Họ là người vợ, người đồng đội với anh Nguyễn Văn Trỗi đã bị thực dân đế quốc giam cầm tại nhà tù Côn Đảo. Sống trong cảnh tù đầy gian khổ mà họ luôn tự hứa phải “Sống như anh”. Đó là những cựu từ chính trị như: chị Tâm, chị Quyên, anh Lời... những người đã sống cống hiến hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.
“Sống như anh”
Tất cả đồng đội, người thân của anh Nguyễn Văn Trỗi, không ai không biết ở tuổi 24 anh đã sẵn sàng quên đi mạng sống của mình để góp sức đánh đuổi đế quốc, giành lại hòa bình - điều mà người dân Việt Nam nào cũng có quyền được hưởng. Nhưng, trong cuộc chiến đòi lại cái quyền tất phải được hưởng ấy, anh đã hy sinh thân mình. Một ngày mùa thu năm 1964, tiếng anh hô đã vang đi và dội lại trong tim của đồng bào, rằng "Hãy nhớ lấy lời tôi!". Đồng bào đau đớn khóc thương anh và nguyện rằng hãy "Sống như anh". Anh ra đi để lại người vợ mới kết hôn chưa được 20 ngày.
Ông Nguyễn Hữu Lời đang say sưa kể về tình đồng đội với anh Nguyễn Văn Trỗi). |
Bà Phan Thị Quyên (vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) bồi hồi nhớ lại: “Sống với anh Trỗi chưa đầy 20 ngày thì một ngày tôi nghe tin anh bị bắt vì làm việc cho Việt Cộng. Không tin vào những lời đồn đại bởi tôi thấy từ trước đến nay anh luôn là người tốt bụng giúp đỡ hàng xóm láng giềng”. Trong khi còn hoang mang vì người chồng mới cưới bị bắt, chị Quyên lại bàng hoàng hơn khi bị chúng đưa đến Tổng Nha cảnh sát để tra hỏi (chị Quyên bị bắt sau anh Trỗi 1 ngày).
Từng là người đầu tiên dìu dắt chị Quyên đi theo con đường cách mạng khi bị giam cùng phòng nhà tù Côn Đảo, bà Trương Thị Mỹ Hoa (bí danh Tâm), nguyên Phó Chủ tịch nước, cựu tù chính trị đã kể lại những giây phút đầu tiên khi gặp mặt chị Quyên. Bà Hoa cho biết: Khi nghe được câu chuyện của chị Quyên, tôi đã giải thích kỹ càng cho chị Quyên nghe về việc làm vì chính nghĩa của anh Trỗi. Em phải tự hào về những việc anh ấy đã làm. Em phải sống và tiếp tục con đường mà anh Trỗi đã chọn”.
Thời gian trôi qua, chị Quyên càng thấu hiểu và cảm nhận được sự đau khổ mà cả đồng bào đang hứng chịu. Dần dần, chị Quyên đã đi theo cách mạng từ lúc nào không biết. “Trước sự tra khảo dã man, tôi chỉ sợ chị Quyên khai hết sự tình nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên khi chị Quyên nhất quyết không khai mà còn trả lời những câu hỏi của chúng khá là lưu loát và bản lĩnh.”-Bà Hoa cho biết thêm.
Xúc động trước tình yêu của anh Trỗi và chị Quyên, xúc động về những việc làm của đôi vợ chồng trẻ bà Hoa tâm sự: “Bên cạnh sự hy sinh bất khuất của anh Trỗi, mối tình anh Trỗi dành cho chị Quyên đã trở thành nguồn động viên lớn lao cho chúng tôi. Chúng ta có biết bao những anh Trỗi không tên như thế, những người con đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho tổ quốc. Sống như anh cũng là một lời nhắc nhở còn nguyên giá trị khi chúng ta đang trong thời kỳ xây dựng đất nước đầy thử thách”.
Chiến đấu vì anh
Đó là câu chuyện kể về người vợ anh Nguyễn Văn Trỗi, còn một người đồng đội, cùng bị bắt giam với anh vào một ngày mùa Thu đó, ông Nguyễn Hữu Lời. Mặc dù, đang ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng giọng nói khoẻ khoắn của cựu tù chính trị Nguyễn Hữu Lời (Sáu Lời) khi nghe ông kể lại câu chuyện về tình đồng đội giữa anh Trỗi và ông.
Ông Lời cho biết: “Tham gia hoạt động cách mạng khi còn là cậu bé thiếu niên và rất phẫn nộ trước cảnh bị kìm kẹp thống trị của bọn thực dân, đế quốc. Cho nên, tôi cùng anh Trỗi nhận nhiệm vụ đặt mìn ám sát Bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara ngay tại cầu Công Lý (ngày nay), tuy nhiên sự việc bất thành nên chúng tôi cùng bị bắt. Vì thương tôi còn nhỏ (17-18 tuổi) và muốn tôi được sống nên khi bị bắt anh Trỗi đã nhận mình là người chủ mưu trong việc ám sát còn tôi chỉ là người thuê kéo dây. Tôi còn nhớ như in lúc đó là khoảng 5, 6 giờ chiều ngày mùng 7/8/1964, ghé vào tai tôi anh Trỗi thì thầm, ra toà anh sẽ nhận hết tội, em không được nhận gì hết vì nếu em nhận thì cả hai cũng chết nên để việc đó cho anh”. Ra toà, anh Trỗi đã thực hiện đúng như đã nói và bị toà tuyên án tử hình còn ông Lời cũng bị phạt 20 năm tù và đầy ra tù Côn Đảo.
Ông Nguyễn Hữu Lời (bên phải) và anh Nguyễn Văn Trỗi hi bị bắt vì âm mưu sát hại Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara. |
Ông Lời cho hay, suốt thời gian 10 năm (1964-1974) sống cực khổ ở nhà tù Côn Đảo chịu cảnh đói khát với nhiều hình thức tra tấn dã man, đã có lúc ông cảm thấy mệt mỏi và không thể nào chịu đựng nổi. Nhưng lại nhớ đến cái chết cao cả của anh Trỗi, cái chết vì dân vì nước, đặc biệt là anh đã nhận tội cho nên ông luôn cố gắng sống để chiến đấu. 10 năm ở nhà tù Côn Đảo, hết sống trong chuồng bò, chuồng cọp rồi hàng loạt đòn roi tra tấn hòng moi móc thông tin, song, bọn địch đều vô vọng và cuối cùng chúng đành phải để ông sống cầm chừng trong tù giam mà không thể giết chết.
Trở lại với thời bình, các cựu tù chính trị ngày ấy vẫn tiếp tục phát huy truyền thống anh dũng nhằm góp phần giáo dục thế hệ trẻ và gương mẫu đi đầu trong các phong trào chính trị- xã hội ở địa phương. Điển hình như ông Lời, dù tuổi cao sức yếu ông vẫn thiết tha tham gia các hoạt động địa phương, cùng chính quyền và nhân dân chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn sự bình yên cho khu phố. Là người đã gắn cả đời cho cách mạng, ông Nguyễn Hữu Lời gửi lời nhắn nhủ đến những bạn trẻ: “Đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, không phải lo lắng đến cơm ăn và áo mặc, thế hệ trẻ được học hành nhiều, biết kinh doanh để làm giàu. Song, thế hệ trẻ vẫn luôn phải hướng về cội nguồn, lịch sử. Có biết được những gian khổ, hy sinh của thế hệ đi trước mới biết gìn giữ, bảo vệ và phát huy những thành quả đang có và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam”.
Bài, ảnh: H. Tuyết