Đó là thời điểm lệnh của Thống đốc Andrew Cuomo yêu cầu toàn bộ cư dân tiểu bang “ở yên trong nhà” chính thức có hiệu lực, một biện pháp mà sau rất nhiều đắn đo, cân nhắc, cuối cùng ông cũng phải sử dụng trước tình hình dịch COVID-19 lây lan đến mức chóng mặt ở đây: Trên 20.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tính đến thời điểm 23/3/2020. Thậm chí ngày hôm sau cao hơn này ngày hôm trước tới gần 6.000 ca.
Tất cả đóng cửa, chỉ còn những dịch vụ thiết yếu còn được phép mở: siêu thị thực phẩm, ngân hàng, điện nước, trạm xăng, và tất nhiên nhà tang lễ. Giống như tất cả những nơi đang là tâm dịch trên thế giới, New York dường như tê liệt.
Chưa bao giờ New York trông lạ lẫm như lúc này: đường phố vắng lặng, lác đác có vài người cắm cúi đi lại vội vàng như thể đi cho nhanh còn về nhà. Trên khuôn mặt đã bịt kín bằng khẩu trang, vẫn có thể thấy những đôi lông mày nhíu lại đầy ưu tư, lo lắng. Những toa tàu điện ngầm ngày thường phải chen vai thích cánh mới có chỗ đứng và chật ních không cựa được người vào giờ cao điểm, giờ đây chạy đi chạy lại các tuyến đường mà chỉ có vài người khách ngồi yên lặng.
Tại những siêu thị thực phẩm còn mở cửa, các nhân viên bán hàng đều mặc áo mưa mỏng, đeo kính bảo hộ và khẩu trang đứng tính tiền, khiến tôi cứ nghĩ đến cảnh chợ cóc Việt Nam ngày mưa gió. Trên kệ hàng mọi ngày chất đầy các bao gạo cao ngút giờ trống trơn chỉ còn vài bao loại ít người mua. Bên ngoài những cửa hàng bán lẻ và dược phẩm Walgreens, người dân phải xếp hàng chờ bên ngoài bởi quy định hạn chế số người có mặt cùng lúc trong cửa hàng.
Hàng triệu cư dân New York đột nhiên cùng bất đắc dĩ phải nghỉ việc trong nỗi hoang mang tháng tới sẽ lấy đâu tiền để trả tiền thuê nhà và mua thực phẩm. Những hào nhoáng, lung linh độc đáo của New York bỗng nhiên biến đâu hết, chỉ còn lại sự thực giống hệt sự thực ở nhiều nơi trên thế giới lúc này: đó là cố gắng tồn tại chờ ngày dịch kết thúc.
Tự nhiên những nụ cười, rồi âm thanh biểu diễn nhạc tưng bừng và ngẫu hứng của các nghệ sĩ đường phố ở ga tàu điện ngầm hay đơn giản là những phút giây đi dạo trên phố nhìn ngắm nhịp sống hối hả của một New York đầy màu sắc văn hóa đa dạng, bỗng phút chốc trở thành xa xỉ.
Ở New York, người Mỹ, người các nước khác, hay người Việt Nam chúng tôi, tất cả đều đang cùng có trải nghiệm thật giống nhau: nhịp sống bình thường bị dừng lại, những thứ ngày thường quan trọng với mình là thế: công việc, tình yêu, tập gym giảm cân… giờ đây đã bị gác lại hết. Tất cả mọi người ai cũng phải giữ khoảng xa nhau 2 mét nhưng lại chia sẻ một vấn đề chung quan trọng không kém gì ăn uống và hít thở: đó là dịch COVID-19. Động viên nhau nhưng tất cả khó giấu được chút buồn lo, mong chờ đến lúc lại được tiếp xúc bình thường giữa người và người. Còn lúc này, yêu quý nhau chỉ có thể thể hiện bằng cách “ngồi yên ở nhà” và nhìn nhau qua màn hình video.
Ở New York, nơi số ca nhiễm đã nhiều nhất nước Mỹ, các y bác sĩ đang chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho những người dương tính với virus. Ngày 23/3, Thống đốc Andrew Cuomo chỉ thị các bệnh viện phải tăng cường công suất chữa bệnh lên thêm 50%, và các bệnh viện dã chiến cũng chuẩn bị mọc lên tại các trung tâm hội nghị lớn và các khách sạn lớn.
Nhưng chính vào lúc khủng hoảng nhất, khi New York gồng mình vượt qua khó khăn, lại là lúc tình người trở nên nhân văn hơn. Với New York, chính quyền không chỉ lo dập dịch mà còn lo tìm nguồn tài chính để có thể hỗ trợ tối đa cho hơn 1,6 triệu người nghèo vượt qua những ngày khó khăn sắp tới. New York có số dân nhập cư đông đảo, lên tới khoảng 4,5 triệu người. Trong số này, khoảng 560.000 là những người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp. Phần nhiều người nhập cư làm nghề tự do và không có bảo hiểm y tế, nên hiện cơ quan phụ trách nhập cư của văn phòng thị trưởng New York đang nỗ lực để tạo điều kiện cho những cộng đồng này được tiếp cận với những dịch vụ y tế cần thiết trong thời buổi đại dịch.
