Tìm giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo 

Ngày 26/4, tại Côn Đảo, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, phát huy các giá trị di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo gắn với tăng cường quản lý, phát triển hoạt động du lịch” với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh cùng đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội du lịch, chuyên gia, nhà khoa học.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham gia tọa đàm.

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận đều đánh giá rất cao giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo cần phải phát huy, nâng tầm các giá trị này góp phần cho phát triển kinh tế xã hội Côn Đảo và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo các chuyên gia và nhà khoa học, để các giá trị di tích Côn Đảo thăng hoa, công tác quản lý, đầu tư của tỉnh phải xác định rõ phần nào thuộc nhà nước, phần nào là tư nhân và phải mạnh dạn giao cho tư nhân tham gia.

Ông Nguyên Hữu Thọ-Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nhấn mạnh, phải rất thận trọng trong khai thác các di tích; những giá trị thuộc về truyền thống thì phải giữ vì đây là cái lõi của Côn Đảo. Cụ thể, khu trung tâm Côn Đảo không được thay đổi và nếu có đầu tư thì phát phát triển ra khu mới. Đối với Côn Đảo, làm du lịch là nguồn thu, động lực chính để phát triển các ngành khác và thông qua du lịch để có kinh phí bảo tồn các di tích. Bên cạnh đó, phải giữ gìn cả môi trường văn hóa, thiên nhiên để bổ sung cho giá trị các di tích.

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, tỉnh cũng như huyện Côn Đảo phải quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực cho du lịch vì hiện nguồn nhân lực cho du lịch Côn Đảo còn yếu và thiếu. Bên cạnh đó, phải nhanh chóng tìm nguồn năng lượng điện cho phát triển Côn Đảo. Phải định hướng rõ ràng và quy hoạch một cách đồng bộ các ngành, rà soát lại các quy hoạch phát triển; đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối như mở rộng sân bay, bến tàu, du thuyền, kết nối các tuyến du lịch; bảo vệ nghiêm môi trường và xây dựng hình thành văn hóa du lịch cho người dân Côn Đảo…

Các đại biểu đã đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để tỉnh và huyện Côn Đảo tham khảo, xây dựng kế hoạch phát triển cho thời gian tới. Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, khu du lịch Quốc gia Côn Đảo có 24 điểm tham quan di tích, 22 điểm tham quan danh lam thắng cảnh và 24 tuyến tham quan các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, sinh thái. Tỉnh và huyện đã xác định các loại hình du lịch Côn Đảo chính gồm: nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch hội nghị-hội thảo-nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục truyền thống, du lịch tâm linh lễ hội, du lịch sinh thái.

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn duy nhất của huyện đảo trong vòng 5 năm tới và mọi hoạt động kinh tế của các ngành sản xuất và dịch vụ khác trên địa bàn đều nhằm phục vụ mục tiêu phục vụ cho sự phát triển của ngành du lịch một cách hiệu quả và bền vững.

Theo báo cáo của UBND huyện Côn Đảo, trong 2 năm 2017, 2018, lượng khách du lịch đến Côn Đảo tăng đột biến. Năm 2018, tổng lượng khách đến Côn Đảo đạt hơn 286.000 lượt, tăng hơn 17% so với 2017; trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 32.000 lượt, tăng hơn 2,6% so với 2017. Tổng doanh thu đạt hơn 1.317 tỷ đồng, tăng gần 13% so với 2017. Tính đến tháng 4/2019, trên địa bàn tỉnh có 80 hơn 80 cơ sở lưu trú, tăng 74% so với thời điểm cuối năm 2017.

Tin, ảnh: Đoàn Mạnh Dương (TTXVN)
Nhà đày Buôn Ma Thuột được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt
Nhà đày Buôn Ma Thuột được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Sáng 25/4, tại thành phố Buôn Ma thuột (Đắk Lắk), tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN