Phát biểu tại Hội thảo, ông Lâm Tấn Hòa, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng, sự kiện đón rước Đoàn tù chính trị Côn Đảo về đất liền Sóc Trăng vào ngày 23/9/1945 có giá trị lịch sử to lớn đối với cách mạng Việt Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Hội thảo về sự kiện được tổ chức để tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện trong cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng; góp phần đánh giá đầy đủ, chính xác các vấn đề liên quan, tìm ra thông tin có độ tin cậy cao và những vấn đề cốt lõi của sự kiện. Kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp những cứ liệu lịch sử quan trọng để bổ sung, chỉnh lý tái bản lịch sử Đảng bộ các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ nhiều kết quả nghiên cứu, nhận xét khách quan về sự kiện; cung cấp thêm những thông tin chính thống, chính xác, đầy đủ và thống nhất về sự kiện đã diễn ra cách đây 75 năm.
Các đại biểu thống nhất, 75 năm đã trôi qua, song sự kiện đón rước Đoàn tù chính trị Côn Đảo về đất liền Sóc Trăng vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn sâu sắc. Sự kiện là minh chứng sinh động về truyền thống yêu nước của dân tộc; tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên trung, niềm tin mãnh liệt vào mục tiêu lý tưởng của Đảng, thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Do đó, sự kiện cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung và khẳng định về tầm vóc và ý nghĩa; góp phần cổ vũ, động viên và phát huy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, đoàn kết đến toàn dân, toàn quân.
Theo tài liệu được ghi lại, ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Đảng, Chính phủ, Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ nhanh chóng chỉ đạo việc tổ chức đoàn đưa các tù chính trị ở Côn Đảo trở về đất liền bởi đây là lực lượng cách mạng quan trọng, là những "hạt giống đỏ" của Đảng, Cách mạng.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 16/9/1945, đoàn tàu với gần 200 thủy thủ, xuất phát từ cửa biển Trần Đề, quận Long Phú (nay thuộc huyện Trần Đề), vượt biển ra Côn Đảo đón rước các chiến sĩ cách mạng bị chính quyền thực dân Pháp giam cầm trở về đất liền.
Chiều tối 23/9/1945, một nhóm tàu chở trên 1.800 tù chính trị Côn Đảo cập bến Đại Ngãi (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Theo nhiệm vụ được phân công, các lực lượng tiếp đón Đoàn đã đưa các chiến sĩ tù chính trị Côn Đảo về địa điểm tập kết (trường Fransois-Xavier, nay thuộc phường 6, thành phố Sóc Trăng). Một số được bố trí nghỉ qua đêm tại chùa Quan Âm (nay thuộc thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú). Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, một nhóm tàu khác lần lượt cập bến cầu tàu Lục tỉnh. Cùng về với nhóm tàu này còn có chiếc ca nô Giải Phóng, chở 13 người, trong đó có các đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Hùng Minh, Nguyễn Hùng Phước…
Đoàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về đất liền tiếp tục theo lời kêu gọi của Đảng, tỏa đi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ở khắp mọi miền đất nước. Trong số các tù chính trị từ Côn Đảo trở về Sóc Trăng ngày 23/9/1945, nhiều người sau này trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta như: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng; hai Tổng Bí thư Lê Duẩn và Nguyễn Văn Linh; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay gọi là Thủ tướng Chính phủ) Phạm Hùng…