Người thương binh vượt khó làm giàu từ quê hương Hòn Đất

Ông Phạm Thanh Bi, 66 tuổi, là thương binh 4/4 ngụ tại ấp Lình Huỳnh, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Tại địa phương, là một người có uy tín và làm kinh tế giỏi, ông Phạm Thanh Bi được bầu làm Trưởng ấp.

Chú thích ảnh
Ông Phạm Thanh Bi được các cấp, ban ngành địa phương trao tặng nhiều Bằng khen vì thành tích trong quá trình hoạt động xã hội, chăm lo đời sống cho bà con. 

Gần 20 năm ở cương vị Trưởng ấp, ông Bi được các cấp, ban ngành địa phương khen tặng các thành tích về hoàn thành xuất sắc công tác xây dựng mô hình “Tổ nhân dân tự quản không tội phạm và tệ nạn xã hội”, trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào thi đua Cựu chiến binh gương mẫu giai đoạn 2014 - 2019. Là thương binh 4/4 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Phạm Thanh Bi còn vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. 

Năm 1969, khi mới 15 tuổi, người thanh niên Phạm Thanh Bi đã tham gia du kích xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng, ông Bi tự hào kể lại: Thời chiến tranh rất ác liệt, du kích xã chúng tôi cùng với bộ đội tham gia rất nhiều trận đánh địch. Có những trận, ta và địch quần nhau từ tối đến sáng bằng pháo kích, máy bay ném bom thì quần thảo trên đầu. Ông Bi thoát chết nhiều lần, bị thương hai lần với nhiều vết trên người, thương tật 21%. Có lần, ông Bi chiến đấu trong hầm không còn nắp. Hầm bị địch ném bom, ông Bi bất tỉnh, máu chảy ra nhiều hai bên mang tai nên đến giờ thính giác của ông bị suy giảm.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, ông Bi làm Xã đội phó, rồi Xã đội trưởng của xã Thổ Sơn và tiếp tục tham gia chiến đấu trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Đến năm 1982, ông giải ngũ, trở về sản xuất tại địa phương. Cuộc sống nhiều năm khó khăn, nhưng với tinh thần của một người lính Cụ Hồ, ông Bi cùng vợ con luôn nỗ lực vươn lên, sống nghĩa tình với bà con xóm giềng. 

Ông Bi chia sẻ, từ năm 2000, ông bắt đầu lên liếp trồng thử nghiệm 0,5 ha xoài cát Hòa Lộc. Lúc đầu, chưa nắm bắt được kỹ thuật gieo trồng, gia đình ông gặp nhiều khó khăn trong canh tác và thất bại nhiều lần. Sau một thời gian kiên trì trồng, tự rút kinh nghiệm và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do địa phương tổ chức, ông Bi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách để tiếp tục sản xuất. Năm 2015, ông Bi mở rộng diện tích trồng xoài thành 2,5 ha, năng suất đạt bình quân hơn 5 tấn/năm.

Tùy theo giá xoài dao động từ 80.000 - 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi gần 200 triệu đồng/năm. Để tránh để bị thương lái ép giá, ông Bi thuê xe trực tiếp bỏ mối tại chợ An Hữu (tỉnh Tiền Giang). Ông Bi còn canh tác 20 công (2 ha) lúa Nhật, năng suất đạt hơn 1 tấn/công. Một năm làm hai vụ lúa, bình quân lãi 3 triệu đồng/công/vụ, lợi nhuận từ trồng lúa mang lại cho ông hơn 100 triệu đồng/năm. Từ năm 2015 đến nay, nhờ trồng xoài và lúa, thu nhập của gia đình ông Bi đạt khoảng 300 triệu đồng/năm. Ông Bi còn tích cực vận động bà con và trực tiếp tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương, được chính quyền và bà con trong ấp, trong xã yêu mến, học tập noi theo.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòn Đất Trần Xuân Nghi cho biết, ông Phạm Thanh Bi là một tấm gương thương binh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Nhiều năm nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Hòn Đất luôn ưu tiên hỗ trợ các tổ sản xuất kinh doanh trong đó có nông dân là thương binh, giúp đỡ những người lính Cụ Hồ vượt qua khó khăn cùng nhau phát triển sản xuất. Với kinh nghiệm canh tác lâu năm về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc xoài cát Hòa Lộc và lúa, ông Bi luôn sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao kỹ thuật cho bà con trong vùng để mọi người cùng học hỏi, phát triển kinh tế gia đình.

Chú thích ảnh
Mô hình trồng xoài áp dụng công nghệ cao của gia đình ông Bi. 

Từ năm 2003, ông Phạm Thanh Bi tham gia làm Trưởng ấp Lình Huỳnh, xã Thổ Sơn và làm các công tác xã hội khác tại địa phương. Trước năm 2005, xã Thổ Sơn chưa tách làm hai xã Thổ Sơn và Lình Huỳnh, diện tích và dân số ấp Lình Huỳnh bằng cả xã Lình Huỳnh bây giờ. Sau năm 2005, xã Lình Huỳnh được thành lập và tiếp tục chia thành 4 ấp: Lình Huỳnh, Cây Chôm, Huỳnh Sơn và Vàm Biển, trong đó ấp Lình Huỳnh là ấp rộng và đông dân nhất xã. Làm trưởng ấp trong một thời gian dài trên một địa bàn rộng, dân số đông, vừa chăm lo kinh tế gia đình, ông Bi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Trưởng ấp, được bà con yêu thương, tin cậy. Ông tích cực làm công tác từ thiện xã hội, chăm lo vận động người dân cùng tham gia sửa đường, bắc cầu giao thông nông thôn. Ngoài ra, ông còn vận động ủng hộ tiền, vật chất, nhu yếu phẩm để giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, đối tượng chính sách, những trường hợp gặp khó khăn, hoạn nạn tại địa phương. 

Ông Bi tâm niệm: Chiến tranh khó khăn gian khổ, giữa sự sống cái chết chỉ đếm từng phút qua mỗi trận đánh, tôi được sống sót trở về là may mắn lắm! Bao nhiêu năm qua, luôn ý thức mình từng là một người lính Cụ Hồ, tôi tích cực vận động gia đình, bà con tăng gia sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tôi chỉ mong đời sống bà con được khấm khá hơn, có thu nhập tốt hơn, góp phần giúp cho kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển…

Bài và ảnh: Hồng Đạt (TTXVN)
Thông tấn xã Việt Nam tri ân các thương binh, liệt sĩ tại An Giang
Thông tấn xã Việt Nam tri ân các thương binh, liệt sĩ tại An Giang

Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), hướng tới kỷ niệm 75 năm thành lập Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945-15/9/2020), 60 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 -12/10/2020), ngày 25/7, Hội Cựu chiến binh Thông tấn xã Việt Nam phối hợp Hội Cựu chiến bình tỉnh An Giang tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc, thuộc xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN