Sinh năm 1952 tại xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), năm 13 tuổi, bà Nhạn đã tham gia hoạt động cách mạng. Được giao nhiệm vụ là biệt động nội thị và điệp báo an ninh cho Đội Công tác vũ trang thị trấn Mộ Đức (huyện Mộ Đức), bà Nhạn lấy được nhiều thông tin bí mật về căn cứ của địch cung cấp cho Đội, tham gia nhiều đợt rải truyền đơn, gài mìn và dẫn đường cho Đội tấn công tiêu diệt quân địch.
Không ngại hiểm nguy, vào trong hang ổ địch, bà Nhạn tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động. Với gần 30 lần tuyên truyền, bà Nhạn vận động được 2 tên ngụy quân giác ngộ làm cơ sở cho quân ta và xây dựng được mạng lưới cơ sở với 9 người tham gia hợp tác với quân đội Việt Nam. Bà Nhạn tham gia chiến đấu trên 23 trận chiến lớn, nhỏ và diệt được 23 tên địch.
Bà Nhạn nhớ lại, vào ngày 16/1/1971, bà đã gài mìn vào chiếc xe của địch tại căn cứ Chi khu thiết trường Mộ Đức, khiến 13 tên giặc bị chết, 18 tên bị thương. Ngay sau sự kiện này, bà Nhạn vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường, được tuyên dương Dũng sỹ diệt Mỹ. Sau đó, bà được chuyển sang làm giao liên cho Văn phòng Huyện ủy Mộ Đức, rồi chuyển về cơ quan tuyên giáo huyện mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Trong 6 năm tham gia chiến đấu (1966-1971), bà Nhạn có tới 3 lần bị địch bắt. Bà nhớ nhất là khi đang đưa thư cho Văn phòng huyện ủy Mộ Đức, bà bị địch bắn bị thương. Biết không thể thoát khỏi tay địch, bà xé nhỏ lá thư rồi cố nuốt vào bụng. Địch dùng đủ mọi cách để lấy lá thư nhưng không được đã đánh bà ngất đi. Tỉnh dậy, bà Nhạn mới biết mình đang bị giam cầm tại nhà lao tỉnh Quảng ngãi. Để khai thác các thông tin về cách mạng, chúng đánh đập bà đến dã man. Sau nhiều lần chết đi sống lại, bà giả vờ bị điên, không khai thác được thông tin, chúng buộc phải trả tự do cho bà vào năm 1972.
Với những cống hiến của mình trong công cuộc kháng chiến giữ nước, bà Nhạn được tặng thưởng các danh hiệu: Huân chương Chiến công hạng nhất; Huân chương Giải phóng hạng Nhì; Dũng sỹ diệt Mỹ, Dũng sỹ diệt ngụy, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Quyết thắng hạng Ba, Huân chương Giải phóng hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen của trung ương và địa phương.
Năm 1976, sau giải phóng đất nước, bà Nhạn theo chồng lên Gia Lai lập nghiệp. Ở quê hương thứ hai, bà cũng có nhiều cống hiến cho địa phương, đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau, cương vị nào bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với uy tín, bản lĩnh chính trị, bà Nhạn có 22 năm làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố 2, thị trấn Chư Prông. Do sức khỏe bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, sau đó, bà về làm Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị huyện Chư Prông.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Prông, chia sẻ, ông biết bà Nhạn từ lúc ông còn đương chức trong quân đội của huyện Chư Prông. Ông Thiện đánh giá bà Nhạn là người năng nổ, tận tâm với công việc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh.