Làm việc luôn tay như vậy nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi người phụ nữ 63 tuổi, tròn 20 năm đơn thân, nuôi 4 con trưởng thành.
Người phụ nữ nghị lực
Bà Cái Thị Mỹ Hiệp hiện là Chi hội phó Chi hội phụ nữ số 8, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ đơn thân quản lý gia đình và nuôi dạy con cháu (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Gần 40 năm trước, bà Hiệp rời quê hương xứ Huế, vào thành phố Đà Nẵng làm công nhân. Tại đây, bà gặp và cưới một đồng nghiệp, cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, thăng trầm, họ đã có cuộc sống hạnh phúc. Sau 20 năm, ông đột ngột qua đời do bệnh hiểm nghèo, để lại bà cùng 4 người con chưa trưởng thành, con út mới 5 tuổi.
Chồng mất sớm, các con còn nhỏ, nên ngoài đi làm công nhân, bà Hiệp đã phải xoay xở nấu rượu, nuôi lợn, làm thêm nhiều việc để cải thiện đời sống. Thấy gia cảnh mẹ góa con thơ của bà Hiệp, họ hàng, làng xóm, bạn bè đều chung tay hỗ trợ bà những lúc khó khăn. Nhờ vậy, bà có thêm động lực, tần tảo nuôi nấng các con ăn học, đến nay đều đã khôn lớn nên người, có công việc ổn định. “Nhờ sự giúp đỡ của mọi người nên gia đình tôi mới vươn lên được như ngày nay. Giờ các con có thể tự lo được rồi nên tôi nguyện dành thời gian và tâm huyết của mình để hỗ trợ các chị em có hoàn cảnh khó khăn giống mình ngày trước”, bà Hiệp chia sẻ.
Từ năm 2015, khi nghe Bí thư Chi bộ khu dân cư đề xuất thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ đơn thân quản lý gia đình và nuôi dạy con cháu, bà Cái Thị Mỹ Hiệp đã rất nhiệt tình hưởng ứng. Những ngày đầu chưa có hoạt động, chị em còn chưa tin tưởng, cũng chưa muốn tham gia. Bà Hiệp đã cùng Chi hội trưởng Hội Phụ nữ đi đến từng nhà, vận động từng người, dùng tình cảm để chia sẻ, động viên chị em đi sinh hoạt. Để có nguồn kinh phí ban đầu, bà Hiệp mạnh dạn đi vận động một số nhà hảo tâm trong khu vực. Bà còn nhớ đã mừng đến phát khóc khi một cá nhân đã chia sẻ và ủng hộ số tiền lên tới 2 triệu đồng.
Bà Hiệp vui mừng kể lại: “Sau khi có quỹ, chúng tôi đã tổ chức một số buổi gặp mặt, giao lưu, chia sẻ cho các chị em. Mỗi người một hoàn cảnh, có người mặc cảm vì nghèo, có người mặc cảm quá khứ, có người mặc cảm công việc, có người lận đận chuyện gia đình... Nhưng khi giãi bày, chia sẻ với nhau, mọi người dần thân thiết hơn và có thêm nhiều nghị lực, niềm tin vươn lên trong cuộc sống. Từ đó, các chị em tự giác lấy tiền lẻ mỗi ngày nuôi heo đất để góp làm quỹ sinh hoạt”.
Đúng với tinh thần “giúp được gì cho chị em thì mình làm”, nên “bà chủ tịch” Hiệp không hề nhận được một khoản phụ cấp, kinh phí hỗ trợ gì khi điều hành, quản lý Câu lạc bộ Phụ nữ đơn thân. Đối với bà, nhìn nụ cười của các chị em, nhìn thấy những đứa trẻ lớn lên, trưởng thành là niềm hạnh phúc quý giá nhất.
Cùng nhau vượt qua khó khăn
“Phụ nữ đơn thân nhưng không đơn độc”, đó là suy nghĩ chung của 32 chị em trong mái nhà chung - Câu lạc bộ Phụ nữ đơn thân quản lý gia đình và nuôi dạy con cháu. Ngoài các buổi sinh hoạt chia sẻ khó khăn, động viên nhau trong cuộc sống, Câu lạc bộ đã có nhiều hoạt động thiết thực, trực tiếp hỗ trợ các gia đình.
