Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đỗ Cường và các thành viên trong đoàn công tác đã thành kính dâng hoa, dành một phút mặc niệm trang nghiêm trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ và đến từng phần mộ của các anh thắp những nén hương thơm tri ân, tưởng nhớ công ơn của những người con đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, các anh đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, hy sinh cho đất nước nở hoa - cho dân tộc trường tồn.
Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc, thuộc xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang được hình thành trong những năm tháng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 8.100 liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất Campuchia và trong nước (trong số đó, chỉ hơn 3.000 ngôi mộ có thông tin liệt sĩ) do Đội Chuyên trách K90 - Quân khu 9 và Đội Chuyên trách K93 Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang tìm kiếm, cất bốc và hồi hương tại các tỉnh: Kandal, Kampong Chhnang, Koh Kong, Kampong Speu, Takeo, Kampot (Campuchia)… theo từng đợt trong năm.
Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đỗ Cường, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa, Thông tấn xã Việt Nam có hơn 260 cán bộ, phóng viên đã anh dũng hy sinh, 30 đồng chí bị thương tật các hạng 1 đến hạng 4, nhiều đồng chí bị thương tật suốt đời, bị nhiễm chất độc da cam.
Những hoạt động tri ân của Thông tấn xã Việt Nam đối với gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương bệnh binh, người có công với cách mạng đã thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, đây cũng là dịp để ôn lại ý nghĩa lịch sử và truyền thống vẻ vang của Ngày Thương binh liệt sĩ để “tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh” như lời dạy của Bác Hồ và cũng là dịp để mỗi lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam thể hiện trách nhiệm trước những hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh - những người đã ngã xuống hoặc mất một phần máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nhân dịp này, Hội Cựu chiến binh Thông tấn xã Việt Nam cùng lãnh đạo Công ty TNHH MTV ITAXA, Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang trao, tặng quà cho 10 hộ gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công trên địa bàn huyện tịnh Biên, tỉnh An Giang; thăm, tặng quà thân nhân gia đình liệt sĩ Lê Văn Tròn - liệt sĩ Thông tấn xã Việt Nam ở ấp Long Hòa 1, xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đỗ Cường cho biết, Thông tấn xã Giải phóng là một bộ phận của Trung ương cục miền Nam. Cơ quan tiền phương của Việt Nam Thông tấn xã, nay là Thông tấn xã Việt Nam tại chiến trường miền Nam; với vai trò là cơ quan phát ngôn chính thức, chính thống của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh rất phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam.
Suốt quá trình 15 năm hoạt động dưới bon đạn kẻ thù (1960-1975), với địa bàn hoạt động từ khu V trở vào, Thông tấn xã Giải phóng luôn duy trì “mạch máu” thông tin và có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam. 15 năm đó, Thông tấn xã Giải phóng có 240 (trên tổng số 260 liệt sĩ của Thông tấn xã Việt Nam) phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên… hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu, tương đương hơn 50% tổng biên chế phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên,… của Thông tấn xã Giải phóng vào thời điểm cuối năm 1974.
“Đóng góp công sức, máu xương cho sự nghiệp, thành tích của Thông tấn xã Việt Nam nói chung và Thông tấn xã Giải phóng nói riêng có những thế hệ người con của mảnh đất An Giang dũng cảm, kiên cường, trong đó có liệt sĩ Lê Văn Tròn ở xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang” - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đỗ Cường nhấn mạnh.
Những năm qua, không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó, Đảng ủy và lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt và luôn chăm lo đến công tác thương binh - liệt sĩ của ngành và coi đó là trách nhiệm và tình cảm sâu nặng với các gia đình liêt sĩ, thương binh. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của gần 2.500 cán bộ, công nhân viên cơ quan.
Hằng năm, Ban lãnh đạo cơ quan Thông tấn xã Việt Nam đều cử cán bộ chăm lo, giúp đỡ kịp thời khi gia đình thân nhân liệt sĩ có khó khăn hay đau ốm. Vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, cơ quan đều cử đoàn đến thăm, tặng quà các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; tổ chức dâng hương, tưởng niệm các liệt sĩ của Thông tấn xã Việt Nam nói riêng và của cả nước nói chung tại các nghĩa trang liệt sĩ.