Có một thực tế nữa mà ít người biết về một New York tráng lệ. Cứ 10 học sinh trường công ở New York thì có 1 em thuộc diện gia đình không có nhà cửa. Rất nhiều học sinh ở các trường công sống chen chúc cùng gia đình trong những căn hộ chật chội và có tới 15.000 em sống ở nhà bảo trợ xã hội, nên khi các trường học phải đóng cửa thì việc học hành của các em cũng bị ngắt quãng và trở ngại bởi nhiều em không có máy tính và Internet để học trực tuyến như yêu cầu của các trường tại bang. Vì vậy, chính quyền tiểu bang New York đang làm hết sức để kịp thời hỗ trợ các em, và nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội cũng góp phần chung tay.
Những tuần qua, tôi đã thấy nhiều cửa hàng mời người dân qua ăn bánh miễn phí cho đỡ đói lòng, đã có những điểm phát rau, quả cho người bỗng thấy mình không có tiền để mua, và cả những quán ăn nhanh như Burger King mời mọi người vào ăn không phải trả tiền nếu không có. Nhiều tổ chức xã hội cũng ra tay hỗ trợ tìm chỗ ở tạm cho người nghèo, người vô gia cư.
Những ngày này, cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng trở nên gần gũi nhau hơn. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và số người Việt mong muốn về Việt Nam tăng đột biến, Tổng lãnh sự Việt Nam tại New York mỗi ngày nhận được vài trăm cuộc gọi điện thoại và vài trăm email của các học sinh, sinh viên Việt Nam xin hỗ trợ tư vấn, nhất là sau khi các hãng hàng không có quy định yêu cầu công dân Việt Nam về nước phải liên hệ với cơ quan lãnh sự lấy giấy xác nhận mới được lên máy bay kể từ 0h ngày 23/3/2020.
Cơ quan lãnh sự New York đã tăng cường mở 3 số điện thoại nóng thay vì 1 số trong thời điểm bình thường và 3 địa chỉ email nóng nhằm kịp thời hỗ trợ công dân Việt Nam ở tại New York và các vùng khác trên đất Mỹ một cách hiệu quả nhất. Lãnh sự quán cũng đề nghị Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc tăng cường nhân sự để có thể túc trực và làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam trên đất Mỹ.
Nhờ phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại, cơ quan lãnh sự Việt Nam tại New York đã giúp được một số gia đình liên lạc được với con em hiện ở Mỹ nhưng gia đình mất liên lạc trong quá trình các em di chuyển qua các bang để tránh dịch. Để làm tốt công tác tư vấn bảo hộ công dân trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cơ quan lãnh sự Việt Nam tại New York cũng liên tục cập nhật thông tin từ các cơ quan chức năng, cảng hàng không quốc tế, các hãng hàng không quốc tế và chính sách nhập cảnh của Việt Nam để có những khuyến cáo phù hợp và kịp thời với người Việt tại Mỹ, nhất là tại New York, tránh về nước ồ ạt vào thời điểm hiện nay để hạn chế nguy cơ tăng lây nhiễm.
Nhiều sinh viên Việt Nam, như Nguyễn Tấn Dũng, học tại Orlando hay Nguyễn Mai Linh học tại Boston đã quyết định trước mắt không cố về Việt Nam nữa và ở lại Mỹ. Linh chia sẻ: "Không về được với gia đình lúc này em rất nhớ nhà, nhưng em nghĩ ở lại sẽ bớt nguy cơ rủi ro cho chính mình và cho người thân. Em và các bạn ở lại đều bảo nhau sẽ hết sức cẩn trọng". Nhóm bạn của Linh đã tự động viên, giúp đỡ nhau tìm nhà để thuê ở tạm do các trường đóng cửa và sinh viên hai năm đầu không được phép ở lại trong trường.
Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại New York như Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, TTXVN và VTV vẫn cố gắng tác nghiệp và duy trì kết nối trực tuyến với nhau. Những câu chuyện vui, những bài hát đi cùng năm tháng của Việt Nam, cả hướng dẫn nhau những phương pháp giữ sức khỏe, phòng dịch... đó là những gì các cán bộ, du học sinh Việt Nam ở lại New York trong những ngày này chia sẻ cùng nhau. Tuy không gặp mặt trực tiếp, nhưng dường như ai cũng thêm phần ấm lòng, thêm phần yên tâm và thấy gắn bó với nhau hơn, dẫu đang sống giữa một trong những tâm dịch của thế giới.