Như trường hợp bà Võ Thị Xuân Xinh, gần 60 tuổi, một mình nuôi con, không có nghề nghiệp, sống trong một ngôi nhà tạm bợ, tính tình lại rất hung dữ, khó chịu. Nhưng từ khi được sinh hoạt trong Câu lạc bộ, được chị em giúp đỡ, tính khí bà Xinh đã thay đổi rất nhiều. Bà cũng được hỗ trợ mở quán bán đồ ăn sáng, kiếm thêm thu nhập, được giới thiệu để Hội Phụ nữ cấp trên hỗ trợ 10 triệu kinh phí sửa sang nhà cửa...
Hay như một trường hợp khác, một mẹ đơn thân nuôi 3 con trai, gia cảnh rất khó khăn. Đặc biệt là cậu con út, được nuông chiều từ nhỏ nên rất hư hỏng, ăn chơi đua đòi, phá làng phá xóm. Mẹ không dạy bảo được con nên đã nhờ các chị em trong Câu lạc bộ động viên, khuyên nhủ. Sau một thời gian, tình cảm chân thành của bà Hiệp cùng các bà, các cô trong xóm đã cảm hóa được cậu thanh niên, vận động được cậu tỉnh ngộ, đi nghĩa vụ quân sự và về nhà chăm chỉ lao động kiếm sống.
Một trường hợp đặc biệt, được các bà, các chị “cho ra khỏi Câu lạc bộ” vì không còn đơn thân. Ngày chị đi bước nữa, các chị em trong Câu lạc bộ về tận quê chúc mừng đám cưới. Ai cũng vui mừng, phấn khởi vì chị đã tìm được bến đỗ mới cho cuộc đời, Câu lạc bộ cũng hoàn thành được trách nhiệm chăm sóc một thành viên.
Không chỉ 32 chị em trong Câu lạc bộ Phụ nữ đơn thân, các hội viên phụ nữ tại Chi hội Phụ nữ số 8 luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Chị Lê Thị Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 8, người luôn đồng hành cùng bà Hiệp trong các công việc cộng đồng cho biết: “Bên cạnh chia sẻ, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi còn hỗ trợ tạo việc làm, giúp các chị có thêm thu nhập”.
Chi hội đã thành lập 5 tổ góp vốn quay vòng, đến nay đã có 45 chị được nhận với tổng số tiền hơn 202 triệu đồng. Hàng năm giới thiệu cho trên 20 chị tham gia các lớp học trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm, làm mũ cói, nấu ăn... Ban cán sự Chi hội thực hiện mô hình hỗ trợ “Phụ nữ khởi nghiệp” với mô hình “Dịch vụ nấu đám”; “May bóp ví và làm mũ cói”, đã đề xuất Hội Liên hiệp Phụ nữ phường hỗ trợ các chị vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền 350 triệu đồng cho 7 chị. Chi hội cũng giúp thành lập và duy trì 2 địa chỉ hồng, hiện đang hoạt động tốt với 17 chị tham gia may gia công mũ cói, may bóp ví, nhận nấu tiệc, trồng rau sạch với thu nhập ổn định bình quân từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Suốt 5 năm qua, nhờ được bà Cái Thị Mỹ Hiệp truyền cảm hứng, Câu lạc bộ Phụ nữ đơn thân nói riêng và Chi hội phụ nữ số 8 phường Hòa Phát đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, thường xuyên được tuyên dương bởi Hội Phụ nữ các cấp, chính quyền địa phương... Mới đây, bà Cái Thị Mỹ Hiệp đã được Ban Thường vụ Hội Phụ nữ thành phố Đà Nẵng giới thiệu đi dự Đại hội Thi đua yêu nước Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ IV (giai đoạn 2015-2020).
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng nhận xét: Hội viên Cái Thị Mỹ Hiệp là một gương điển hình xuất sắc, không chỉ trong phong trào phụ nữ mà còn nổi bật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; có nhiều sáng kiến, hoạt động, cách tổ chức hay để các hội viên khác thực hiện theo.
Bà Hiệp là tấm gương thi đua yêu nước theo phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ X phát động từ năm 2002 và tiếp tục triển khai cho đến nay. Đây là phong trào thi đua lớn, có ý nghĩa bao trùm, phát huy được thế mạnh của phụ nữ Việt Nam, vận động tất cả phụ nữ tham gia thực hiện cụ thể từng tiêu chí cho từng đối tượng khác nhau, như nữ nông dân, nữ công chức, viên chức và lao động, nữ doanh nhân, tiểu thương, nữ trong các đơn vị lực lượng vũ trang... Tại Đà Nẵng, phong trào đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của nữ giới trong sự phát triển chung của các ban ngành, quận, huyện và của cả thành phố.