Lý do nhiều người phương Tây phớt lờ khuyến cáo ở nhà trong dịch COVID-19

Nếu nhìn số lượng người đạp xe, chạy bộ trong công viên New York, nghịch cát, tắm biển ở California hay đi dạo ở những thắng cảnh tại Anh, người ta không thể nghĩ những nước này đang trải qua đại dịch COVID-19.

Bỏ qua bài học ở Italy

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy ngày 24/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh CNN (Mỹ), khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát ở Italy, giới chức nước này đã phong tỏa các khu vực “vùng đỏ” ở miền Bắc. Khi số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tiếp tục tăng nhanh, toàn bộ quốc gia Nam Âu bị phong tỏa từ ngày 9/3. Ai vi phạm quy định sẽ bị phạt 232 USD và 6 tháng tù.

Tuy nhiên, cảnh sát Italy đã phạt hàng trăm nghìn người Italy coi thường lệnh cấm ra ngoài. Một quan chức Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc cho rằng biện pháp của Italy dù thuộc dạng nghiêm khắc nhất châu Âu nhưng cũng chưa đủ mạnh.

Ngày 20/3, quân đội Italy đã vào cuộc để giúp thực thi quy định khi số người chết vì COVID-19 tăng vọt và bệnh viện quá tải. Trong cuối tuần qua, Italy có trên 1.400 ca tử vong chỉ trong hai ngày. Giới chức buộc phải ban hành thêm quy định nghiêm ngặt hơn.

Khi châu Âu “soán ngôi” tâm dịch COVID-19 từ Trung Quốc, nhiều nước phương Tây dường như không học được gì từ ví dụ ở Italy.

Chú thích ảnh
Bãi biển Florida chật kín người. Ảnh: Getty Images

Cuối tuần, các bãi biển, đường đi bộ, công viên ở California đông đúc người vui chơi bất chấp bang này cấm tiếp xúc gần với người khác. 

Video người dân Washington vẫn ra ngoài ngắm hoa anh đào giữa dịch COVID-19 (nguồn: SCMP):

Bãi biển Bondi nổi tiếng ở Australia có hàng nghìn người tập trung vui chơi cho tới khi chính quyền phải đóng cửa.

Tại London, người dân đổ ra công viên tắm nắng cuối tuần bất chấp Chính phủ Anh khuyến cáo ở nhà. 

Chú thích ảnh
Công viên Victoria ở London. Ảnh: The Sun

Nhiều người dân London ngày thứ Hai đầu tuần đã đăng ảnh người lao động chen chúc trong tàu điện ngầm.

Mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh phố xá, địa điểm du lịch đông đúc. Có hẳn một từ mới xuất hiện dành để mô tả những người này: covidiot – người phớt lờ quy định phòng dịch bệnh. Nhiều người Anh đã đổ về các khu vực hẻo lánh, làm dấy lên lo ngại các bệnh viện nhỏ ở đây có thể sớm quá tải. Công viên Quốc gia Snowdonia ở Wales chứng kiến lượng khách đổ về đông chưa từng thấy và buộc phải kêu gọi chính quyền đưa ra hướng dẫn, biện pháp rõ ràng hơn. 

Thông điệp chưa đủ mạnh

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại London ngày 22/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tăng cường cách tiếp cận của chính phủ, theo đó phong tỏa một phần thủ đô từ chiều 23/3. Ông nói: “Mọi người chỉ được rời nhà vì mục đích rất hạn chế: mua đồ nhu yếu phẩm, tập thể dục, cung cấp dịch vụ y tế, đi làm nếu rất cần thiết”. Ông cho biết cảnh sát sẽ thực thi quy định này bằng cách giải tán đám đông và gửi phiếu phạt tiền.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock trước đó cho rằng những người dân không thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội như khuyến cáo là rất ích kỷ. Còn Thống đốc New York Andrew Cuomo gọi việc người dân tụ tập ở công viên là sai lầm, ngạo mạn, thiếu nhạy cảm.

