựu chiến binh Việt Nam ở đây nay đã đều là hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại LB Nga thành lập năm 2016, và họ thường gặp gỡ nhau để trao đổi kinh nghiệm, ôn lại những năm tháng kinh doanh tại LB Nga cũng như thời gian trong quân ngũ.
Ông Phạm Văn Mười, thành viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại LB Nga, thương binh hạng 4/4, quê Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương, đã sang Nga làm ăn từ năm 1993. Ông cho biết mình nhập ngũ năm 1976, là lính B-40 trong thành phần Sư đoàn 320 tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nam.
Đề cập đến những phẩm chất của người lính, ông tâm sự: “Những ai đã trải qua lính, được huấn luyện, tôi luyện trong chiến trường đều có tác phong người lính. Như tôi chẳng hạn, đã thành thói quen trước đây 4, 5 giờ sáng là dậy đi chợ không ai phải gọi. Giờ về già nghỉ ngơi đến giờ đó thì tự dậy đi tập thể dục. Thói quen đấy và bản lĩnh của người lính đấy luôn luôn được phát huy mọi lúc, mọi chỗ, mọi nơi. Kể cả trong buôn bán và trong cuộc sống hàng ngày”.
Ông Mười quả quyết: “Chúng tôi lúc nào cũng tự rèn luyện cho mình tố chất của người lính. Nói về tình cảm của người lính, những người nào đã trải qua quân đội, thì tình cảm của người lính lúc nào cũng đặt lên trên. Dù buôn bán, hay làm công việc gì đó người lính chúng tôi luôn tương thân, tương ái và giúp đỡ lẫn nhau”.
Theo ông Phạm Văn Mười tâm sự, hiện kinh doanh tại LB Nga ngày càng khó khăn hơn và ông mong cho hết dịch COVID-19 để được về Việt Nam đoàn tụ với quê hương, gia đình.
Về phần minh, ông Dương Xuân Hữu, một cựu lính Hải quân quê ở huyện Kim Sơn tỉnh Thái Bình, cho biết gia đình họ hàng nhà ông hiện có khoảng 60 người sinh sống, làm ăn tại LB Nga. Ông có 2 con trai và 1 gái.
Người con trai cả, mà tôi đã có dịp tiếp xúc trong một lần làm phóng sự về chuỗi cửa hàng ăn VietExpress của chàng trai trẻ này ở Moskva, vẫn kinh doanh tốt và mới đây đã mở thêm một phòng khám phục vụ người Việt gần khu chợ này.
Ông Dương Xuân Hữu là Chủ tịch Hội đồng hương Thái Bình ở Moskva và là người tích cực đóng góp cho các sự kiện của người Việt. Ông là một trong những người cổ vũ tích cực nhất cho đoàn Việt Nam tham gia hội thao quân sự Army-2020 diễn ra ở ngoại ô Moskva năm vừa qua.
Tâm sự với chúng tôi, ông Hữu cho biết: “Sự đào tạo, rèn luyện của quân đội cho chúng tôi phẩm chất là tính kiên cường. Sau này mình truyền đạt lại cho các con. Các con ở nước ngoài không đi bộ đội, thì rèn tính kỷ luật, nghiêm khắc và tính thật thà của người lính. Quân đội đào tạo cho người cha, cha lại truyền lại cho các con”.
Đề cập đến hoạt động xã hội, ông Hữu cho biết: “Sau vụ lũ lụt ở miền Trung vừa rồi. Người Việt Nam bên này rất đoàn kết, tổ chức được một sân chơi và đóng quỹ để góp về quê hương Việt Nam. Người dân Việt Nam với đồng bào xa tổ quốc chúng tôi gắn liền với nhau như một giọt máu. Người lính chúng tôi luôn nhiệt tình tham gia những chương trình của Việt Nam”.
Một thành viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại LB Nga khác, anh Trần Vũ Thư, quê Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nhớ lại những ngày trong quân ngũ: “Người lính thú vị lắm. Ôn lại kỷ niệm của người lính quá thú vị luôn. Bọn em là thế hệ 7x nhưng thú vị lắm. Những lúc nhớ về đồng đội xem những thước phim về đồng đội là rưng rưng nước mắt”.
Kể về cuộc sống mưu sinh của mình, người nay đã là một “ông chủ” ở chợ Sadovod quả quyết: “Có những lần mất tay trắng, một fur hàng bị thu trắng. Nhưng với bản chất người lính, mất keo này ta bày keo khác. Mình đã qua đời lính rồi mà, lính rèn luyện cho mình như thế cơ mà. Mình không nản chí, phải làm, bấm tay quyết chí phải làm cho bằng được”.
Đến thăm căn hộ một cựu chiến binh có “đôi bàn tay vàng” về nấu ăn là ông Nguyễn Xuân Thiều, sinh năm 1959, quê Yên Khánh, Ninh Bình. Ông cho biết ông từng là lính hậu cần phục vụ ở Campuchia. Hiện dù không còn kinh doanh, song ông Thiều vẫn say mê với nghề nấu nướng để phục vụ cho bà con ở khu nhà của mình cũng như những người biết đến tài nấu nướng của ông.
Tâm sự với chúng tôi, ông nói: “Rèn luyện qua môi trường lính thì gần như người nào cũng có bản lĩnh. Cuộc sống của người lính về mặt đạo đức, làm ăn, ổn định gia đình được tất cả mọi thứ. Thí dụ như gia đình nhà tôi, từ ngày đi bộ đội đến giờ tôi vẫn sinh hoạt đảng, sinh hoạt cựu chiến binh, tôi vẫn sinh hoạt cộng đồng. Cộng đồng nào kêu gọi tôi đều tham gia cả. Cho nên con cái nhà tôi là các cháu đều học bên này cả nhưng 3 đứa thì 2 đứa đã học xong cao học, một đứa mới sang tuổi thứ 9 và các cháu đều ngoan cả”.
Những đức tính cao đẹp của anh “Bộ đội cụ hồ” đã tôi luyện cho những người cựu chiến binh tại LB Nga, để họ tiếp tục duy trì bản chất lính, tinh thần xung phong, vượt qua khó khăn, để tạo lập được những nền tảng gia đình ổn định tại LB Nga.