Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), tại vùng đô thị Manila, đại lộ Epifanio de los Santos, vốn tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, bỗng trở nên thông thoáng lạ thường. Mọi âm thanh huyên náo trên đường phố đã biến mất khi biện pháp phong tỏa cộng đồng của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte có hiệu lực.
Chính phủ Philippines đã ban bố lệnh phong tỏa trên diện rộng, triển khai các lực lượng binh sĩ và cảnh sát vũ trang hạng nặng. Toàn bộ khu vực Manila với dân số 12 triệu người được yêu cầu hạn chế ra ngoài, trừ lý do công việc hay các nhu cầu cấp thiết. Việc di chuyển ra vào thủ đô sẽ được siết chặt ở cả đường bộ, đường không và đường thủy. Các biện pháp hạn chế đi lại này có hiệu lực trong vòng 30 ngày.
Từ tối 14/3, hàng chục trạm kiểm soát của quân đội và cảnh sát đã mọc lên xung quanh biên giới thủ đô, chủ yếu để kiểm tra giấy tờ của những người muốn ra vào thành phố.
Trước đó, Chính phủ Philippines đã nới lỏng hạn chế đi lại đối với gần 3 triệu lao động đến Manila làm việc hàng ngày từ các tỉnh lân cận. Điều này làm dấy lên nhiều tranh cãi trong việc thiết lập các quy định cách ly.
Nghị sĩ Joey Salceda cho biết khu vực bị phong tỏa vẫn còn đầy lỗ hổng. Ước tính 1 triệu lao động vẫn tiếp tục vào thủ đô mỗi ngày. Nhiều video xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội cũng cho thấy các biện pháp kiểm dịch y tế không được thực hiện nghiệm túc. Nhân viên một số cơ quan chức năng không đeo găng tay và không sử dụng máy kiểm tra thân nhiệt. Ông Salceda cho rằng cần tạm dừng mọi hoạt động. Các trường học và doanh nghiệp cần phải đóng cửa, bao gồm cả các trung tâm thương mại.
Ông Salceda ước tính nền kinh tế Philippines sẽ bị tổn thất khoảng 51 tỉ peso (khoảng 998 triệu USD), nhưng ông đảm bảo biện pháp này sẽ ngăn chặn được virus SARS-CoV-2. Theo ông, nền kinh tế nước này sẽ phục hồi và bù đắp được thiệt hại.
Thay vì phong tỏa hoàn toàn, Cơ quan Phát triển Đô thị Manila – phụ trách giám sát giao thông, thu gom rác thải và ứng phó thiên tai – đã tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng và cảnh báo bắt giữ người vi phạm.
Theo đó, người dân tại Manila chỉ được di chuyển tự do bên trong thành phố trong khung giờ cho phép để phục vụ công việc hoặc những vấn đề cấp thiết, bao gồm nhu cầu y tế. Các hoạt động vận tải hàng hóa, lương thực và thực phẩm cũng không bị ảnh hưởng.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Philippines đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn vật tư y tế trầm trọng. Bệnh viện đa khoa Philippines thuộc Đại học Philippines đã phải kêu gọi ủng hộ thiết bị bảo hộ y tế trong bối cảnh các ca bệnh ngày càng tăng tại nước này.
Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết sẽ cấp cho Chính phủ Philippines khoản tài trợ trị giá 3 triệu USD để mua trang thiết bị y tế khẩn cấp và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả.
Tính đến ngày 16/3, Philippines đã ghi nhận 140 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 12 ca tử vong. Trong số đó, có một bé gái 13 tuổi ở thành phố Quezon là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mắc COVID-19.