Tuy nhiên, theo ông Nick Chater, Giáo sư khoa học hành vi tại Trường Kinh doanh Warwick, nói biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh vì các nhà lãnh đạo phương Tây không nhất quán trong thông điệp đưa ra với người dân. Ông nói: “Thông điệp họ đưa ra khiến mọi người nghĩ nó không quan trọng chút nào… Ta không nói kiểu như ‘tôi khuyên bạn dừng đèn đỏ, tôi khuyên bạn lái xe ở phía này đường’. Ta chỉ cần nói bạn phải làm như thế. Nếu không, bạn phạm luật”.

Các chính phủ phương Tây chần chừ trong thực thi biện pháp phong tỏa mạnh tay như Trung Quốc. Thay vào đó, các chính phủ khuyến cáo người dân ở Anh, Đức và Australia thực hành giãn cách xã hội, khuyên doanh nghiệp cho nhân viên làm ở nhà nếu có thể.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại cuộc họp về ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới kinh tế và xã hội ở Berlin ngày 13/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Đức thực thi lệnh cấm tiếp xúc chứ không phong tỏa toàn quốc. Thủ tướng Angela Merkel nói Đức sẽ cấm tụ tập từ hai người trở lên, trừ những người sống cùng nhau, để giảm tiếp xúc và ngăn virus lây lan.

Ngày 23/3, Thống đốc California Gavin Newsom nói với thanh niên ở bãi biển: “Đừng ích kỷ”. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon kêu gọi người dân làm điều đúng đắn. Thủ tướng Australia Scott Morrison chỉ trích tình trạng không tuân thủ quy định giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, Giáo sư Chater nói những bình luận kiểu này là không đủ. Ông nói: “Đó là thất bại lớn trong truyền thông điệp. Chúng ta có thể nhìn Trung Quốc, Hàn Quốc để thấy những chiến lược thực sự có hiệu quả. Ở Trung Quốc, lệnh phong tỏa rất nghiêm ngặt, có thể là quá mức cần thiết nhưng nhờ đó mà hiệu quả. Ở Hàn Quốc, mọi người tự do đi lại hơn nhưng họ phải xét nghiệm quy mô lớn. Có lẽ cần phải kết hợp cả hai chiến lược này”.

Ngày 19/3, Trung Quốc không có ca mắc bệnh mới sau khi thực thi sớm các biện pháp phòng dịch cho dù kinh tế suy giảm mạnh.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế ở Hong Kong, Trung Quốc ngày 18/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Giãn cách xã hội là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ nhiễm virus ở Hong Kong (Trung Quốc) giai đoạn đầu. Người mới đến sẽ phải đeo vòng tay điện tử giám sát đề phòng họ vi phạm lệnh cách ly.

Một quán bar ở khu vực Discovery Bay tại Hong Kong, tuần trước đã cảnh báo người trở về từ châu Âu rằng ai vi phạm lệnh cách ly thì chủ quán sẽ gửi hình ảnh từ máy quay giám sát cho nhà chức trách.

Một số nước châu Âu đang thực hiện nhiều biện pháp hơn để ngăn virus lây lan nhanh. Ở Pháp, hàng nghìn người đã bị phát vì vi phạm quy tắc. Ngày càng nhiều công viên và bãi biển phải đóng cửa. 

Tuy nhiên, theo ông Chater, nếu các lãnh đạo muốn người dân làm nhiều hơn thì họ phải đưa ra quy định bắt buộc trước khi quá muộn.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thêm 132 ca tử vong, Mỹ trở thành 'điểm nóng' thứ 3 về dịch COVID-19
Thêm 132 ca tử vong, Mỹ trở thành 'điểm nóng' thứ 3 về dịch COVID-19

Theo số liệu mới nhất vừa công bố sáng 24/3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận thêm 132 trường hợp tử vong vì mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên ít nhất 545 người. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN